Bao lì xì
Lì xì hay mừng tuổi vốn là một phong tục đẹp của người Việt. Đầu năm, xuân mới, một bao lì xì với những món tiền nhỏ may ý nghĩa chúc may mắn cho trẻ nhỏ, người già là điều thực sự rất ý nghĩa.
Không bàn đến giá trị của bao lì xì, nhưng phải thừa nhận, vài năm gần đây, thị trường bao lì xì có rất nhiều chuyển biến tích cực. Khoảng đầu năm 2000, bao lì xì chủ yếu là loại bao đỏ, in hình Phúc - Lộc - Thọ nhũ vàng trên nền đỏ nhập từ Trung Quốc.
Nhưng khoảng 3 đến 5 năm gần đây, thị trường bao lì xì Tết đã đa dạng hơn rất nhiều với vô vàn bao lì xì "made in Việt Nam". Các loại bao lì xì bằng chất liệu nilon hay giấy mỏng tang đã được thay bằng giấy cứng, thiết kế cá tính, đậm chất Việt phù hợp với từng đối tượng, từ người già, trẻ nhỏ cho đến bạn bè. Giá bao lì xì tất nhiên vì thế cũng cao hơn, trung bình từ 10 đến 20 ngàn/tập từ 6 đến 10 chiếc, tùy theo chất liệu, họa tiết.
Giá không mềm, nhưng nếu cần tìm những chiếc phong bao độc đáo, ý nghĩa và bất ngờ để tặng cho những người thân yêu dịp Tết thì đây rõ ràng đây cũng là khoản đáng đầu tư đúng không?
Bánh chưng, bánh tét
Rõ ràng ngày Tết mà không có món bánh này thì không còn là Tết. Theo truyền thống của ông bà ta để lại, bánh chưng hình vuông, làm từ gạo nếp, đậu, thịt, gói bằng lá dong, bánh Tét hình trụ tròn, cũng làm từ gạo, đậu, thịt nhưng gói bằng lá chuối.
Tuy nhiên gần đây, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại của người dân, bánh chưng, bánh tét có nhiều biến chuyển. Để đem lại sự mới lạ cho chiếc bánh quen, nhiều người đã biến tấu phần vỏ hoặc nhân của bánh. Chẳng hạn, thay vì gạo nếp thường nay pha thêm cốt lá riềng, gấc, dùng nếp cẩm, phần nhân có thể thay thịt heo bằng cá hồi, thịt ngan...
Với bánh tét, các phiên bản bánh ngũ sắc, bánh lá cẩm, nhân trứng muối cũng là những nhân tố lạ, giúp mâm cỗ trong màu sắc và mới mẻ hơn.
Mứt Tết
Không có mứt không thành Tết, ngày đầu năm, giàu nghèo gì, ngày Tết đến nhà ai cũng có vài loại mứt để khách đến chơi nhà nhâm nhi cùng chén nước trà. Ngày xưa, một trong những dấu hiệu của Tết chính là hộp mứt đỏ rực, trong có ít mứt bí, mứt dừa, mứt sen, trứng chim...
Nhưng ngày nay, hộp mứt Tết đang dần mất đi vị thế, thay vào đó, người ta mua lẻ từng loại theo sở thích. Thường các loại mứt dừa nhiều màu sắc khá được ưa thích vì dễ ăn, hợp nhiều lửa tuổi. Thêm vào đó nhiều người cũng ưa chọn hoa quả sấy khô để ăn thay cho các món mứt vì vui miệng mà không quá ngọt.
Song song với đó là các loại bánh kẹo đa dạng cũng được bổ sung vào khay mứt Tết, nào chocolate, thạch, bánh quy để đáp ứng nhu cầu của các em nhỏ. Đúng là so với khay mứt ngày xưa, khay mứt ngày nay thay đổi đến chóng mặt đúng không?
Các loại hạt
Để câu chuyện đầu năm thêm rôm rả đầu năm, gia chủ thường luôn chuẩn bị thêm một số loại hạt. Ngày xưa phổ biến nhất là hạt hướng dương, hạt bí vì các loại hạt này bình dân, dễ mua, bán nhiều.
Nhưng ngày này, khi cuộc sống đầy đủ và hiện đại, các loại hạt không chỉ là thứ gia vị thêm thắt cho vui miệng mà còn phải ngon, hấp dẫn và nhiều dinh dưỡng. Ngoài hướng dương, hạt bí truyền thống, vài năm nay, thị trường hạt đón chào nhiều tên tuổi mới như như hạt điều nguyên vỏ lụa, hạt macca, hạnh nhân hay óc chó. Tất nhiên những loại hạt này có đắt đỏ hơn nhưng Tết mà, ai chẳng muốn mời người thân miếng ăn ngon nhất chứ?