Trong những ngày Tết này, các em bé thường ăn nhiều món quen thuộc của Tết cổ truyền. Nhiều mẹ tâm sự các bé thường cảm thấy ngán và ăn rất ít vì nhiều món dầu mỡ. Chính vì vậy, việc đổi thực đơn và làm các món khác hấp dẫn hơn sẽ giúp đảm bảo được dinh dưỡng cho con.
Để giúp cả gia đình có những bữa ăn chất lượng, chị Thu Hương (sống tại Hà Nội) đã chăm chỉ vào bếp làm thêm những món ngon dễ ăn mà lại đậm vị Tết. Nhìn món nào cũng ngon mà ai cũng thích mê, khen bà mẹ 5 con siêu khéo tay. Tranh thủ Tết này, các mẹ thử vào bếp nấu cho gia đình những món ăn này nhé.
1. Bún thang
Nấu nồi Bún Thang là thấy "mùi Tết" rồi. Ăn món này đỡ ngán, ngon mà giải ngấy cực kỳ tốt. Thông thường, một tô bún thang sẽ bao gồm các nguyên liệu sau: thịt gà, giò, tôm, củ cải khô, trứng tráng, nấm, hành, rau răm, mắm tôm và đặc biệt linh hồn của món ăn chính là nước dùng được nấu từ gà, tôm khô hoặc sá sùng. Tất cả nguyên liệu được thái chỉ với kích thước đồng đều nhau. Nước dùng phải thật trong, ngọt thanh tự nhiên.
- Nguyên liệu: 1 con gà mái ri khoảng 1.5kg; 50g tôm khô; 300g giò lụa; 3 quả trứng gà; 20 cái nấm hương; 50g củ cải khô; 5 củ hành tím; 2 củ hành tây; 1 quả chanh; 1 mớ rau răm; 10g hành lá; 1 mẩu gừng nhỏ; 5 lá chanh; Bún tươi sợi nhỏ; Gia vị: đường phèn, muối, dầu ăn, nước mắm, giấm, mắm tôm.
- Cách nấu bún thang
+ Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Tôm khô rửa sạch, ngâm trong 1h; Sá sùng nướng sơ cho thơm; Nấm hương ngâm nở, vớt ra rửa sạch lại, vắt ráo; Hành tím, hành tây bỏ vỏ nướng sơ; Gà sau khi mua về rửa sạch; Củ cải khô ngâm nở, vớt ra, vắt thật khô; Gừng bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ; Hành lá, rau răm rửa sạch, cắt mỏng, nhỏ; Lá chanh thái chỉ. Chanh cắt miếng nhỏ.
+ Bước 2: Cách nấu nước dùng bún thang: Luộc gà; Lọc thịt gà thái mỏng; Phần xương cho lại vào nồi nước dùng ninh cùng tôm khô, sá sùng, nấm hương, hành tím; Sau 1h ninh nồi nước dùng, nêm 1 thìa cafe đường phèn, 3 thìa canh gia vị, 2 thìa canh nước mắm vào và nêm nếm vừa miệng, tắt bếp.
+ Bước 3: Chế biến củ cải khô: Cho 2 thìa cà phê mắm, 3 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê giấm vào chén, khuấy tan ra. Sau đó, đổ mắm vào bát củ cải đã vắt khô, trộn đều lên. Thêm vào 1 chút xíu gừng thái chỉ, chút xíu ớt, trộn đều lên và để ướp cho củ cải thấm gia vị.
+ Bước 4: Tráng trứng mỏng: Đập trứng ra bát cho vào 1 chút muối, 1 xíu rượu trắng, đánh tan đều; Bắc chảo lên bếp, làm nóng chảo, cho vào 1 thìa cà phê dầu ăn, phết 1 lớp mỏng dầu thật mỏng lên bề mặt chảo, dùng khăn giấy lau sạch dầu; Múc 1 muôi nhỏ trứng đổ vào chảo, nhanh tay tráng đều ra chảo sao cho trứng tạo thành lớp thật mỏng; Khi thấy trứng khô, lật ngược lại, lấy ngay ra; Cứ thế làm cho đến khi hết trứng. Với 3 quả trứng, bạn có thể làm được khoảng 6 tấm trứng mỏng.
+ Bước 5: Làm ruốc tôm: Tôm he khô sau khi ngâm nước, vắt khô đem lên chảo rang cho tôm vàng mặt, săn lại. Giã phần cháy tôm này thật bông để làm thành ruốc tôm.
+ Bước 6: Giò lụa: Thái giò lụa thành những lát thật mỏng, sau đó thái sợi chỉ.
+ Bước 7: Thưởng thức và trình bày: Cho bún vào bát, xếp gà, trứng, giò lụa, hành lá, rau răm quanh tô và ruốc tôm ở giữa, 1/2 thìa cafe mắm tôm. Chan nước dùng vào, rắc chút lá chanh vắt thêm 1/4 quả chanh.
Bún thang ăn kèm cùng củ cải khô ngâm chua ngọt càng làm cho món ăn này trở nên hấp dẫn một cách lạ kỳ.
2. Chè mochi sắn dẻo
Trong tiết trời se lạnh giữa đông, được thưởng thức một bán chè sắn ấm nóng, thơm ngon ngọt đượm thì còn gì tuyệt vời bằng. Chè sắn xứng đáng là món chè được xếp vào 'bộ sưu tập' những món ngon nên ăn vào mùa đông của Hà Nội. Tết nhiều món dầu mỡ thì có một bát chè giải ngán quá là ngon!
- Cách làm viên mochi sắn: 300gr sắn trắng bở hấp chín, tán nhuyễn ngay lúc sắn còn nóng; 100gr bột năng; 20gr bột nếp; 15gr bột béo/ bột cốt dừa; Nước sôi 100 độ để nhào thành khối mịn không dính tay. Sau đó, vo viên nặn tròn nhỏ xinh 15-20gr/viên. Viên mochi có thể làm nhiều bỏ ngăn đá dùng dần cho tiện. Nếu cấp đông thì không cần giã đông mà thả vào nồi luôn từng viên một.
- Cách làm Chè Sắn
+ Nguyên liệu: 300gr sắn thái vuông 3x3cm ngâm nước muối loãng 2-3h cho ra hết nhựa, rửa sạch để ráo; 1.6 lít nước; 300gr đường thốt nốt/ đường mật mía (có thể pha 1/2 đường vàng); 2gr muối; 1 củ gừng nhỏ thái chỉ; 300gr viên mochi sắn; 100gr bột năng; 10gr bột béo (thích bùi béo thì cho, còn không có cũng không sao).
+ Cách làm: Cho nước, đường, muối, gừng vào đun sôi; Cho 300gr sắn đã thái vuông vào rim lửa nhỏ trong 10 phút; Cho viên mochi vào đun lửa nhỏ 10 phút nữa; Lấy bột năng cho 100ml nước vào đủ hòa tan; Đổ từ từ bột vào nồi, vừa đổ vừa quấy; Đun sôi 2 phút thì tắt bếp. Khi ăn múc 2 muôi chè và sắn ra bát. Trang trí dừa nạo, lạc rang giã dập, có thể cho thêm nước cốt dừa.
3. Bánh mì xíu mại
- Nguyên liệu làm món xíu mại bò viên: 500 gram thịt xay; 1 củ hành tây; 1-2 củ tỏi; 2 thìa canh bột năng/bột bắp; 1 quả trứng gà; 3-4 quả cà chua; 3 thìa canh tương cà (Ketchup); Hành lá, rau mùi; 1 nhánh gừng nhỏ; Muối hoặc bột gia vị nước mắm, tiêu xay.
- Thực hiện: Thịt rửa sạch, cho vào máy xay xay nhuyễn. Thịt làm xíu mại nên xay nhuyễn hơn thịt xay bình thường; Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái nhỏ rồi băm nhuyễn; Rau mùi nhặt gốc, rửa sạch, để ráo, thái nhỏ; Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhỏ; Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. 1/2 làm viên thịt, 1/2 làm nước sốt.
Cho thịt bò xay cùng các nguyên liệu đã chuẩn bị vào máy xay, xay nhuyễn. Trút hỗn hợp ra tô rồi trộn đều một lần nữa; Lấy chút dầu ăn thoa vào lòng bàn tay để chống dính, múc một muỗng thịt xay vào rồi viên thành các viên tròn.
- Làm sốt cà chua: Rửa sạch chảo hoặc dùng một chiếc chảo nhỏ khác. Đun nóng già 1 thìa dầu ăn phi thơm số hành tỏi còn lại; Cho cà chua vào chảo cùng ½ thìa cafe muối. Xào đến khi cà chua chín nhuyễn; Cho thêm 3 thìa tương cà Ketchup, khoảng 2/3 bát con nước, ½ thìa canh đường. Quấy đều. Hạ nhỏ lửa đun liu riu trong khoảng 5-10 phút. Nêm lại mắm muối. Hòa tan 1 thìa cafe bột năng với xíu nước khuấy đều đổ vào chảo cà chua cho sền sệt; Cho thịt vào chảo, đun nhỏ lửa thêm 10 phút, tắt bếp.