20 người chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà
Đến thăm gia đình ThS Nguyễn Hào Hùng vào một ngày đầu năm, chúng tôi thực sự bất ngờ vì không gian nơi đây như có sự tách biệt hoàn toàn với nhịp sống ồn ào bên ngoài. Trong khuôn viên rộng chừng 200m2 là những căn nhà ngói đơn sơ được xây sát nhau theo lối kiến trúc Pháp cổ, ở giữa là một khoảng sân chung rộng rãi.
Theo ông Hùng, khu nhà này đã có tuổi đời ngót 100 năm. Đến nay, dù trải qua bao nắng mưa, thăng trầm nhưng gia đình ông vẫn cố gắng duy trì căn nhà nguyên trạng, không hề tu bổ, chỉnh sửa. "Làm như thế để lưu giữ những giá trị cổ có từ đời cha ông để truyền lại cho các thế hệ mai sau" – ông Hùng lý giải.
Các thành viên trong đại gia đình sum họp mỗi dịp xuân về - (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Giữa ngôi nhà nhỏ của ông Hùng có khoảng 20 người bao gồm già trẻ, gái trai đang quây quần , nâng ly rượu mừng xuân. Tôi cứ nghĩ ông Hùng đang tiếp khách quý. Hỏi ra mới biết, những người ngồi đó đều là thành viên của đại gia đình tứ đại đồng đường. Mấy chục năm qua, họ luôn chung sống hạnh phúc bên nhau, chưa một lần cãi cọ, tranh chấp tài sản. Mỗi dịp Tết đến xuân về, dù đi đâu, làm gì, tất cả các thành viên đều cảm thấy khoảnh đất nhỏ 200m2 này là bến đỗ bình yên nhất của mình.
Theo ông Hùng, để duy trì sự gắn bó, hòa thuận trong đại gia đình, công lao lớn nhất thuộc về cụ cụ Lê Thị Quỳ, người cao tuổi nhất trong gia đình. "Người xưa có câu "phúc đức tại mẫu". Gia đình tôi duy trì được sự gắn kết, bền chặt cũng bởi luôn có cụ làm người giữ lửa" - ông Hùng nói.
Được biết, cụ Quỳ sinh thành 6 người con, trong đó có 5 người con trai và 1 người con gái. Cứ thế mỗi cặp vợ chồng lại sinh thêm 2 con nữa, nâng tổng số thành viên trong gia đình lên đến 20 người.
Đại gia đình tứ đại đồng đường của cụ Quỳ - (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Gia đình cụ Quỳ có truyền thống trọng học vấn, 4 đời nay đều là viên chức nhà nước. Con cháu cụ nhờ có kiến thức, tài năng đều là những người thành đạt. Con trai cả nguyên là bác sĩ Quân y viện 103. Con trai thứ 2 nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Cô con gái duy nhất của cụ năm nay 62 tuổi, nguyên là cán bộ Hội nhà Báo Việt Nam. Con trai thứ tư, nguyên là cán bộ trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Con trai thứ 5 và thứ 6 đều là doanh nhân, kinh doanh bên ngoài.
Cụ Quỳ hào hứng khoe: "Các cháu toàn tự giác học tập, bố mẹ ông bà chẳng phải nhắc nhiều nhưng ai cũng học giỏi, mà sự học thì quan trọng lắm. Có học mới biết đối xử phải phép với nhau, gia đình mới được hòa thuận".
Nói đến truyền thống học tập của gia tộc, ông Hùng cho biết, dòng họ của ông là một trong những cái nôi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Tiêu biểu là những cái tên như: Nguyễn Văn Lý - TS đời vua Minh Mạng, Nguyễn Hữu Cầu - người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hữu Tảo – người sáng lập bộ môn Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam...
Các cháu của cụ Quỳ đi chơi văn miếu dịp đầu năm - (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Ông Hùng khẳng định: "Gia đình tôi 4 thế hệ, 4 cách nghĩ khác nhau nhưng vẫn sống chan hòa âu cũng bởi sẵn có truyền thống từ ngàn đời, có cái để đem ra nhắc nhở và giáo dục cho con cháu".
Cách đón Tết đậm chất cổ truyền
Gia đình của cụ Quỳ có 20 người nhưng tất cả vẫn duy trì nếp sinh hoạt chung dưới một mái nhà. Riêng có một người cháu trai đã lập gia đình và du học tại Úc gần 3 năm nay. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến, tất cả đều quay về Hà Nội đón Tết.
Năm nay, công việc bận rộn nên cụ Quỳ chỉ có thể nói chuyện với cháu trai qua... skype. "Thời buổi công nghệ rồi mà. Nó cứ ở bên ý nói chuyện với tôi qua mạng là được rồi" – cụ Quỳ cười.
Tết ở gia đình 4 thế hệ này luôn thấm đẫm hương vị cổ truyền. Ông Hùng kể, bắt đầu từ 20 tháng Chạp, phụ nữ trong đại gia đình lại rủ nhau dọn dẹp nhà cửa, đi siêu thị mua bán đồ dùng thiết yếu.
Mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời của đại gia đình - (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Nhiều năm qua, dù bận công việc đến đâu, cứ đến ngày 29 Tết là đại gia đình lại tập hợp trước sân nhóm lửa gói bánh chưng. Các tục lệ Tết cổ truyền của gia đình Việt vẫn được họ duy trì đầy đủ. Ngoài tục gói bánh chưng, xông đất, tảo mộ..., gia đình còn có nhiều thú chơi tao nhã khác như: chơi phong lan, thủy tiên, phật thủ, trà đạo. Đêm 30, họ thức thâu đêm để trông bánh chưng, đón giao thừa, sáng mùng 1 lại cùng nhau đến thăm họ hàng và đến lễ ở nhà thờ tổ. "Nói chung nghi thức đón Tết cổ truyền của người Việt ra sao thì ở nhà tôi y như vậy, không sai lệch chút nào" – ông Hùng nói.
Cụ Quỳ cho biết, mâm cơm ngày Tết ở gia đình cụ bao giờ cũng đầy đủ các món: Giò, chả, nộm, hạnh nhân, món xào, canh bóng, canh bào ngư, vi cá, miến, mực và canh măng. Các món này không quá khó nhưng theo cụ Quỳ, muốn làm cho ngon thì rất kỳ công và đòi hỏi người đầu bếp phải có tính kiên nhẫn, cẩn trọng.
Ngoài dịp Tết, những ngày lễ khác trong năm, gia đình cụ Quỳ vẫn tụ họp, quây quần bên nhau - (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Cụ Quỳ cười tếu táo: "Chả biết bên ngoài người ta đòi bình đẳng giới thế nào chứ ở nhà tôi, Tết nhất vẫn toàn phụ nữ vào bếp".
Theo cụ Quỳ, Tết là lúc các nàng dâu được dịp trổ tài và các cháu gái thì học tập thêm kinh nghiệm bếp núc. Tết đến, gia đình 6 người con của cụ tụ họp đông đủ, nấu ăn chung mâm suốt 3 ngày đầu năm. Các nàng cô dâu trong nhà thì bận tối mắt vì phải phục vụ cơm nước liên tục mà mỗi bữa đều phải nấu tới 4 bàn ăn với hơn chục món thịnh soạn.Vất vả là thế nhưng không ai nề hà than trách. Với họ, đó là niềm vui được chăm sóc, vun vén cho gia đình dịp đầu năm.
Theo ông Hùng, Tết cổ truyền đối với tất cả các thành viên trong đại gia đình mang một ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. "Đây chính là cơ hội lưu truyền, tiếp biến các giá trị văn hóa truyền thống để mỗi dịp xuân qua, thời thế thay đổi nhưng những giá trị tốt đẹp của gia đình không bao giờ bị mai một" – ông Hùng nói thêm.