Không chỉ là khởi đầu của 12 tháng, vạn vật đâm chồi nảy lộc bắt đầu mùa xuân ấm áp mà Tết là lúc mọi nhà xốn xang sửa soạn để bắt đầu một năm mới tốt lành hơn. Nhà nào cũng tất bật sắm sửa quần áo, cỗ bàn, quét dọn nhà cửa để đón tiết Nguyên đán. Ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm - Tết Nguyên đán được gọi là "những buổi rạng đông của sự khởi đầu"

Người ta chuẩn bị trước cả tháng trời để đón khoảnh khắc từ năm cũ sang năm mới. Và rồi, phong tục cổ truyền nhiều nơi vẫn dành "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Nhiều năm trở lại đây, người ta nổ ra nhiều tranh cãi về việc đón xuân sang này nhất thiết phải đón Tết cổ truyền nữa hay không hay gộp cùng với Tết tây, chỉ ăn Tết một ngày mà không phải kéo dài ra cả tháng như vậy.

Cuộc sống hiện đại, rất nhiều tục lệ đã không còn, "thế giới phẳng" khiến người ta ưa xê dịch, du lịch trong năm mới, không "mặn mà" với Tết cổ truyền nữa. Nhiều người cảm thấy Tết không còn là thời gian nghỉ ngơi thực sự mà còn bận rộn và áp lực hơn. Vậy không biết người xưa ăn Tết như nào, kéo dài bao nhiêu lâu, có phức tạp hay không?

Tết Nguyên đán trong cung đình xưa có những nghi lễ nào, có gì khác biệt với Tết trong dân gian không? - Ảnh 1.

Tết cung đình xưa có nhiều hoạt động ý nghĩa, truyền cảm hứng cho Tết Nguyên đán trong dân gian.

Giở vài trang sử, nhìn về thời xưa ấy, các bậc vua chúa vẫn chuẩn bị Tết Nguyên đán mang phong vị đậm chất truyền thống. Bởi những nét văn hóa dân tộc được khởi nguồn từ triều đình chính là tượng trưng cho sự hưng thịnh của quốc gia. Những nghi lễ chuẩn bị đón xuân mới được nghiêm cẩn bao nhiêu thì đời sống của người dân cũng thể hiện được sự ấm no hạnh phúc bấy nhiêu. 

Có thể chưa đủ trọn vẹn để hình dung được bức tranh về phong tục của người xưa nhưng một vài nét phác thảo về Tết trong cung đình triều Nguyễn cũng phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về phong tục đón Tết Nguyên đán trước kia như thế nào.

Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán là lễ tiết quan trọng bậc nhất trong năm. Không chỉ diễn ra trong vài ngày đầu năm mà việc nghênh xuân tiễn cũ đã được chuẩn bị thực hiện trước cả tháng. 

Long trọng chuẩn bị trong 1 tháng

Lễ Ban Sóc

Ngay từ mùng 1 tháng Chạp, Lễ Ban Sóc được diễn ra. Đây được hiểu là lễ ban lịch năm mới. Vào ngày Lễ Ban Sóc, Khâm Thiên Giám đặt triều nghi (nghi lễ của triều đình) và dâng lên lịch của năm mới đã soạn xong. Tiếp đó, nhà vua sẽ ban lịch cho các quan và bách gia trăm họ. 

Tết Nguyên đán trong cung đình xưa có những nghi lễ nào, có gì khác biệt với Tết trong dân gian không? - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu: Các quan trong buổi lễ Tết

Ngày hội quét dọn (Lễ Phất thức)

Không chỉ trong dân gian, hoàng cung cũng tất bật lau dọn trước khi đón xuân mới. Ngày lễ quét dọn này thường diễn ra vào ngày 20 tháng Chạp. Phất trong nghĩa quét dọn, thức trong nghĩa lau chùi, bởi vậy, ngày hội quét dọn là thời điểm các báu vật quốc gia được tiến hành lau chùi, dọn dẹp. 

Sáu chiếc tủ gỗ tinh xảo chứa bảo ấn, kim ấn, ngọc tỷ của vương triều mở ra. Để chuẩn bị lau dọn, phải cần những bình hoa thơm hòa với nước sông Hương rồi dùng khăn đỏ để lau chùi ấn. 

Lễ Phong ấn

Lễ Phong ấn - nghi thức biểu thị việc tạm ngừng công việc triều chính để đón Tết. Ngày 25 tháng Chạp thường được chọn để thực hiện nghi lễ này. Sau ngày lễ dọn dẹp, báu vật quốc gia cùng ấn tín được lau chùi sạch sẽ thì lại được cất vào hòm, vào tủ để niêm phong lại. 

Mặc dầu vậy, lệ có việc phong ấn nhưng đó là khi vô sự an yên, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này, trong bản Phụng Thượng dụ của Nội các năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) đã dẫn như vậy.

Điều này cho thấy, "phong ấn" để cung đình có dịp đón tiết xuân nhưng không câu nệ mà khi có sự vụ khẩn cấp thì vẫn kịp thời giải quyết. Chi tiết này cũng thể hiện sự khác nhau rõ rệt giữa hoàng cung và cuộc sống của dân thường. Dù người dân tạm ngưng công việc hẳn thì triều đình vẫn phải sẵn sàng xử lý công việc quan trọng bất cứ lúc nào. 

Lễ Hợp hưởng (cáp hưởng)

Lễ Hợp hưởng - nghi lễ thỉnh các vị tiên nhân, tiên đế về cùng "ăn Tết" với hoàng tộc, cháu con. Nếu như dân gian có "mời" Gia tiên về "ăn Tết" cùng thì hoàng cung cũng sẽ "thỉnh" các bậc Tiên Đế đời trước về hâm hưởng cùng cháu con hoàng tộc. 

Nhà vua sẽ ra Thái Miếu hoặc Thế Miếu làm chủ lễ. Bên cạnh đó, các hoàng tử, thân công và các quan lớn đi cúng tế ở lăng tẩm, đền miếu, đình chùa ở kinh thành.

Nghi lễ Tết Nguyên Đán trong cung đình xưa có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu: Các vũ công trong ngày Tết Nguyên Đán ở cung đình

30 Tết, trong hoàng cung làm gì?

Lễ Thượng nêu

Những tưởng cây nêu chỉ xuất hiện ở làng quê bình dị mà trong cung đình cũng dựng nêu, trở thành lễ Thượng nêu long trọng. Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, lễ dựng nêu hiện nay được thực hiện hàng năm tại Đại nội Huế và các khu di sản.

Không chỉ báo hiệu xuân mới, lễ dựng nêu còn thể hiện việc báo hiệu kết thúc việc triều chính trong triều đình xưa, còn ý nghĩa khác nữa là mong muốn một năm mới bình an, hạnh phúc đến cho mọi người. Cây nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa và trước Điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội.

Nghi lễ Tết Nguyên Đán trong cung đình xưa có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu minh họa hoạt động dựng cây nêu trong hoàng cung triều Nguyễn ngày Tết

Cây nêu lớn dựng trong Đại Nội là cây tre to dài chừng 15m, ngọn đủ lá. Trên ngọn nêu có tờ bùa đào ghi tên thần và câu đối ngày Tết, chẳng hạn như câu "Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân" (Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi).

Dưới thời vua Minh Mệnh, trên ngọn nêu còn được treo một số ấn triện với ý nghĩa triều đình không tiếp nhận văn thư và làm lễ phong ấn (cất ấn). Sau khi nhà vua làm lễ dựng nêu xong thì người dân mới được dựng nêu tại nhà mình.

Lễ tuế trừ

Lễ tuế trừ được diễn ra vào buổi sáng. Khi ấy, các hoàng tử, hoàng thân và vương công chuẩn bị trang phục để đến đền, miếu để làm lễ tiễn biệt năm cũ. Lễ trừ tịch được diễn ra vào buổi tối. Những nghi lễ diễn ra vào ngày này mang ý nghĩa tống tiễn hết điều cũ, điều xấu của năm qua và nghênh đón những điều tốt đẹp, may mắn của năm mới.

Đầu năm mới, hoàng cung diễn ra hoạt động gì? 

Lễ mừng tiết xuân mới được nhà vua tổ chức như một lễ đại triều, có sự tham dự của bá quan văn võ và quan lại địa phương.

Sáng mùng 1 đầu năm mới, khi hồi trống nghiêm thứ nhất vang lên, cờ quạt, nghi trượng được bày biện, các quan đã mặc lễ phục nghiêm cẩn chầu sẵn ở điện Thái Hòa. Khi kỳ đài được kéo lên và cờ khánh hỷ tung bay sắc màu thì nhà vua mặc hoàng bào, đội mũ cửu long, tay cầm hốt trấn khuê ngự ra điện Cần Chánh rồi được rước lên kiệu sang điện Thái Hòa.

Tết Nguyên đán trong cung đình xưa có những nghi lễ nào, có gì khác biệt với Tết trong dân gian không? - Ảnh 4.

Ảnh tư liệu: Tranh vẽ ngày mùng 1 ở Thế miếu - Đại Nội Huế năm 1923

Thân công đứng hàng bên trong cùng điện, quan văn võ từ tam phẩm đứng hai hàng trên sân rồng theo cấp bậc, tầng sân dưới dành cho các bô lão. Xa bên ngoài là binh lính, voi ngựa. Trước khi nhạc tấu, 9 phát súng được lệnh nổ, bá quan văn võ, đọc biểu mừng nhà vua của bách quan và các địa phương. 

Tết Nguyên đán trong cung đình xưa có những nghi lễ nào, có gì khác biệt với Tết trong dân gian không? - Ảnh 6.

Ảnh tư liệu: Đội nhạc công ngày lễ

Một điều khá thú vị là không ngẫu nhiên trong cung đình lại nổ súng, điều này mang ý nghĩa khởi phát đầu xuân, cũng giống như việc dân gian đốt pháo để mừng năm mới, xua đuổi tà ma. 

Nghi lễ Tết Nguyên Đán trong cung đình xưa có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Ảnh tư liệu minh họa hoạt động trong ngày Tết

Sau lễ mừng Tết, nhà vua thực hiện lễ mừng Tết Thái hậu, Tết Hoàng Hậu, Hoàng Thái Tử. Nghi lễ mừng Tết Thái Hậu, làm tròn chữ Hiếu nên được trang trọng thực hiện tại cung Diên Thọ.

Nghi lễ Tết Nguyên Đán trong cung đình xưa có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu: Vua Khải Định đến thỉnh an hoàng mẫu tại cung Diên Thọ

Các ngày lễ mùng 1, mùng 2, nhà vua và thân công sẽ đi bái lạy ở nơi thờ các vua Nguyễn đời trước. Ngày mùng 3 đi thăm thầy dạy. Mùng 5 đi du xuân, thực hiện lễ Tịch điền, mùng 7 làm lễ Khai hạ (hạ nêu) và thực hiện khai ấn, bắt đầu làm việc trong năm mới.

Nghi lễ Tết Nguyên Đán trong cung đình xưa có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Ảnh tư liệu: Các quan đang làm đại lễ trong dịp Tết Nguyên đán.

Tiết xuân như ý, năm mới rộn ràng, mặc dù có nhiều khác biệt và long trọng hơn, nhưng các nghi thức trong hoàng cung xưa cũng là niềm tin và khởi nguồn cho các hoạt động đón Tết diễn ra trong dân gian.

Mỗi một vương triều có sự khác biệt nhất định trong cách đón xuân mới và sự thay đổi lễ nghi để phù hợp với đương thời. Nhưng dù khác nhiều hay khác ít thì những tư liệu này cho người đời sau thấy được sự trân trọng truyền thống và những lễ nghi phong tục trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt mãi muôn đời.