Kẻ lạc lõng và chiếc máy ôm kỳ lạ

Temple Grandin sinh ngày 29 tháng 8 năm 1947 tại Boston, Massachusetts, nước Mỹ. Bà được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ vào năm 2 tuổi. 

Đến tận năm 4 tuổi, Grandin mới biết nói. Trước đó, bà giao tiếp bằng cách gào thét, làm những hành động ồn ào, la hét,... Theo như Grandin kể lại trong một cuộc phỏng vấn, đó là cách duy nhất bà sử dụng để bày tỏ cảm xúc do khả năng giao tiếp hạn chế.

Thuở nhỏ, Temple Grandin không thích nói chuyện, không thích tiếp xúc thân mật với người khác, kể cả cha mẹ. Bà chỉ tập trung vào thế giới riêng của mình. Giống như nhiều trẻ tự kỷ khác, khi yêu thích một thứ gì đó, bà ngồi nhìn ngắm, hoặc nghịch chúng cả ngày mà không màng đến mọi sự xung quanh.

Temple Grandin - người phụ nữ tự kỷ làm nên kì tích 1
Temple Grandin trong một buổi thuyết giảng.

Mẹ của Temple Grandin, bà Eustacia Cutler chính là người có công lớn trong việc chữa bệnh tự kỷ và cho Grandin một cuộc sống như hiện tại.

Bà kiên nhẫn dạy con gái tập nói, dù việc đó tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bà ngồi cạnh con hàng giờ đồng hồ, giơ bảng học chữ với hình ảnh sinh động để dạy Grandin nói. Nếu cô bé Temple quay mặt sang chỗ khác, tập trung vào thứ mà cô thích thú, bà sẽ kéo con lại, đến khi con chú ý và học được từ mới thì thôi.

Bà Eustacia Cutler không bao bọc hay chiều theo sở thích Temple Grandin, mà để con hòa nhập với cuộc sống bình thường. Khi Grandin lên 3, bà thuê vú em, thường xuyên cùng Grandin chơi các trò chơi theo lượt để tạo thói quen giao tiếp và tương tác. Lúc Grandin 18 tuổi, bà Cutler cũng gửi con đến trang trại của người chị gái, để cô làm thêm ở đó như mọi thiếu niên tuổi teen khác. Chính ở trang trại này, Grandin đã tìm được niềm vui khi ở giữa thiên nhiên và sự hứng thú với động vật - tiền đề cho sự nghiệp chói lọi của bà sau này. 

Temple Grandin - người phụ nữ tự kỷ làm nên kì tích 2
Khi còn nhỏ, Temple Grandin gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp.

Dù vậy, một đứa trẻ bị tự kỷ khó mà hòa nhập hoàn toàn với môi trường xung quanh. Khi đi học, Grandin luôn bị bạn bè chế giễu. Bà từng bị bạn học dè bỉu vì quá gầy gò, gọi là máy ghi băng bởi thường xuyên lặp lại một câu nói. Những hành động khác lạ của Grandin khiến bạn bè người thì sợ hãi, người thì trêu chọc. Bà trở thành một "kẻ lạc lõng" ở trường.

Dù không nói ra, cũng như không biết cách biểu đạt cảm xúc, nhưng lúc đó, Grandin rất buồn. Grandin không thích trò chuyện cũng như để người khác chạm vào người của mình, bởi vậy, rất khó khăn để những người xung quanh như gia đình, thầy cô chia sẻ cùng bà.

Năm 18 tuổi, Grandin đã thiết kế một chiếc máy ôm để kiềm chế cảm xúc. Mỗi khi cảm xúc bị kích động, không ổn định, Grandin lại chui vào chiếc máy. Hai tấm gỗ ép vào người, như một vòng ôm giúp Grandin thả lỏng cảm xúc, cảm thấy thoải mái, bình tĩnh lại.

Temple Grandin - người phụ nữ tự kỷ làm nên kì tích 3
Bà từng là một "kẻ lạc lõng" và phải sử dụng máy ôm để kiềm chế cảm xúc.

Người phụ nữ tự kỷ thiên tài

Từ nhỏ, Grandin đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh với bộ môn Hình học. Dù vậy, bà lại không thể làm các bài tập Đại số-một khía cạnh khác của Toán học. Thay vì sử dụng những con số khá trừu tượng thì Grandin suy nghĩ bằng hình ảnh. Bà dựa vào những hình ảnh thực tế, sau đó, thêm thắt một vài tưởng tượng hoàn toàn bằng hình ảnh trong đầu. Như chính bà từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn:

"Tôi có kỹ năng trực quan tốt hơn người bình thường. Khi thiết kế một thiết bị, tôi lắp ráp và chạy thử chúng trong đầu của mình, như một chương trình máy tính ảo".

Temple Grandin - người phụ nữ tự kỷ làm nên kì tích 4
Grandin có nhiều cống hiến trong lĩnh vực chăn nuôi

Grandin tự nhận mình là một người may mắn. Nếu học tập trong một hệ thống giáo dục cứng nhắc, có lẽ sẽ không bao giờ có một tiến sĩ Temple Grandin như hiện tại bởi điểm môn Đại số quá thấp cũng như kỹ năng sống hạn chế của bà.

Grandin may mắn gặp được những người thầy tuyệt vời. Họ đã nhìn ra được tài năng thiên bẩm của bà, tạo điều kiện, giúp bà phát triển được tài năng đó. Cũng không thể bỏ qua sự hỗ trợ từ phía gia đình của Grandin, đặc biệt là mẹ của bà - người luôn đầu tư và kiên nhẫn tìm cách giúp con gái được học hành, phát triển.

Sau khi tốt nghiệp trường dự bị Hampshire (Hampshire Country School) ở Rindge, New Hampshire vào năm 1966, Grandin tiếp tục học cử nhân tâm lí học tại Trường Đại học Franklin Pierce vào năm 1970. Sau đó, bà học thạc sĩ về khoa học thú vật ở Đại học Tiểu bang Arizona, tốt nghiệp năm 1975, rồi tiến sĩ khoa học thú vật ở Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, bảo vệ thành công luận án năm 1989.

Temple Grandin - người phụ nữ tự kỷ làm nên kì tích 5
Temple Grandin và mẹ - bà Eustacia Cutler

Temple Grandin có một công trình nghiên cứu nổi tiếng, đó là thiết kế cơ sở chế biến gia súc. Khi đến thăm và thực tập ở một cơ sở giết mổ gia súc, Grandin với bộ óc tỉ mỉ và nhạy cảm đã nhận ra sự hoảng sợ của động vật trong lò mổ.

Bởi vậy, bà dồn sức vào việc cải thiện cách thức gia súc được xử lý ở cơ sở giết mổ, nghĩ ra những cách thức làm cái chết đến với chúng nhẹ nhàng, êm ái hơn. Hiện tại, khoảng một phần ba cơ xưởng chăn nuôi tại Mỹ sử dụng thiết kế của Grandin cho cơ sở của mình.

Giải thích về công trình nghiên cứu của mình, bà nói: "Tôi nghĩ rằng việc dùng động vật làm thực phẩm là điều hợp đạo đức, tuy nhiên chúng ta cần làm điều đó theo cách đúng đắn. Chúng ta phải cho những con vật này một cuộc sống tốt và cho chúng một cái chết êm dịu. Chúng ta nợ chúng sự tôn trọng."

Tượng đài của những người tự kỷ

Temple Grandin đã làm kinh ngạc cả thế giới bởi tài năng và nỗ lực vươn lên của bà. Từ một đứa trẻ tự kỷ chậm nói, thiếu kỹ năng sống, bà trở thành một kỹ sư, một giáo sư đại học, một nhà diễn giả nổi tiếng. 

Bà là minh chứng lớn nhất cho việc can thiệp sớm có thể giúp người tự kỷ thành công vượt trội. Temple Grandin được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2004, bà nhận giải "Proggy" trong hạng mục "Visionary" từ tổ chức PETA.

Bà đã xuất bản hàng loạt các cuốn sách về các công trình nghiên cứu trong ngành chăn nuôi cũng như các nghiên cứu về bệnh tự kỷ. Bà có nhiều bài phát biểu, buổi thuyết giảng và các hoạt động vì quyền của những người mắc bệnh tự kỷ.

Temple Grandin - người phụ nữ tự kỷ làm nên kì tích 6
Temple Grandin cùng Claire Fanes - diễn viên thủ vai Grandin trong bộ phim điện ảnh về bà.

Hiện tại, bởi căn bệnh tự kỷ, Grandin gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bà thường phải uống thuốc chống trầm cảm, mặc quần áo thoải mái để kháng lại chứng rối loạn xử lý giác quan, cũng như bố trí cách sống hợp lí để tránh quá tải giác quan.

Dù vậy, kỹ năng giao tiếp của Grandin đã nâng lên rất nhiều. Bà có thể trò chuyện cùng người khác, thực hiện các bài phỏng vấn cũng như phát biểu trước đám đông. Chiếc máy ôm của Grandin đã bị hỏng nhưng bà cũng không sửa chữa nó, bởi hiện giờ, Grandin đã có thể tiếp xúc và trao những cái ôm nồng ấm với tất cả mọi người.

Câu chuyện của Grandin là cảm hứng cho nhiều người làm nghệ thuật. Người ta viết sách, viết nhạc, làm phim tài liệu, phim điện ảnh và cả show truyền hình về bà. Bà trở thành một tượng đài sống của những người mắc bệnh tự kỷ và cả người bình thường, một tấm gương vĩ đại được nhiều người hâm mộ, noi theo.