Vì sao ngày Tết Đoan Ngọ lại ăn bánh gio?
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "Ngày giết sâu bọ", là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Đây là dịp chúng ta thường quây quần ăn tết cùng cả gia đình mình. Vào buổi sáng sớm của ngày 5/5 âm lịch, bạn sẽ ăn bánh gio, chè hạt sen, trái cây và rượu nếp với ý nghĩa "giết sâu bọ", tiêu trừ bệnh tật trong người.
Với một số người, việc ăn bánh gio vào dịp Tết Đoan Ngọ là chuyện khá mới mẻ. Bởi lẽ, chúng ta vẫn thường hay ăn rượu nếp, quả vải, quả xoài… chứ không phải bánh gio. Nhưng ít ai biết, lý do thứ bánh này hay được ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ và thói quen ăn bánh có từ lâu đời được lưu truyền.
Với nhiều người, việc ăn bánh gio vào dịp Tết Đoan Ngọ là chuyện khá mới mẻ.
Bánh gio là thứ bánh làm từ gạo nếp và gio. Không phải loại gio nào cũng làm được bánh. Gio để làm bánh gio chúng ta ăn phải là gio của lá găng, lá tầm gửi, thân lá cây vừng phơi khô hoặc gio của hạt xoan chín, gio rơm nếp.
Sau khi có nguồn gio chuẩn, gio được hòa tan với nước, lắng trong rồi ngâm với gạo nếp cái hoa vàng sẽ cho ra màu nâu vàng trong, lóng lánh như màu hổ phách và tạo ra vị ngai ngái đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Nhưng nếu chỉ có gio không thì chưa đủ tạo màu, người ta thường phải cho thêm gio hạt vừng…
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nếu nói đến thứ bánh không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ thì phải kể đến bánh gio (nhiều nơi còn gọi là bánh tro).
"Ăn bánh gio vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ sẽ phát huy những công dụng cực hữu ích cho sức khỏe bởi vào ngày Tết Đoan Ngọ, chúng ta thường ăn nhiều thứ đồ ăn như rượu nếp, xoài, mít rất giàu chất béo, nhiều đường nên dễ sinh nhiệt, khó tiêu… Trong khi bánh tro có tính mát, giúp cân bằng, điều hòa cơ thể hiệu quả, giúp bạn ổn định sức khỏe", lương y Bùi Hồng Minh nói.
Ăn bánh gio vào đúng dịp Tết Đoan ngọ sẽ phát huy những công dụng cực hữu ích cho sức khỏe.
Bánh gio trong Đông y được ví là thức ăn giải nhiệt mùa hè cực hữu ích
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định, bánh gio là món ăn mát lành, cực hữu ích để giải nhiệt mùa hè nói chung và thực sự không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Trong Đông y, bánh gio vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em, có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), những trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan Ngọ (đoan dương - chính dương) thường gây ôn dịch thương âm.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, bánh gio sẽ phát huy cao độ những tính năng trên do mấy ngày này người ta còn gặp nguy hại do ăn uống no say nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu nên vô cùng hợp với Tết Đoan Ngọ là vậy. Bánh không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan Ngọ mà còn cả thời gian sau đó, giúp thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể, để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận…
Bánh gio là món ăn mát lành, cực hữu ích để giải nhiệt mùa hè nói chung và thực sự không thể thiếu vào ngày Tết Đoan ngọ.
Ngoài ra, món bánh này cũng có công dụng tư âm, dưỡng âm vốn là tôn chỉ của một trường phái dưỡng sinh lớn có vị trí quan trọng trong Đông y, bởi vì cơ thể chúng ta "dương thường hữu dư, âm thường bất túc". Do đó, ăn loại bánh này thường xuyên cũng rất tốt cho sức khỏe.
Nhất là trong cuộc sống hiện đại, ăn uống quá nhiều chất với những cao lương mỹ vị giàu đường giàu mỡ, bánh gio lại càng cần thiết để cân bằng lại cơ thể, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tập tục ăn bánh gio trong ngày Tết Đoan Ngọ thực sự nên duy trì đều đặn không chỉ để giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn giữ gìn sức khỏe tốt nhất.
Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ) diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm là một ngày lễ Tết truyền thống ở một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Đây là một trong những nét văn hoá cổ truyền của dân tộc, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ là ngày phát động diệt sâu bọ cho cây trồng, với mong muốn một vụ mùa bội thu.