Vào những ngày cận Tết, chúng tôi liếp tục tiếp nhận nhiều trường hợp cầu cứu vì không có cơ hội về sum họp cùng gia đình. Trong số đó có nhiều phụ nữ.
Như trường hợp chị Trần Thị Mai (tên nhân vật đã thay đổi, ở thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ) trở thành con nợ sau khoản vay chỉ hơn 200 triệu do chồng vay lãi "cắt cổ" của dân "xã hội đen".
Vừa qua, chị Mai đã phải ôm đứa con nhỏ mới 11 tháng tuổi, rời khỏi ngôi nhà mới xây ở quê để đi tránh nạn.
Càng đến những ngày cuối năm khi cái Tết sum vầy đã cận kề, nghĩ về cha mẹ già cô đơn, chị Mai đứng ngồi không yên trong căn phòng tối tăm. Được sự động viên của nhiều người nên chị Mai âm thầm trở về khép kín trong căn nhà nhưng đã không một giây phút bình yên, dù đã trình báo với địa phương.
"Suốt ngày tôi chỉ biết ôm con ngồi một góc rồi khóc một mình, còn chồng vẫn phải sống cảnh vô gia cư mà không có giải pháp nào".
Theo chị Mai, sau nhiều ngày xin nghỉ việc để lấy lý do đi chữa bệnh và sống chui lủi trong căn phòng trọ chật hẹp, hai vợ chồng chị quyết định trở về nhà và cầu cứu đến cơ quan chức năng ở địa phương. Tuy nhiên, khi vừa về đến nhà, đám thanh niên theo dõi bắt gặp nên đã thông báo cho chủ nợ.
"Biết chồng tôi về, chủ nợ trực tiếp đến nhà đe dọa, họ dí kim tiêm dính máu vào người nhưng chồng tôi không thể phản kháng bởi chúng quá hung hãn", chị Mai nói và cho biết thêm, đến hiện tại chồng chị vẫn không dám về nhà, công việc của chồng chị cũng đã phải nghỉ.
Mới đây nhất, kẻ cho vay nợ đã đem xăng đến đổ dọc theo tường rào rồi châm lửa đốt, khiến công an xóm phải đến để can thiệp nhưng lúc này đám côn đồ đã rời đi.
Giỗ 49 ngày không dám về
Cũng đau khổ vì tín dụng đen là chị Hà Thị Thanh Vân (25 tuổi, ở Tân Sơn, Phú Thọ) – cô gái chưa thể lấy chồng vì món nợ 'lãi mẹ đẻ lãi con', phải sống chui lủi khắp đất Hà Thành.
Chị Vân chia sẻ, cách đây vài năm khi khu đô thị TP Giao Lưu, quận Bắc Từ Liêm mới đi vào hoàn thiện, nhìn thấy tiềm năng nên chị Vân đã hùn vốn đầu tư vào nhà hàng ăn uống. Nhưng, không ngờ mọi dự định đã không diễn ra theo kế hoạch.
"Tôi làm chung với người bạn, do cư dân thưa thớt và hạ tầng phát triển chậm nên làm ăn chỉ có lỗ, vì vậy mà cổ đông bỏ của chạy lấy người. Đâm lao thì phải theo lao, tôi tiếp tục vay mượn để trả lương cho nhân viên và duy trì nhà hàng", chị Vân kể.
Chấp nhận vay lãi ngoài nhưng không thể kéo dài được bao lâu, việc kinh doanh cũng từ đây chểnh mảng vì chủ nợ thúc ép nên chị Vân phải tìm mọi lý do mà trốn tránh.
Chị Vân cho biết, gần 1 năm nay bản thân chị không dám về nhà bởi những thanh niên xăm trổ tìm về tận quê, chúng in ảnh chân dung chị Vân đem khắp làng để 'hỏi thăm' nhằm hạ uy tín, gây sức ép.
Từ một cô gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, chị Vân phải mang hộ khẩu, chứng minh thư và toàn bộ giấy tờ tùy thân để 'cắm' cho chủ nợ.
"Bây giờ tôi không có cơ hội đi máy bay. Tôi không dám về quê không phải vì xấu hổ, mà không có cơ hội nào cho tôi. Chỉ cần thấy tôi là bọn thanh niên xăm trổ sẽ tìm về. Hôm bà tôi mất, tôi về đến xã nhìn thấy vài thanh niên đang đứng đầu ngõ nên tôi phải bỏ đi. Mới đây, đến ngày giỗ 49 ngày của bà, tôi cũng không dám về".
Cả hai người phụ nữ có số phận khác nhau nhưng đều trong tình cảnh nợ nần mà mất đi hạnh phúc, mất đi tự do và có nguy cơ dẫn đến tiêu cực.
Chị Mai chia sẻ: "Ước gì chủ nợ cho vợ chồng tôi một cơ hội, chỉ cần họ đồng ý gán căn nhà này. Hoặc họ để vợ chồng tôi tự do làm ăn, để còn có kinh tế trả dần. Bây giờ, chồng mất việc, vợ nuôi con nhỏ mà không được tự do thì làm sao bây giờ".
Cũng trong cảnh hoang mang, chị Vân lo sợ cầu cứu: "Đến nỗi cái giấy tờ tùy thân tôi cũng không còn. Nếu được tự do thì tôi sẽ về thăm cha mẹ, tôi rất thương cha cha mẹ nhưng không dám về".
Tín dụng đen khiến nhiều người mắc nợ khó trả