Cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km, xóm heo đất Lái Thiêu (TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) từ lâu nổi tiếng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm tính giải trí và nghệ thuật cao, được rất nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước ưa chuộng. Đặc biệt, mỗi khi Tết đến xuân về, nơi đây lại trở thành điểm đến ưa thích của các thương lái lẫn du khách gần xa khi cho ra đời những linh vật bằng đất đẹp đẽ tương ứng theo con giáp của năm. Tết Đinh Dậu 2017 dĩ nhiên là lúc gà vàng được dịp "lên đỉnh".
Gia đình chú Nguyễn Văn Hậu (67 tuổi) có tuổi đời làm nghề thuộc hàng lâu nhất tại làng heo đất Lái Thiêu. Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp, tiếng cười nói của 12 nhân khẩu như khiến không khí làm việc nhộn nhịp hơn. Tại đây, mọi người đang tất bật cho công việc tô, vẽ, trang trí hoa văn cho heo, gà để kịp "xuất chuồng".
Ngoài các loại thú cưng quen thuộc như heo thuỷ mặc, heo dát vàng, qua đôi bàn tay khéo léo, những người thợ còn đưa thêm những nhân vật phim hoạt hình ăn khách vào chú heo như chuột mickey, siêu nhân, chim cánh cụt, chó đốm, mèo máy… cho phù hợp thị trường.
Heo đất ở khu vực này nổi tiếng về chất lượng đến nỗi cứ đến mùa cao điểm, các thương lái từ Bắc chí Nam liên tục gọi đến đặt. Các chủ ghe miền Tây cũng tranh thủ tìm đến mua để xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia. Thậm chí, nhiều nhà chùa cũng đặt mua heo thư pháp số lượng lớn cho các Phật tử có nhu cầu bỏ ống, cúng dường.
Nhưng món hàng "hot" nhất thời điểm hiện tại là gà vàng phục vụ Tết. Gà được phủ một lớp sơn vàng, sau đó được các nghệ nhân điểm nhãn, rồi rắc một lớp kim tuyến sáng chói lên. Đây cũng là loại đắt nhất tại xưởng của chú Hậu khi giá bán mỗi chú gà lớn là 60.000 đồng, nhỏ hơn cũng 30.000-40.000 đồng.
"Vì chỉ bán được một mùa nên mới cao vậy, chứ như heo đất bán quanh năm rẻ lắm. Như loại bình thường giá chỉ 8.000 đồng/con thôi" – chị Hoa, một người làm heo đất tại xưởng nói. Chị cho biết mỗi tháng thu nhập từ 3-4 triệu đồng nhờ nghề tô heo, tháng Tết có cao hơn chút đỉnh, nhưng qua rồi là hàng bắt đầu tiêu thụ khó.
Anh Nguyễn Trung Tâm (con chú Hậu), quản lý xưởng heo tiết lộ, trước đây khi ở khu vực Lái Thiêu còn rộng, dân cư thưa thớt, nơi đây có rất nhiều lò nung heo đất. Nhưng theo thời gian, đất đai bị thu hẹp cũng như vì vấn đề môi trường, lò không còn nữa. Thay vào đó, các hộ làm heo nơi đây phải mua hàng thô từ khu vực Tân Uyên (Bình Dương) về để tiến hành chế tác.
Công đoạn chất heo thô thành đống cũng là một nghệ thuật bởi nếu đặt không khéo có thể gây ra "hiệu ứng domino" khiến mọi thứ bể nát. Mùi đất làm heo đã ngấm vào máu, nên những người phụ nữ trong gia đình chú Hậu rất lành nghề. Họ chất heo như thể đang dạo chơi.
Thấy xôm tụ là vậy, nhưng nghề làm heo, lò đất rất cực. Theo anh Tâm, để xuất xưởng một chú heo thành phẩm phải mất gần bốn ngày trời, bao gồm ba ngày chà, si heo, nửa ngày sơn heo và tô vẽ. Vất vả là vậy nhưng trừ tiền mua sơn, bột kim tuyến lẫn heo thô, tiền dư còn lại cho một con heo chẳng là bao. "Lấy công làm lời thôi anh ơi" – Tâm nói.
Với chú Sáu (58 tuổi, quê Đồng Tháp), sơn heo là thứ mà người đàn ông mới làm quen khoảng ba, bốn tháng nay. Chú nói: "Do mùa này heo đắt hàng nên xin vào làm, còn mùa ế thì mình đi bán vé số". Với mỗi con heo loại trung sơn thành phẩm, chú được chủ trả 160 đồng. Mỗi ngày nếu chịu khó, người đàn ông ấy cũng hoàn thành trên dưới 1.000 con.
Nghề làm heo đất phải tô vẽ suốt ngày, vì thế gắn chặt với cây cọ, hộp màu, hũ sơn. Do đó, xưởng nào cũng chuẩn bị sẵn xăng để kịp rửa tay sau khi xong việc. Trong ảnh, chàng trai tên Trung Tín thích thú vẽ hoạ tiết cho một chú heo phong cảnh. Cái nghề cổ truyền này vô tình biến người dân Lái Thiêu thành những nghệ sĩ khéo léo, tài hoa.
"Mới học thì sơn chậm, quen thì làm nhanh lắm" – một người sơn gà vàng cho biết. Theo người phụ nữ này, điều cực nhất của nghề làm heo, gà đất là phải ngồi dính một chỗ, ai mà có chân đi thì khó mà theo lâu. Tuy vậy, nghề này lại cho họ sự thoải mái thời gian, làm chủ được bản thân mình.
Mấy năm gần đây, heo đất có xu hướng chậm tiêu thụ. Ngoại trừ dịp Tết, những ngày hè, người làm heo thường Lâm vào cảnh ế hàng, phải kiếm công việc khác bỗ trợ. Chú Hậu cho biết, ở Lái Thiêu còn có nghề làm thớt hay chén bát kiểu, chịu khó đắp đổi cũng sống được qua ngày.
Đầu giờ chiều, một số bạn trẻ tìm đến nhà chú hậu mua heo thô. Chú cười nói: "Tụi sinh viên cũng chuộng hàng này lắm. Mấy đứa mua heo thô về rồi vẽ lại, bán gây quỹ. Thấy tụi nó tốt bụng nên mình cũng bớt giá phần nào".
Rồi người đàn ông cùng con trai chất hai thùng heo đất to lên xe, mang ra tiệm ngoài đường lộ bán. Trong khi đó, xưởng heo vẫn tiếp tục sơn phết những sản phẩm mới. Sự vội vã của họ như ngầm thông báo ngày Tết đã đến cận kề.
Những chồng heo vàng, gà vàng chất đầy một góc đường, báo hiệu một mùa buôn bán bội thu. Mùa Tết năm nay, xóm gà vàng càng thêm vững tin để tiếp tục bám cái nghề truyền thống mà ông bà tổ tiên bao đời để lại.