Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc được gọi là Seolla. Đây là dịp để cả gia đình sum vầy và bày tỏ sự biết ơn đối với tổ tiên. Nghe mô tả thì có thể thấy Seolla là quãng thời gian để người dân Hàn Quốc nghỉ ngơi và tận hưởng những giây phút thư giãn bên cạnh người thân. Thế nhưng, không phải ai cũng có cùng cảm xúc như vậy, đơn cử như những người phụ nữ đã kết hôn ở xứ sở kim chi. Tết Nguyên Đán đối với họ không khác gì những ngày đi làm bình thường, thậm chí còn phải tăng ca.

Hàn Quốc vẫn còn mang nặng tư tưởng Nho giáo xa xưa và quan niệm rằng phụ nữ phải là người chịu trách nhiệm chăm lo các công việc nhà cửa, bếp núc. Vào mỗi dịp nghỉ lễ bao gồm Seolla, người phụ nữ phải về nhà chồng để tham gia với mẹ hoặc chị em chồng chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đối với người Hàn Quốc, phụ nữ một khi đã lấy chồng thì là chính thức gia nhập gia đình nhà chồng và chịu trách nhiệm chăm sóc mọi thành viên trong nhà chồng.

Tết với phụ nữ Hàn là những ngày làm việc tăng ca nhiều giờ liền nhưng không dám than phiền vì cảm giác có lỗi với tất cả mọi người - Ảnh 1.

Văn hóa gia trưởng đã tồn tại qua rất nhiều thế kỷ và phụ nữ xa xưa chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. So với thời điểm hiện tại, đã có nhiều sự đổi khác khi phụ nữ được xem trọng hơn và họ có thể độc lập về mặt tài chính nhưng không có nghĩa là người Hàn Quốc có thể thay đổi hoàn toàn quan niệm "trọng nam khinh nữ".

Vào dịp Seolla, người Hàn Quốc không quan trọng việc trang hoàng nhà cửa bằng các chậu hoa, câu đối Tết... như người Việt bởi họ quan niệm Seolla vốn dĩ đã tràn ngập sắc màu từ trang phục và các món ăn nên không cần trang trí quá nhiều. Văn hóa Tết của người Hàn cũng bao gồm việc cúng bái tổ tiên như thay lời cảm ơn đối với những người đi trước đã cho họ cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay. 

Tết với phụ nữ Hàn là những ngày làm việc tăng ca nhiều giờ liền nhưng không dám than phiền vì cảm giác có lỗi với tất cả mọi người - Ảnh 2.

Tết với phụ nữ Hàn là những ngày làm việc tăng ca nhiều giờ liền nhưng không dám than phiền vì cảm giác có lỗi với tất cả mọi người - Ảnh 2.

Tết với phụ nữ Hàn là những ngày làm việc tăng ca nhiều giờ liền nhưng không dám than phiền vì cảm giác có lỗi với tất cả mọi người - Ảnh 3.

Người phụ nữ tất bật trong những dịp lễ Tết ở nhà chồng.

Tất cả công đoạn chuẩn bị đều do phụ nữ trong nhà thực hiện. Họ chuẩn bị khoảng 20 món ăn và nhiệm vụ của đàn ông chỉ là đứng vái lạy và cầu tổ tiên phù hộ cho gia đình có một năm mới tốt lành. Trong những ngày này, phụ nữ Hàn Quốc tất bật với công việc bếp núc rồi lại lau dọn. Đó là một vòng lẩn quẩn mà họ hiếm có thời gian nghỉ ngơi.

"Tôi đã chứng kiến mẹ mình phải làm việc như một người hầu ở nhà ông bà nội mỗi khi gia đình tụ tập và nhất là trong các kì nghỉ. Tôi đã suy nghĩ về điều đó rất nhiều. Giờ bản thân tôi cũng đi làm dâu và tôi cảm thấy đời rất bất công. Buồn cười hơn, tôi lớn lên trong khi nhìn thấy mẹ như vậy và tôi tự động ý thức rằng sớm muộn gì mình cũng sẽ như bà" - bà mẹ 1 con, Shin Min-jeong, 34 tuổi, chia sẻ.

Kim So-hae, 42 tuổi, cho biết, cô nghĩ không có lý do nào để buộc phụ nữ suốt ngày cắm mặt vào bếp nhưng mỗi khi được mẹ chồng bảo nghỉ ngơi thì cô lại thấy có lỗi. 

"Tôi biết tôi không bắt buộc lúc nào cũng lẩn quẩn trong căn bếp nhưng bằng một cách nào đó, tôi cảm thấy mình phá vỡ một điều luật rất nghiêm trọng nếu như ngồi trên ghế sô pha trong khi mẹ chồng nấu ăn" - Kim bày tỏ.

Cho và Kim là 2 trong số rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc mắc kẹt giữa trách nhiệm làm dâu và mong muốn được sống như ý mình. Điều này có thể khiến họ gặp căng thẳng rất nhiều về mặt tâm lý.

Tết với phụ nữ Hàn là những ngày làm việc tăng ca nhiều giờ liền nhưng không dám than phiền vì cảm giác có lỗi với tất cả mọi người - Ảnh 4.

Theo khảo sát được thực hiện bởi trang web tìm việc Incruit, có hơn 60% phụ nữ làm nội trợ bị stress mỗi khi ghé nhà chồng. Con số này cao gấp 3 lần khi họ được về nhà bố mẹ đẻ. 31,7% trong số đó gặp căng thẳng với việc dọn dẹp và nấu nướng.

Một nghiên cứu khác của Dịch vụ Đánh giá Bảo hiểm Y tế đã chỉ ra rằng khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi 30 đến U50 bị nhiễm trùng bàng quang trong các dịp lễ Tết. Cơ quan y tế tin rằng phụ nữ dễ mắc căn bệnh này là do hệ miễn dịch suy giảm mỗi khi họ phải đối mặt với áp lực tinh thần và thời gian làm việc kéo dài trong các kì nghỉ lễ.

"Trong quá khứ, định nghĩa một người vợ tốt là người ấy phải chăm sóc tốt cho gia đình mình và cả gia đình nhà chồng. Nhưng tiêu chuẩn của một người vợ tốt đã thay đổi (theo hướng tệ hơn) trong thời gian gần đây. Giờ họ phải sống như những người phụ nữ siêu năng lực, có thể cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Đó là nguyên nhân khiến phụ nữ phải đối mặt với căng thẳng nhiều hơn" - giáo sư tâm lý tại Đại học Quốc gia Seoul, ông Kwak Geum-joo, nói."

Một ví dụ đơn giản là sau khi Seolla kết thúc, người phụ nữ không thể tự mình quyết định có thể về thăm nhà bố mẹ ruột hay không mà điều đó cần phải có sự cho phép của nhà chồng. Có rất nhiều người từ trước đến nay vẫn là cô con dâu mẫu mực của nhà chồng nhưng cũng đến lúc họ phải thốt lên câu hỏi: "Tại sao lại là chúng ta" vì cảm thấy quá bất công.

Tết với phụ nữ Hàn là những ngày làm việc tăng ca nhiều giờ liền nhưng không dám than phiền vì cảm giác có lỗi với tất cả mọi người - Ảnh 6.

Bộ phim tài liệu "Myeoneuri: My Son's Crazy Wife" (tạm dịch: Myeoneuri: Người vợ điên khùng của con trai tôi) từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người Hàn Quốc khi phản ánh cuộc đối đầu tàn khốc của mẹ chồng và nàng dâu.

Cô con dâu Jin-young đối đầu với mẹ chồng vì bà thường xuyên can thiệp vào cuộc sống hôn nhân của vợ chồng cô, thậm chí còn yêu cầu con dâu phải mua đúng nhãn hiệu quần lót cho con trai bà. Sau một trận cãi vã, Jin-young không lui tới nhà chồng, kể cả dịp Tết Trung thu Chuseok. 

"Tôi không đến nhà chồng vào dịp lễ và nhờ vậy mà tôi có một kỷ nghỉ tuyệt vời" - Jin-young nói trong buổi phỏng vấn.

Truyện tranh Myeoneu-agi cũng miêu tả hiện thực của cuộc sống làm dâu ở nhà chồng và phơi bày những góc tối của cuộc sống hôn nhân. Trong đó, nữ chính là Sarin kết hôn với một người đàn ông mà cô yêu tha thiết. Thế nhưng, sau đó, cô lại không ngừng đặt câu hỏi cho bản thân rằng tại sao mình lúc nào cũng cần phải làm hài lòng gia đình nhà chồng trong khi vị trí của cô gần như là thấp nhất trong nhà. 

Cả phim và truyện đều nhận được rất nhiều sự đồng cảm của phụ nữ Hàn Quốc, khuyến khích họ hãy dũng cảm để nói lên tiếng lòng mình. Thế nhưng, thực tế thì việc con dâu dám lên tiếng than trách nhà chồng vẫn được xem là điều cấm kỵ và sẽ bị đánh giá là người vợ, người con dâu tồi tệ.

"Tôi không muốn gây gổ với chồng để rồi nhận về những sự chỉ trích không bao giờ có điểm dừng từ nhà chồng. Nhưng tôi cũng không muốn con gái mình phải sống như vậy, luôn đối mặt với những kì vọng từ gia đình nhà chồng khi con bé lớn lên. Tôi hy vọng một ngày nào đó xã hội này sẽ chấp nhận rằng bình đẳng giới tính cũng nên tồn tại trong gia đình. Tôi nghĩ ngày đó vẫn còn chưa đến" - Kim Soo-hyun, người phụ nữ có cô con gái 6 tuổi, chia sẻ.

Giáo sư Kwak nhận xét nếu như phụ nữ không dám lên tiếng nói về những khó khăn của mình thì sự thay đổi là rất khó xảy ra. 

"Cần có một phong trào quyết liệt, chẳng hạn như Metoo. Nếu không có thì suy nghĩ về một người vợ tốt của người Hàn Quốc vẫn sẽ không có gì thay đổi" - ông Kwak nói.

(Nguồn: Asia One)