Con người chúng ta thường như vậy, sống mãi sống mãi rồi bỗng quên mất mục đích của bản thân, mãi đến khi xảy ra chuyện không hay rồi mới tỉnh ngộ: Thì ra, thay đổi cách sống cũng là một phương pháp để cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Tôi có một người hàng xóm sàn sàn tuổi, quen biết nhau từ hơn 20 năm trước. Lúc ấy tôi và vợ vừa từ quê chuyển ra thành phố sinh sống, để tiện cho việc học hành của con trẻ, cũng để cuộc sống của chúng tôi tiện lợi hơn một chút. Vợ chồng tôi quyết định mua một ngôi nhà trong thành phố, và bà Lan là người hàng xóm ở đối diện.

Kể ra thì hoàn cảnh hai gia đình của chúng tôi cũng khá khác biệt. Vợ chồng tôi là dân tỉnh lẻ lên thành phố kiếm sống, còn gia đình bà Lan lại là dân thành phố chính gốc, điều kiện gia đình khá giả, bà Lan làm giáo viên, còn chồng là kĩ sư công trường, phải nói là tốt hơn gia đình tôi rất nhiều.

Lúc mới đầu tiếp xúc, tôi cứ cảm giác gia đình bà Lan có vẻ cao ngạo khó gần, sống cuộc sống của những người giàu có. Thế nhưng lâu dần, cảm giác đó đã biến mất, thực ra gia đình họ cũng rất gần gũi.

Nhà bà Lan có một cậu con trai, hai vợ chồng trừ lúc đi làm ra thì toàn bộ thời gian còn lại đều là để dạy dỗ con trai. 

Ngày đó tôi thường hay nghe thấy tiếng dạy con làm bài tập, tiếng thúc giục con đi học thêm từ nhà bà Lan, cứ ở nhà là những tiếng nói đó vọng mãi không ngừng. Con trai nhà chúng tôi cứ tan học về nhà là nằm xem tivi, con nhà người ta tan học về nào là tập luyện thể dục, làm bài tập, đi học thêm, bận rộn còn hơn cả người lớn, có thể phong tặng danh hiệu “con nhà người ta trong truyền thuyết” cho thằng bé. 

Vì chuyện này mà tôi không ít lần đánh mắng con mình, nhưng cũng chỉ vậy rồi thôi, bởi điều kiện gia đình tôi không đủ tốt, không so được với nhà người ta, trình độ văn hoá cũng kém một bậc. Có một thời gian dài, chúng tôi cứ sống mãi dưới cái bóng của gia đình nhà bà Lan, tôi cứ cảm thấy trên vai gánh vác trách nhiệm nặng nề, áp lực cuộc sống quá lớn nhưng lại không có cách nào thay đổi được.

Mãi đến khi con trai lên đại học, sự áp lực đó mới dần được giải tỏa đôi chút. Con trai tôi thi đỗ một trường đại học vừa phải, tuy không phải top đầu nhưng ít ra nó cũng đã là sinh viên đại học rồi, tính trong gia đình họ hàng nhà tôi được coi là thành tích cực kì nổi bật. 

Cậu con trai nhà bà Lan thi đỗ trường đại học trọng điểm top đầu, đương nhiên nhà tôi vẫn không so được, chỉ có thể chúc mừng mà thôi, tuy vậy nhưng cũng đủ để vợ chồng tôi đỡ thấy áp lực hơn trước một gia đình xuất sắc như vậy. 

Từ đó trở đi, hai nhà chúng tôi qua lại với nhau nhiều hơn, mối quan hệ cũng dần bình đẳng hơn. Bà Lan lớn hơn tôi 1-2 tuổi, bình thường tôi gọi bà ấy là chị Lan, gọi chồng bà ấy là anh Trường. Từ khi con trai đi học đại học, hai vợ chồng bà Lan mới bắt đầu cuộc sống của bản thân mình, buổi tối thì rủ chúng tôi ra ngoài đi dạo, cuối tuần lại hẹn lên phố cà phê, thỉnh thoảng còn rủ nhau đi du lịch, cuộc sống thoải mái hơn xưa rất nhiều. 

Ngoài mặt là vậy, thế nhưng trong lòng hai vợ chồng tôi đều hiểu rõ rằng chúng tôi chưa thực sự được nhàn hạ, bởi tiếp theo đây là chuyện kết hôn của con trai nhà mình, sẽ phải tiêu một khoản tiền lớn. Chỉ có nhà bà Lan là nhàn nhã thong thả mà thôi, bởi lúc cậu con trai lên đại học là bà ấy đã chuẩn bị sẵn nhà tân hôn cho con rồi, nhà vẫn để trống chưa sửa sang gì, chờ đến khi con trai cưới vợ thì sẽ bắt tay vào trang trí ngay, tất cả mọi thứ đều được chuẩn bị đâu ra đấy. 

Vợ chồng tôi cũng có lòng chuẩn bị nhà cửa cho con, chỉ tiếc tiền trong túi cứ đầy rồi lại vơi, chỉ đành đi đến đâu hay đến đấy, không phải chỉ cần muốn là có một cục tiền mua nhà ngay như hàng xóm được.

Tôi thường hay bảo với bà Lan:

“Con cái lớn rồi, học đại học rồi, sau này tốt nghiệp xong tự có sắp xếp của bản thân, tự có kế hoạch riêng, chị em mình cũng không cần phải lo lắng nhiều quá, cứ để chúng tự xông pha, tự sống cuộc sống của mình đi chị ạ”.

Lần nào bà Lan nghe xong cũng gật đầu đồng ý, ấy thế nhưng quay đi lại vẫn tiếp tục như trước, con ai người ấy lo. Chẳng mấy chốc lũ trẻ ra trường, đi làm, lúc này chuyện lập gia đình trở thành chuyện quan trọng nhất. Con trai nhà tôi cũng tạm ổn, tốt nghiệp xong quay về đi làm gần nhà, thi đỗ công chức ở cơ quan trong thị trấn, cũng coi như là nở mày nở mặt, công việc khá ổn định. Ngày nào nó cũng chạy đi chạy lại giữa nhà và cơ quan, không có theo đuổi hoài bão nào khác, chúng tôi cũng không kì vọng quá nhiều vào nó, cảm thấy cuộc sống như vậy là ổn rồi. 

Thắc mắc mãi vì sao người hàng xóm giàu có lại mất sớm vì bệnh tật, tới khi nghe cậu con trai "thú tội" trong đám tang, tôi bàng hoàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn AI)

Còn cậu con trai nhà bà Lan thì khác hoàn toàn, ở lại thành phố nơi nó học đại học để làm việc, nghe nói lúc mới đi làm lương đã được hơn 20 triệu/tháng, ai ai cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng bà Lan phải bán căn nhà từng mua chờ con trai cưới vợ để tích tiền mua nhà mới trên thành phố cho con. Từ khi có cháu, hai vợ chồng bà Lan phải tách ra mỗi người một nơi, bà Lan thì ở nhà con trai phụ chăm cháu, ông Trường thì ở lại nhà cũ sống một mình. Không phải ông Trường không muốn ở cùng con cháu, mà do không tiện sống nên đành chấp nhận.

Nói nhà bà Lan khó khăn thì không đúng, bởi cậu con trai xuất sắc giỏi giang như thế, hai vợ chồng cũng có lương hưu, cuộc sống về già hầu như không phải lo lắng gì; bảo nhà bà Lan sung sướng thì cũng sai, vì hai vợ chồng tách ra mỗi người một nơi, phải mãi đến khi cháu nội được 3 tuổi, bà Lan mới quay về quê, nhưng sống vô cùng tiết kiệm. Bà Lan hay than thở với tôi:

“Chú ạ, thành phố lớn chi phí sinh hoạt đắt đỏ lắm, tiền sinh hoạt mỗi tháng đã mười mấy triệu rồi, chưa kể tiền vay mua xe ô tô, chúng nó kiếm được nhiều nhưng tiêu cũng nhiều, một tháng chả để dành được mấy đồng. Vợ chồng anh chị sống yên ổn hơn nên giúp các con được chút nào hay chút ấy chú ạ”.

Ý của bà Lan cũng chính là “bệnh” thường thấy ở các bậc cha mẹ như chúng tôi, chỉ là so sánh thì nhà tôi đỡ áp lực hơn một chút, vì con trai chúng tôi chỉ mua nhà ở phố huyện, chi phí sinh hoạt khá rẻ, cũng đỡ cạnh tranh hơn thành phố. 

Hai năm trước, bà Lan đi khám bệnh phát hiện ra tim mạch có vấn đề, chỉ riêng chi phí phẫu thuật thôi đã cả trăm triệu rồi, số tiền này gia đình bà Lan có thể chi trả được, chỉ là không hiểu tại sao sau này gia đình họ lại không làm phẫu thuật. Bà Lan gắng gượng sống thêm được hai năm nữa thì mất. 

Lúc này tôi chợt nảy ra sự tò mò với gia đình người hàng xóm thân thiết, theo lý mà nói thì với điều kiện của gia đình họ hoàn toàn có thể làm phẫu thuật được, làm sớm còn có thể hồi phục sức khoẻ nhanh chóng hơn, chứ không đến mức cứ lần lữa mãi rồi không làm, để cho người mất như vậy.

Lúc tôi qua hỏi chuyện, ông Trường - chồng bà Lan, nói trong sự tiếc nuối, bất lực:

“Làm phẫu thuật rủi ro cũng cao lắm, bà ấy lại sợ đau, lúc còn sống thì sợ đi bệnh viện, già rồi càng khỏi phải nói, vừa sợ đau, vừa sợ tốn tiền, cứ dây dưa bảo chờ thêm hai năm tích tiền rồi làm, vậy mà ai ngờ lại chẳng kịp nữa rồi”.

Đám tang của bà Lan được tổ chức ngay sau đó, tôi đến viếng từ sớm, rất nhiều bạn bè thân thích cũng đến. Cậu con trai đứng trước tất cả mọi người đọc một bài điếu văn, giới thiệu lại cuộc đời của bà Lan, trong đó có mấy câu khiến tôi nhớ mãi không quên như sau:

“Cuộc đời này, người mà mẹ tôi lo lắng không yên nhất là tôi, mà người tôi có lỗi nhất cũng chính là mẹ. Ngày nhỏ mẹ cho tôi cái ăn cái mặc, cho tôi học hành đủ đầy, lớn rồi lại giúp tôi chăm sóc con cái. Mẹ vất vả lao lực cả một đời người, nếu như sớm biết cơ thể mẹ bệnh tật giày vò không thể chịu đựng được lâu, cho dù có phải tán gia bại sản tôi cũng sẽ làm phẫu thuật cho mẹ bằng được”.

Nghe xong đoạn đó, tôi có chút bàng hoàng ngơ ngác. Bởi tôi biết nhà bà Lan có điều kiện, con trai lại thành tài, nhưng tôi không ngờ rằng lý do khiến bà Lan không chịu làm phẫu thuật không chỉ do sợ đau mà còn do không có tiền. Vậy nên bà ấy mới cố gắng chịu đựng, để thêm chút thời gian nữa gom đủ tiền rồi mới làm, có lẽ ai cũng nghĩ bà Lan có thể chịu được đến lúc đó, nhưng chẳng ai đoán trước được tương lai, người đã không còn nữa rồi.

Sau khi về nhà, tôi đã suy nghĩ rất lâu. Tôi nghĩ về tất cả những chuyện nhỏ nhặt của gia đình bà Lan, nghĩ về những chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ. Đúng như con trai bà ấy nói, cả cuộc đời này của bà Lan là sống vì con trai của mình. Từ lúc mới quen bà ấy đã sống như vậy, đến khi về già cũng chưa tận hưởng được cuộc sống an nhàn tuổi xế chiều, vẫn hết lòng sống vì con vì cháu, đến tận khi ốm bệnh vẫn chần chừ không chịu chữa ngay, để lại nỗi nhớ thương cho cả gia đình.

Nhìn câu chuyện của bà Lan, rồi lại nghĩ đến bản thân mình, chúng tôi cũng đâu khác gì nhau? Nuôi con lớn đến khi nó lập gia đình, thế nhưng tôi vẫn chưa ngơi tay, vì cháu nội vẫn ở nhà chúng tôi, còn bố mẹ nó thì bận rộn công việc không có thời gian chăm nom, nếu không thì cũng chẳng còn sức trông con. Ngày nào vợ chồng tôi cũng lần lượt đưa đón cháu đi học, nấu cơm cho cháu, dạy cháu học bài, tất cả là vì mong các con có thể giảm bớt một phần áp lực.

Về mặt kinh tế thì không phải nói, chúng tôi chỉ có một cậu con trai duy nhất, tất cả tài sản của hai chúng tôi sau này đều để lại cho nó, cho nên ngày thường chúng tôi cũng giúp đỡ vợ chồng con trai nhiều thêm một chút. Lúc thì cho thêm cháu nội tiền học, lúc thì cho tiền trả tiền nhà, hay lúc đổi xe ô tô vợ chồng tôi cũng cho thêm chút ít, tóm lại là cố hết khả năng giúp đỡ các con, chỉ sợ chúng sống khổ sở, áp lực nhiều mà thôi. Lúc nào vợ chồng tôi cũng nói:

“Có gì ăn nấy, có gì uống nấy là được rồi, bố mẹ cũng có phải tiêu gì đến tiền đâu, tích lại ở đấy cũng không dùng, lấy ra giúp các con được chừng nào hay chừng đó”.

Không phải chỉ vợ chồng tôi nghĩ như vậy, mà cả nhà bà Lan, hay phần đông các bậc cha mẹ sẽ đều như thế. Nhưng sau khi xảy ra chuyện của bà Lan, tôi quyết định thay đổi cách sống của mình, tôi quyết tâm phải làm được việc “con cháu tự có phúc của con cháu”. Sau này, trừ chuyện lớn hay chuyện gấp, nếu không, tôi sẽ không tham dự vào cuộc sống của các con, cũng không giúp đỡ chúng quá nhiều nữa. Chăm con là chuyện của chúng, tiêu tiền cũng do chúng tự quyết, trừ khi chúng muốn vay tiền, cũng phải do chúng tôi suy nghĩ rồi mới quyết định có nên giúp hay không. Nếu không thì tiền bạc, chúng tôi sẽ tích lại đó cho bản thân, sau này nhỡ có việc gấp gì cần đến tiền, chúng tôi cũng có một khoản riêng, con trai tôi cũng không phải áp lực thêm.

Tóm lại, cuộc sống tuổi già sắp tới chúng tôi sẽ đặt bản thân mình lên hàng đầu, con trai ở sau. Chuyện gì cũng phải bảo đảm không có vấn đề rồi muốn giúp ai thì giúp, mọi người thấy có đúng không?