Nhắc đến Tết, người ra thường hay nghĩ đến Tết Nguyên đán, dịp lễ quan trọng nhất, dịp Đoàn viên của tất thảy gia đình Việt. Nhưng một năm có đến 365 ngày, ngoài cái Tết long trọng ấy, người Việt còn có thêm... vài cái Tết khác, mỗi cái lại mang một ý nghĩa riêng, một nét đặc trưng riêng.
Chẳng hạn chính rằm tháng Giêng là dịp Tết Nguyên tiêu, tháng ba âm có Tết Hàn thực với món bánh trôi chay. Khi mùa Thu vào cữ "chín", người ta có Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi được trẻ em cả nước đón đợi. Còn trong những ngày hè cháy bỏng này, cũng có một cái Tết rất được trông đợi, ấy là Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ có nhiều tên gọi như Tết Đoan Dương hây dân gian vẫn gọi vui là Tết "giết sâu bọ". Giai thoại về Tết Đoan Ngọ và cái tên "giết sâu bọ" thì nhiều lắm, nhưng dù giai thoại thế nào thì có một sự thật cũng không thay đổi đó là ngày Tết vào đầu tháng 5 này có thể được xem là Tết của mùa hè với người dân Việt. Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này.
Đã gọi là Tết, thế nào chẳng phải sửa biện lễ phẩm. Có điều, đồ cúng dịp Tết Đoan Ngọ này rất đơn giản chứ không mâm cao cỗ đầy như phần nhiều dịp lễ Tết khác. Đó là những món ăn dung dị, dễ mua ở bất cứ khu chợ nào như bánh gio, rượu nếp và những quả trái đậm hương mùa hè.
Cách đây nhiều năm khi đời sống còn khó khăn, nhiều thiếu thốn, những thức như rượu nếp hay bánh gio không có sẵn để mua, nhiều nhà phải tự chuẩn bị trước nhiều ngày để đến đúng dịp là rượu vừa kịp chín. Còn thời hiện đại như bây giờ, cái gì cũng sẵn, thành ra vào chính ngày chỉ cần dậy sớm và ra chợ một lúc là đã có đủ tất thảy những gì cần thiết.
Ngay từ sáng sớm, vào chính ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, các khu chợ dường như đã sôi động hơn rất nhiều, đâu cũng là tiếng các bà nội trợ tranh thủ bán mua. Các sạp hàng dường như cũng nhập lượng trái cây tăng lên gấp bội. Đặc biệt là những quầy hàng bánh gio, rượu nếp vốn thường thưa thớt hiếm hoi giữa muôn ngàn trùng vây của đủ loại bánh trái bỗng dưng lại trở thành tâm điểm.
À thì hôm nay là Tết Đoan Ngọ mà!
Như mọi dịp Tết, lũ trẻ bao giờ cũng là những người hào hứng nhất. Dẫu rằng mâm cúng Tết Đoan Ngọ chỉ là ít rượu nếp trắng, nếp cẩm hay cơm rượu, vài cái bánh gio hay bánh ú tro, và quả mận vải hoặc trái cây theo vùng miền, vậy cũng đủ để bọn nhóc vui vẻ say mê. Cũng vì thế, cái Tết của mùa hè luôn chộn rộn tiếng cười.
Ngày Tết Đoan Ngọ được mở ra bằng mùi thơm nồng của rượu nếp được ủ trong chiếc lá sen thơm thảo đặc trưng của mùa hè. Theo lệ xưa, Tết Đoan Ngọ sẽ cúng vào chính Ngọ (từ 11 đến 1 giờ), nhưng ở rất nhiều gia đình, các hoạt động Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ sáng sớm. Cụ thể sáng ngày Đoan Ngọ, rất nhiều nhà gọi nhau dậy thật sớm sau đó ăn ngay vài thìa rượu nếp để "giết sâu bọ".
Đừng lo ăn rượu nếp vào lúc sáng, khi bụng còn đói sẽ say, bởi rượu nếp hay cơm rượu tuy có men thật nhưng muốn say không hề dễ, vì ai mà ăn rượu nếp lấy no? Khi ăn rượu nếp, người ta chỉ thanh cảnh dùng chiếc thìa miếng rất nhỏ rồi chậm rãi nhai để cái giòn thơm, cay nồng của món ăn tan trong khoang miệng.
Làm rượu nếp không khó, nguyên liệu chủ đạo chỉ gồm gạo nếp đồ chín và men gạo. Nhưng muốn có mẻ rượu nếp ngon, còn cần sự khéo léo, tinh tế của người nội trợ trong quá trình ủ men. Bởi rượu nếp ngon nhất khi chín tới, nếu giở ra quá sớm, rượu sẽ có vị đắng do men chưa biến đổi hết thành đường. Nếu ủ quá lâu, cái rượu nếp sẽ mất độ giòn mọng, ăn bị bã và rất cay.
Một món khác không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ chính là bánh gio hay bánh tro… thứ bánh làm từ gạo nếp và gio (tro). Nghe qua thì đơn giản nhưng không phải loại gio nào cũng làm được bánh. Gio để làm bánh thường là của lá găng, lá tầm gửi, thân lá cây vừng phơi khô hoặc gio của hạt xoan chín, gio rơm nếp thì bánh mới thơm ngon, khi ngâm với nếp ngon mới cho ra được tấm bánh trong veo màu hổ phách, nhìn xuyên thấu cả những hạt nếp lóng lánh.
Bánh gio tính mát, thơm mùi tro và vị rất nhạt, bởi thế khi ăn, người ta thường cắt bánh gio thành từng miếng nhỏ rồi rưới thậm mật mía lên để cái ngọt thanh của mật quyện với vị bánh, tạo thành những miếng thơm thảo mà nhớ lâu. Đây cũng là món lũ trẻ mê nhất, vì trẻ con vốn hảo ngọt mà.
Rồi Tết Đoan Ngọ còn là mận, là vải, những thứ quả được liệt vào hàng nóng ơi là nóng, ăn vào dễ mụn tùm lum, nhưng vị ngon thì khó chối từ đến mức, khi những thức quả theo chân các bà nội trợ về, hiếm ai có thể từ chối làm ngơ. Ở miền Bắc, Tết Đoan Ngọ còn đang là mùa sấu, nên một số nhà thích ăn của chua còn tranh thủ mua thêm vài lạng sấu về xoắn trôn ốc rồi chấm muối hay dầm rồi xuýt xoa cùng nhau ăn.
Trên khắp dải đất hình chữ S, Tết Đoan Ngọ của mỗi vùng miền mỗi khác biệt về cung cách, đồ ăn hay tên gọi, cách chế biến từng món. Chẳng hạn ở miền Nam, miền Trung bên cạnh cơm rượu, bánh ú tro còn có thêm các món mặn như heo quay, thịt vịt để mâm cỗ thêm đầy đặn, sung túc.
Bao nhiêu năm, nét truyền thống của Tết Đoan Ngọ vẫn vậy. Và dù mỗi vùng miền mỗi khác biệt nhưng có một điều chắc chắn là dù khác biệt đến đâu, mỗi người, mỗi vùng đều dành thật nhiều chăm chút, tình cảm cho cái Tết của mùa hè này.