Tôi là dâu trưởng, sống cùng bố mẹ chồng, các anh chị em nhà chồng tuy đã ra giêng nhưng vẫn cùng quây quần trên mảnh đất chung của đại gia đình. Thời điểm cuối năm, khi mọi chị em phụ nữ khác đang bận rộn với việc chuẩn bị tết nhất, lo sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa thì tôi lại có mối lo “kinh khủng” hơn, lo đối phó với buổi “tổng kết năm” của đại gia đình nhà chồng.

Gia đình chồng tôi vốn có truyền thống họp cuối năm do mẹ chồng tôi chủ trì, buổi họp thường xoay quanh chuyện chuẩn bị tết, hỏi han về tiến độ làm ăn trong năm qua, và màn quan trọng nhất và cũng làm vợ chồng tôi lo sợ nhất đó là: Tất cả các anh chị em phải “thống kê” xem năm qua mỗi gia đình kiếm được bao nhiêu tiền.

Nếu như thống kê không thì tôi cũng không đáng lo, nhưng gia đình chồng tôi có quy định rõ ràng: Nếu cặp vợ chồng nào (trong 4 anh chị em nhà chồng) kiếm được ít tiền nhất thì sẽ phải chuẩn bị tết hay nói chính xác hơn là “bao” toàn bộ chi phí tết cho đại gia đình gần 20 người. Hơn nữa, người thua cuộc sẽ được mẹ chồng “tặng” cho một bài thuyết giáo dài cả tiếng về định hướng, tài năng và sự cầu tiến trong công việc.
 
Tết đến, tôi sợ “tổng kết năm” với mẹ chồng

Vợ chồng tôi lương công chức, nuôi 2 con nhỏ cùng bố mẹ chồng, trong khi đó các anh chị em đều chuyển hướng buôn bán và tiền bạc tất nhiên là dư giả hơn vợ chồng tôi. Nhưng nghịch lý này không được mẹ chồng tôi chấp nhận, phương châm của bà là kiến được ít tiền đồng nghĩa với tài năng kém cỏi. Vì vậy, “hình phạt” là phải bao toàn bộ chi phí cho đại gia đình để năm tới có “động lực” kiếm tiền tốt hơn. Và năm ngoái, vợ chồng tôi đã phảo lao đao với khoản sắm tết cho cả nhà.

Năm nay, khi chỉ còn mấy ngày nữa là tết đến, tôi đã có “lịch” để tham dự buổi họp. Khi được nghe “lịch” họp lòng tôi rối bời, chồng thì ngồi thở dài. Năm nay, công ty của chồng tôi làm ăn thua lỗ, tiền lương bị giảm sút, tiền thưởng tết cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi cũng chẳng khá hơn, thưởng tết cũng chỉ bằng 1 tháng lương như mọi khi. Nếu “thống kê” chắc chắn vợ chồng tôi là kém cỏi nhất, kịch bản sẽ lặp lại như năm ngoái, không những chi tiêu tết bị đội lên mà chúng tôi lại phải nghe những lời chỉ trích của những người trong gia đình anh.
 
Lòng tôi đang rối bời, tôi bỗng ghét Tết, ghét tiền

Hai vợ chồng thở dài, lòng rối bời. Và sau khi bàn bạc chồng tôi sẽ quyết định gặp mẹ chồng để nói rõ những khó khăn của vợ chồng tôi, để bà bãi bỏ quy định “lạ đời” này. Nhưng đây quả là một quyết định khó bởi tôi biết tính mẹ chồng tôi rất “bảo thủ”, bà chuyên quyền và rất quyết liệt trong những quy định của mình. Nếu chồng tôi nói ra chuyện này sẽ bị bà chế giễu và coi thường, hơn nữa hòa khí trong gia đình sẽ sứt mẻ. Tết đến rồi, tôi không muốn mẹ con anh mất vui vẻ.

Tôi bàn với chồng sẽ đi vay tiền để “đập” vào khoản tiền của vợ chồng tôi đang có, rồi sau đó sẽ nói dối mẹ là khoản tiền chúng tôi kiếm được. Nhưng Tết đã cận kề, gia đình nào cũng dồn tiền sắm tết, vay tiền lúc này cũng chẳng dễ dàng gì. Chẳng lẽ lại đi vay nặng lãi, mà vay nặng lãi thì quá tội so với “tiền phạt” mà chúng tôi sẽ phải bỏ ra.

Lòng tôi đang rối bời, tôi bỗng ghét Tết, ghét tiền và tình cảm của nàng dâu đối với gia đình chồng cũng bị sứt mẻ. Chẳng lẽ kịch bản năm nay sẽ lặp lại năm trước.