Năm nào cũng thế, được nghỉ làm một cái, dành hẳn một ngày để chuẩn bị, nhà Loan lại “cồng kênh” đưa nhau về quê ăn Tết. Hai nhà nội, ngoại cách nhau khá xa, mà nhà chồng lại có 2 anh em trai, thế nên vợ chồng Loan đã cực lực đấu tranh để cả nhà phân chia đều đặn, mỗi năm ăn Tết một nơi.

Năm nào về nhà nội ăn Tết, trước khi về, vợ chồng Loan phải chạy long sòng sọc khắp thành phố để mua cho đủ danh sách các món đồ bà nội gửi danh sách lên. Mẹ chồng thích hàng hiệu, đồ đắt tiền nên nhiều thứ mặc dù ở quê cũng có nhưng mẹ đều gọi lên bảo vợ mua mang về. 

Cái khoản quà cáp biếu xén, phong bao lì xì cho tất cả mọi người từ người già đến trẻ nhỏ vợ chồng cũng phải chuẩn bị không được thiếu một ai. Thế là mỗi dịp về nhà nội ăn Tết là y như rằng, 2 vợ chồng Loan tất bật, lỉnh kỉnh đủ thứ, như thể chuyển nhà vậy.

Vừa xuống xe ô tô, Loan còn chẳng được cả thở sau khi đi đường xa mệt và mang vác một đống đồ vào nhà, vợ lại phải xắn tay xắn áo lao vào dọn dẹp. Thực lòng Loan cũng muốn nghỉ ngơi một chút, nhưng vừa ngồi xuống chưa ấm chỗ, mẹ chồng đã gọi í ới từ trong bếp. 

Bố chồng thì liên tục nhắc “Cái Loan đâu rồi?”. Thế là Loan lại đứng lên, cắm mặt cắm mũi thu dọn, quét tước nhà cửa. Một mình trèo lên các nóc tủ cao lau dọn, nhích từng tí những vật dụng nặng, “bơi” trong đống xà phòng giặt chăn gối mùng mền, rèm cửa nặng trịch, ngập trong các loại nước lau nhà, lau bếp...

Hình như bất cứ việc lớn, việc nhỏ nào cũng chỉ có “con dâu” là vợ đây mới làm được, nên ai cũng gọi, ai cũng nhờ. Chị dâu thì viện lí do nọ lí do kia để cáo lỗi về muộn (mà thường là chiều 30 Tết nhà anh chị ấy mới về). Thế là trách nhiệm cao cả là chuẩn bị đón Tết đều được giao hết cho Loan - con dâu út.

Mấy ngày liền chuẩn bị, Loan mệt bơ phờ, hầu như cứ ngẩng mặt lên thì đã tối khuya. Lúc nhớ ra cần gọi điện hỏi thăm bà ngoại, rồi gọi điện cho cô dì chú bác đằng ngoại mà không về ngoại đi chúc Tết được. Vậy mà mẹ chồng nghe được cũng trách: “Nó ‘buôn’ điện thoại suốt!”.

Đêm 30, một mình Loan ở trong bếp mổ gà nấu xôi cúng giao thừa. Trong khi mọi người vừa uống rượu vang vừa xem ti-vi. Thi thoảng mẹ chồng có đảo vào, nhưng là để kiểm tra tiến độ và tình hình công việc!

Nhưng bấy nhiêu đó chỉ là bước khởi đầu, ba ngày Tết chính thì còn kinh khủng hơn nhiều. Suốt ngày, vợ quay cuồng trong bếp với các loại cỗ cúng, cỗ tiếp khách, cơm gia đình… Vừa cất mâm cũ vào lại bưng mâm mới ra. 

Khách về hết thì lại tối mắt tối mũi vào lau dọn, rửa bát, bưng bê, cất đặt mọi thứ cho ngay ngắn. Ngày Tết người ta đi thăm thú họ hàng, đi đền đi chùa hưởng không khí xuân, Loan thì quanh quẩn trong bếp, quần xắn móng lợn và người đầy mùi thức ăn.

Tết nội - Tết ngoại: thiên đàng và địa ngục! 1
Tết lên đi làm lại, thân xác Loan tả tơi, mặt mũi bơ phờ. Đấy là Loan phải nói khó với chồng để xin bố mẹ lên sớm một ngày, cho vợ chồng được nghỉ ngơi, chứ không khéo không nhấc người dậy mà đi làm được mất (Ảnh minh họa)


Đấy là còn chưa kể đến chuyện, Loan là dâu mới nên bị săm soi lên săm soi xuống. Mừng tuổi ít thì chê keo kiệt, mừng nhiều thì bị bĩu môi: “Ra oai!”. Quà cáp Loan hơi sơ sót chút liền bị mẹ chồng chê không chu đáo, giữ của, tiết kiệm nên không muốn tặng quà cho họ hàng, cháu chắt nhà nội. 

Tết lên đi làm lại, thân xác Loan tả tơi, mặt mũi bơ phờ. Đấy là Loan phải nói khó với chồng để xin bố mẹ lên sớm một ngày, cho vợ chồng được nghỉ ngơi, chứ không khéo không nhấc người dậy mà đi làm được mất. Mùng 6 đi làm cơ quan ai ai cũng hỏi Loan: "Về quê ăn Tết hay đi đánh trận về thế?".

Còn năm nào về nhà ngoại ăn Tết là thể nào chưa đến 20 mẹ đẻ Loan đã gọi lên dặn đi dặn lại: “Không phải mua gì cho tốn tiền đâu nhé! Xe dịp Tết đông lắm, đi người không cho nhẹ nhàng! Ở nhà mẹ chuẩn bị không thiếu thứ gì rồi!”.

Loan đủng đỉnh về tới nhà, vừa nhìn thấy mặt mẹ đã luôn miệng hỏi han: “Hai đứa đi xe có mệt không? Vào nhà nghỉ đi. Có vài thứ việc thôi, mẹ chuẩn bị gần xong hết rồi!”. Lúc sau mẹ lại đuổi khéo: “Hai đứa đi thăm hỏi, chào láng giềng, họ hàng một tiếng đi, mấy khi về quê đâu. Mấy cái thứ này mẹ làm nhoáng là xong. Ở nhà có bố mày giúp rồi”.

Hai vợ chồng Loan lại tung tẩy đi chơi họ hàng, lượn lờ ngắm chợ quê, thấy nhà thiếu gì thì sắm thêm cho bố mẹ. Lúc về, Loan xông vào bếp giúp mẹ, còn chồng Loan giúp bố dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Nhớ năm ngoái, chồng Loan lăng xăng lãnh việc sơn lại nhà. Chẳng hiểu bố vợ với con rể bảo ban nhau làm việc kiểu gì mà để chồng trèo thang bị ngã chỏng gọng. May dưỡng thương 2,3 ngày là khỏi chứ không thì mất đi chơi Tết!

Chiều 30 Tết, Loan với mẹ luôn có một thú vui tao nhã: đi lượn khắp chợ xem đồ gì rẻ, đồ gì họ bán tháo để về thì khuân về. Không khí Tết cứ gọi là náo nhiệt phải biết. Mệt thì cũng mệt nhưng mà vui ơi là vui!

Đêm 30, bố luôn là người thịt gà cúng vì mẹ và Loan đều sợ cắt tiết gà. Loan và mẹ vừa nấu cỗ vừa buôn chuyện nổ trời. Chồng Loan được giao nhiệm vụ đơn giản nhất là trông nồi bánh chưng. Ấy thế mà có năm, nồi bánh cạn nước từ thuở nào, chồng vẫn ung dung ngâm nga “Phút giao thừa lặng lẽ”. May mẹ Loan cẩn thận vào kiểm tra chứ không năm ấy các cụ được cúng món bánh chưng khét!

Khoảnh khắc giao thừa, cả nhà Loan ngồi quây quần hoan hỉ chờ đón giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cả nhà sum vầy bên mâm cơm đón năm mới, gửi tặng nhau những câu chúc tốt lành, nhận những bao lì xì tuy ít vật chất đầy ân tình của bố mẹ. Vợ chồng Loan sắp lên chức bố, mẹ rồi mà vẫn được 2 cụ lì xì cho nữa.

Mấy ngày Tết, cỗ bàn là không thể thiếu nhưng mỗi người một tay nên cũng xong hết. Có hôm, bố thấy mấy mẹ con Loan mệt quá nên đuổi hết đi chơi chùa, để ông ở nhà trông nhà cho. Lúc về, đống bát bẩn trong bồn đã được thanh toán sạch sẽ.

Tết xong lên thành phố, 2 vợ chồng Loan còn khệ nệ, đùm đùm bọc bọc một đống các thứ mang lên ăn dần. Nào bánh chưng, giò thủ… thôi thì đủ cả. Sau đợt Tết, Loan béo lên 2kg, mặt tươi hơn hớn. 

Đồng nghiệp cả công ty Loan ai cũng thắc mắc: Cái con Loan này lạ thật, cùng là về quê ăn Tết nhưng sao năm thì lên đi làm nhìn “trai tráng” béo tốt, năm lên thì “bủng beo” thế nhỉ?!