Từ xưa đến nay, đã có vô số nghiên cứu về mối quan hệ của nhóm máu đối với sức khỏe, tuổi thọ. Ví dụ có thể kể đến như: Những ai thuộc nhóm máu O có thể sống lâu hơn; người có nhóm máu A thì nguy cơ đột quỵ cao trước 60 tuổi... 

Thậm chí, có nghiên cứu còn cho rằng những ai mang nhóm máu A thì có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn các nhóm máu khác. Do đó, chuyện "nhóm máu có thể dự đoán được khả năng mắc ung thư" khiến nhiều người thắc mắc và có phần lo ngại. 

Thắc mắc chuyện "nhóm máu có thể dự đoán được khả năng mắc ung thư": Bác sĩ ung bướu giải đáp  - Ảnh 1.

Trả lời về câu hỏi: "Liệu nhóm máu có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư của một người hay không?". ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) khẳng định: "Mặc dù nhóm máu có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh sức khỏe, như khả năng mắc các bệnh tiểu đường hay bệnh tim mạch, nhưng không có nghiên cứu y khoa nào rõ ràng cho việc nhóm máu có thể dự đoán nguy cơ ung thư".

Bác sĩ cũng phân tích rằng, ung thư là một bệnh phức tạp và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc, bao gồm yếu tố di truyền, môi trường sống, lối sống và sự tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư. Do đó, không thể coi nhóm máu là một yếu tố quyết định độc lập trong việc dự đoán nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đang tiếp tục được tiến hành để tìm hiểu mối liên hệ giữa chúng.

Thắc mắc chuyện "nhóm máu có thể dự đoán được khả năng mắc ung thư": Bác sĩ ung bướu giải đáp  - Ảnh 2.

ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm rằng, để đánh giá và dự đoán nguy cơ ung thư, thì mỗi người cần phải xem xét các yếu tố rủi ro khác như gia đình có tiền sử ung thư không; Tuổi tác, lối sống, khả năng tiếp xúc với các chất gây ung thư như thế nào...

Bác sĩ Tuấn khuyên mỗi người đều nên đi tầm soát ung thư định kỳ 1 năm/lần để kiểm soát tình trạng sức khỏe, cũng như phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư.

Nhìn chung, dù bạn có thuộc nhóm máu nào và nhóm máu của bạn mang những rủi ro nào đi chăng nữa thì vẫn cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và một cuộc sống cân bằng.

Tiến sĩ Rushir Choksi (bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư UPMC Hillman, Mỹ) cho biết: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết... là nhóm có nguy cơ mắc ung thư cao vì vậy nên đi tầm soát ung thư thường xuyên.

Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư

Ngoài những nhóm người có yếu tố gia đình trên thì những đối tượng dưới đây cũng được bác sĩ cảnh báo có nguy cơ mắc ung thư cao.

- Thường xuyên thức khuya: Hầu hết tất cả chúng ta đều chứa các tế bào ung thư trong cơ thể. Để duy trì sự sống, cơ thể sẽ sản sinh khoảng 10 tỷ tế bào mỗi ngày và trong những tế bào mới này đôi khi sẽ xảy ra "lỗi" trong quá trình phân chia và sao chép.

Hệ miễn dịch chính là "vũ khí" để tiêu diệt những tế bào "lỗi", nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu do thức khuya thì khả năng ngừa ung thư sẽ bị hạn chế. Một số nghiên cứu còn cho rằng, thức khuya sẽ thúc đẩy khả năng gây ra ung thư gan, ung thư vú, ung thư ruột kết...

thuc_khuya.jpeg

- Nghiện thuốc lá: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC, hút thuốc lá gây hại cho hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể và dẫn đến cả bệnh tật và tàn tật. Hiện nay, có hơn 16 triệu người Mỹ đang phải sống chung với căn bệnh do thói quen hút thuốc gây ra, trong đó có ung thư như phổi, miệng, họng, máu, bàng quang, thực quản và tuyến tụy...

- Béo phì: Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, những người béo phì có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau bao gồm ung thư vú (đối với phụ nữ sau mãn kinh), ruột kết, trực tràng, thực quản, thận, tuyến tụy, túi mật và nội mạc tử cung...

- Ăn đêm nhiều: Các nhà nghiên cứu từ Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) tại Tây Ban Nha cho biết: Những người thường xuyên ăn sau 9 giờ tối và đi ngủ ngay sau khi ăn tối có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 25% so với những người không có thói quen này.