Rắc rối tên gọi hành khách

Thông thường, những trường hợp khách mà tên có thể gây nhầm lẫn, các nhân viên sẽ đưa ra hàng loạt phương án tên để rồi chọn lấy một phương án ít rủi ro nhất và đọc trên loa. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp phải gọi đến 2-3 lần với vài phương án tên khác nhau, khổ nhất là những từ quá hiếm quá độc, luận kiểu gì cũng không ra.

Theo chia sẻ từ nhân viên hãng hàng không, từng có hành khách tên Đỗ Thời Thà, là khách hàng thường xuyên có thẻ vàng. Nhân viên hàng không đã phải đau đầu suy luận để tìm ra phương án tên chính xác trên hệ thống loa, vì có thể đọc là Đỗ Thối Tha.

Tên không dấu: Từ chết cười đến hiểm họa hàng không 1
Vé máy bay không có dấu nên nhiều trường hợp gây nhầm lẫn.

Hành khách có tên là Trần Minh Hướng nhưng vì khi đặt chỗ, dữ liệu ghi lại mặc định là không có dấu nên hóa thành “Tran Minh Huong”. Vì vậy, khi nhân viên hãng vận chuyển bắc loa gọi sẽ phải đọc lần lượt các cái tên như Trần Minh Hương, Trần Minh Hường, Trần Minh Hưởng và Trần Minh Hướng. Do đang mải nói chuyện điện thoại nên anh chỉ nghe thấy tên Trần Minh Hương nào đó nên cứ thế chuyện trò ở phòng chờ quên cả giờ ra máy bay.

Những cái tên chữ không dấu in trên vé như Dam Van Dang sẽ không thể đọc thành Dâm Văn Đãng hay Đảm Văn Đang…. Nguyen Van Moc có thể hiểu là Nguyễn Văn Móc, Nguyễn Văn Mốc, Nguyễn Văn Mộc.

Có tên khó khiến cho nhân viên mặt đất đủ mọi cách suy luận vẫn không đúng. Đơn cử trường hợp hành khách tên “Vu Van Con” được gọi bằng các tên khác như “Vũ Văn Côn”, “Vũ Văn Còn”, “Vũ Vân Côn”, “Vũ Vân Cồn”, “Vũ Vân Còn” cũng không thấy xuất hiện. Cuối cùng khách cũng xuất hiện, hỏi ra mới biết ông tên “Vũ Văn Cổn”.

Do tên hành khách trên vé là chữ không có dấu nên nhiều trường hợp chuyến bay đã làm thủ tục lên máy bay nhưng phải chờ, thậm chí gọi mãi mà chẳng thấy hành khách đâu. Theo nguyên tắc, sau khi làm thủ tục lên máy bay, hành khách sẽ được cấp thẻ lên tàu (boarding pass) và lên khu vực chờ.

Với những hành khách đã có tên trên danh sách chuyến bay, nếu chưa làm thủ tục ra máy bay (đưa lại boarding pass cho nhân viên mặt đất và ra máy bay) thì các nhân viên này sẽ gọi tên hành khách trên hệ thống loa công cộng. Nếu đến giờ máy bay phải cất cánh mà khách chưa làm thủ tục này, vì lý do an ninh hãng hàng không buộc phải loại ra khỏi danh sách, truy tìm lại hành lý (nếu đã làm thủ tục gửi hành lý) nằm trong khoang máy bay và gửi lại sân bay. Chuyến bay có thể bị hoãn, gây tốn kém và phiền phức. Chính vì vậy truy tìm vị khách cuối cùng này là điều bắt buộc và rất quan trọng.

Lợi dụng tên không dấu

Lợi dụng việc đặt vé máy bay qua online dễ dàng, chỉ cần khai tên, không cần ghi số CMND, ngày tháng năm sinh nên có người đặt mua hàng loạt vé giá rẻ rồi bán lại cho những ai trùng tên không dấu có nhu cầu. Việc sử dụng vé máy bay tên người khác không chỉ là gian lận về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh hàng không.

Từ tháng 5 cho đến nay, lực lượng an ninh hàng không đã phát hiện và xử lý 15 trường hợp dùng tên giả để đi máy bay. Cả 3 hãng hàng không của Việt Nam đều xảy ra hiện tượng này, nhưng chủ yếu là 2 hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air và Jetstar Pacific.

Đại diện Thanh tra Cục Hàng không VN cho biết, qua xác minh, các đối tượng này vì tham vé giá rẻ (vé khuyến mại có tên người khác) nên đã gian dối trong việc nhờ địa phương xác nhận nhân thân “tên giả, người thật”. Để “qua mắt” lực lượng kiểm soát, họ khai tên người có vé rồi dán ảnh mình vào, lấy xác nhận địa phương. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra tại sân bay Nội Bài và chính phòng vé, đại lý bán vé tư vấn cho khách hàng sử dụng cách thức này.

Hiện nay, Cục Hàng không VN đang xác định các nguyên nhân, để từ đó có hình thức xử lý phù hợp, nếu do đại lý vé máy bay sẽ xử phạt đại lý, nếu do địa phương sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để chấn chỉnh việc xác nhận nhân thân và tăng cường kiểm tra an ninh với hành khách.