Thế nhưng, những loại tem, mác này lại đang trở thành chiêu trò để đánh lừa khách hàng với những thủ đoạn làm giả tinh vi, nhất là trong những thời điểm hoạt động tiêu thụ hàng hóa được đẩy mạnh.

Những tháng cuối năm là thời điểm sức tiêu dùng, mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, nhất là khi nhu cầu mua quà biếu nhiều hơn thì thị trường các sản phẩm ngoại nhập như rượu, bánh kẹo hay đặc biệt là hoa quả nhập khẩu cũng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từ đó, nguy cơ về "hàng thật, hàng nhái" được bày bán lẫn lộn cũng trở thành một vấn đề nhức nhối.

Là một người hay mua hoa quả nhập ngoại để làm quà biếu, chị Phương Thảo (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) chia sẻ rằng: "Trước đây thì tôi hay vào siêu thị để mua hoa quả đi biếu, nhưng bây giờ thì các cửa hàng bán hoa quả lớn, nhỏ cũng đều bán, từ cam Úc, nho Mỹ, lê Hàn Quốc,… mà giá lại có phần phải chăng hơn. Hoa quả tại mấy nơi này cũng đều có tem mác đầy đủ nên tôi cũng tin tưởng". 

Thực tế là không chỉ có chị Thảo, nhiều người tiêu dùng khi lựa chọn mua hoa quả nhập khẩu cũng đặt niềm tin vào tem mác xuất xứ trên chủng loại trái cây. Lợi dụng điều này, một số đơn vị kinh doanh đã dán mác giả để lừa dối khách hàng.

Tem mác hoa quả nhập khẩu: Chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng - Ảnh 1.

Tem mác giả có thể dễ dàng tìm mua với giá rẻ

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một cửa hàng trái cây trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội bày bán khá nhiều táo nhập khẩu. Nhân viên cửa hàng khẳng định cửa hàng chỉ bán táo New Zealand, thế nhưng chiếc tem dán trên quả táo lại có chữ USA, tức là nguồn gốc đến từ Mỹ. Còn tại chợ đầu mối Long Biên, có cửa hàng bày bán nhiều loại dưa vàng có dán tem chữ Hàn Quốc. 

Trong vai khách hàng mua buôn để mở cửa hàng, phóng viên đã được bà chủ cửa hàng tiết lộ, loại dưa này thực chất là được trồng tại Việt Nam, nhưng chỉ cần dán tem chữ Hàn Quốc là có thể nghiễm nhiên trở thành dưa nhập khẩu. Bằng cách này thì không chỉ riêng dưa vàng, các loại trái cây khác từ Trung Quốc, việc thay đổi nguồn gốc, xuất xứ trở nên vô cùng dễ. 

Hơn nữa, không khó để có thể tìm mua các loại tem dán cho trái cây, với giá chưa đến 100 đồng/1 tem. Thậm chí, những cửa hàng buôn bán trái cây nhập khẩu có thể đặt hàng riêng tem cho mình với chữ của các nước khác nhau.

Có thể thấy, tình trạng hoa quả gắn nhãn mác giả nhập ngoại hiện nay cũng là nguyên nhân khiến khách hàng khó có thể trở thành người tiêu dùng thông thái vì việc phân biệt thật giả rất khó, khi mà công nghệ phù phép rồi "ngụy trang tem mác" của nhiều tiểu thương đã ở mức "thượng thừa". 

Ví dụ như sản phẩm Lê Hàn Quốc – một trong những loại hoa quả nhập khẩu rất được người dân Việt Nam ưa chuộng, và vì thế thường bị trà trộn bởi Lê Trung Quốc. Những loại lê này được gắn tem mác có chữ tiếng Hàn, khiến người dân dễ dàng tin tưởng mà không cần kiểm chứng.

Theo quy định, trái cây nhập khẩu phải có thông tin về xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng, việc đảm bảo quy định này trở nên rất mơ hồ, khi một số lượng lớn "lê nhái Hàn Quốc" được nhập về các cơ sở kinh doanh và bày bán tràn lan.

Theo đại diện Hiệp hội nông thủy sản Hàn Quốc tại Hà Nội, người tiêu dùng có thể phân biệt dễ dàng lê Hàn Quốc và Lê không rõ nguồn gốc bằng cách quét QR code: "Lê Hàn Quốc có giấy bọc và có nhãn dán K-Pear chỉ được gắn trên quả lê. 

Có tem chống giả và mã QR. Nếu bạn quét mã QR, bạn sẽ được kết nối với trang web của nhà xuất khẩu Hàn Quốc và bạn có thể kiểm tra thông tin của nhà xuất khẩu. Còn đối với Lê Trung Quốc nhái Lê Hàn Quốc, trên tem mác chỉ có chữ tiếng Hàn, chứ không có dòng chữ  'Product of Korea' hoặc 'Produce of Korea', và khi bạn quét mã QR code, bạn sẽ không truy xuất được thông tin từ các website của nhà xuất khẩu bên Hàn Quốc".

Tem mác hoa quả nhập khẩu: Chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng - Ảnh 2.

Quét mã QR để truy xuất thông tin của sản phẩm

Lê được trồng tại nơi khác được coi là lê Hàn Quốc "nhái" vì nó không được trồng theo quy trình an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị phun các hóa chất độc hại để giữ được mẫu mã lê đẹp, thời gian bảo quản lâu hơn, có thể lên tới 4 tháng. 

Còn đối với lê Hàn Quốc nhập khẩu thì chỉ để được trong khoảng 7 ngày. Do đó giống cây không còn giá trị cao về mặt chất lượng. Bởi tính lạnh, ôn hòa mà lê được trồng tại Hàn Quốc rất giàu vitamin A, C, D, E và pectin - chất giúp làm tăng men vi sinh giúp hệ tiêu hóa ổn định, vỏ còn có giá trị chữa bệnh cao, có lợi cho tim và phổi, giúp tiêu độc hạ nhiệt. 

Việc sử dụng "lê nhái Hàn Quốc" về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên mua lê Hàn Quốc nói riêng, hoa quả nhập khẩu nói chung ở những địa chỉ tin cậy, có giấy tờ và thông tin đầy đủ về xuất xứ, tránh những "cái bẫy" của những đơn vị kinh doanh không đạt tiêu chuẩn.