Theo tờ Nature, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu thêm về tế bào T vì lo ngại các biến chủng mới có thể vô hiệu hóa kháng thể. Tế bào T là một nhóm tế bào miễn dịch có thể tìm và phá hủy tế bào nhiễm virus. Họ hy vọng tế bào T có thể giúp cơ thể có chút miễn dịch chống COVID-19 khi mà kháng thể không còn hiệu quả tuyệt đối trong chống căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu đang chọn lọc dữ liệu hiện có để tìm dấu hiệu cho thấy tế bào T có thể giúp duy trì miễn dịch lâu dài.
Trong cơ thể người, ngoài kháng thể, hệ miễn dịch còn sản sinh ra nhiều tế bào T có thể nhằm vào virus. Một số loại tế bào T được gọi là tế bào T “sát thủ” (tế bào CD8+ T), có khả năng tìm và phá hủy tế bào nhiễm virus. Một số tế bào khác được gọi là tế bào T hỗ trợ (tế bào CD4+ T) rất quan trọng với các chức năng miễn dịch, trong đó có chức năng kích thích sản xuất kháng thể và tế bào T sát thủ.
Tế bào T không ngăn chặn lây nhiễm virus, vì nó chỉ hành động sau khi virus đã xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, tế bào T có vai trò quan trọng trong xử lý tình trạng lây nhiễm đã bắt đầu trong cơ thể.
Trong trường hợp COVID-19, tế bào T có thể quyết định tình trạng nặng, nhẹ của bệnh nhân. Bà Annika Karlsson, nhà miễn dịch tại Viện Karokinska ở Stockholm, nhận định: “Nếu tế bào T có thể diệt tế bào nhiễm virus trước khi chúng lan rộng từ đường hô hấp trên, tế bào này sẽ quyết định mức độ nhiễm bệnh của bạn”.
Tế bào T có thể giảm lây lan virus bằng cách hạn chế số lượng virus di chuyển trong cơ thể bệnh nhân, có nghĩa là người đó sẽ phát tán ít virus hơn ra cộng đồng.
Tế bào T cũng có thể mạnh hơn kháng thể khi đối mặt với các mối đe dọa mà biến chủng mới gây ra.
Nghiên cứu của ông Alessandro Sette và đồng nghiệp tại Viện Miễn dịch La Jolla ở California (Mỹ) cho thấy những người nhiễm virus SARS-CoV-2 thường sản sinh ra tế bào T nhằm vào ít nhất từ 15 đến 20 mảnh khác nhau của protein trong virus.
Tuy nhiên, tế bào T nhằm vào mảnh protein nào thì khác nhau ở từng người, có nghĩa là một cộng đồng dân số sẽ tạo ra rất nhiều loại tế bào T có thể đối phó virus. Ông Sette nói: “Điều này khiến virus rất khó biến đổi để trốn tránh bị tế bào nhận diện, khác với trường hợp kháng thể”.
Vì thế, khi thử nghiệm tại phòng thí nghiệm cho thấy biến thể 501Y.V2 ở Nam Phi (hay còn gọi là B.1.351) làm giảm hiệu quả kháng thể được sinh ra để chống lại các biến thể trước đó, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến khả năng tế bào T có thể ít bị tổn thương trước các đột biến của virus.
Kết quả ban đầu cho thấy điều này có thể có khả năng. Nếu tế bào T có tác dụng với biến thể 501Y.V2, chúng có thể bảo vệ cơ thể khỏi bị mắc bệnh nặng. Dù vậy, vẫn chưa thể biết chắc chắn với lượng dữ liệu hiện nay.
Cải tiến vaccine
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của một số vaccine COVID-19 để xem liệu hiệu quả của chúng có giảm khi gặp biến thể 501Y.V2 hay không. Tới nay, ít nhất ba vaccine của Novavax, Johnson & Johnson và AstraZeneca đều giảm hiệu quả khi đối mặt với biến thể Nam Phi.
Trong trường hợp vaccine của AstraZeneca, hiệu quả vaccine chỉ còn 22% sau khi nghiên cứu mẫu của 2.000 người ở Nam Phi. Dù vậy, thử nghiệm có quy mô quá nhỏ và người tham gia quá trẻ nên các nhà nghiên cứu chưa rút ra kết luận.
Một số nhà sản xuất vaccine COVID-19 đã tìm cách nâng cấp vaccine để vaccine có thể kích thích tế bào T hiệu quả hơn. Kháng thể chỉ phát hiện được protein bên ngoài tế bào và nhiều vaccine COVID-19 chỉ nhằm vào protein gai bên ngoài bề mặt virus. Tuy nhiên, protein gai lại hay biến đổi, gây nguy cơ biến thể mới sẽ lẩn trốn kháng thể.
Trái lại, tế bào T có thể nhằm vào các protein bên trong tế bào nhiễm virus và một số protein này rất ổn định. Điều này đặt ra khả năng phát triển vaccine nhằm vào các protein ít biến đổi hơn protein gai. Hoặc vaccine có thể được thiết kế để nhằm vào nhiều protein hơn.