Trong lịch sử Trung Quốc, thái giám (hoạn quan) đã có từ thời Tây Chu, đương thời gọi là tử nhân, hoặc hạng nhân, yêm doãn, nội tiểu thần. Bởi vì vị trí kề cận hoàng đế, có đầy đủ điều kiện và quyền lực nên họ có khả năng can chính (can thiệp triều chính).

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, thái giám Thụ Điêu đã can thiệp vào các vấn đề triều chính của nước Tề, tụ họp các chư hầu, phô trương khí thế. Hắn giam giữ vị quân chủ nước Tề là Tề Hoàn Công trong tẩm cung, cho xây tường rào bao cung điện, không cho một ai được vào gặp. Tề Hoàn Công lúc đó vừa bệnh nặng vừa bị cách ly với gia quyến, qua đời trong cô độc và đói khổ. 60, 70 ngày sau khi mất, ông mới được chôn cất.

Hoạn quan Y Lệ của nước Tống vì âm mưu hãm hại vị trí thái tử bị Tống Thành Công (vị vua thứ 21 của nước Tống, chư hầu nhà Chu) bỏ tù, thắt cổ đến chết. 

Tên thái giám “giả” Lao Ái của nước Tần càng “làm loạn” hơn thế: Vấy bẩn hoàng cung, đã ân ái cùng mẹ của Tần vương Doanh Chính, sinh ra 2 người con. Hắn không những tự xưng là cha của vua nước Tần, mà còn quyết tâm khởi binh đoạt chính. Tần Thủy Hoàng sau đó thống nhất 6 nước, lập nên một vương triều duy nhất, tự xưng là Thủy Hoàng Đế. Sau khi Thủy Hoàng Đế qua đời, nước Tần xuất hiện một Triệu Cao can chính, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tần. Triệu Cao là thái giám đầu tiên và duy nhất muốn trở thành hoàng đế trong lịch sử, bởi vì hắn là họ hàng xa của nhà Tần và luôn nghĩ rằng bản thân mình có dòng máu hoàng tộc.

"Thái giám can chính"  trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã được dẹp yên như thế nào trong thời "Khang Càn thịnh thế"? - Ảnh 1.

Thái giám Triệu Cao trong phim ảnh.

Cuối nhà Hán, các hoạn quan nắm hết mấu chốt chính trị, hình thành 10 thế lực hoạn quan mạnh nhất đương thời: Trương Nhượng, Triệu Trung, Tào Tiết, Phong Tư, Đoàn Khuê, Hầu Lãm, Quách Thắng, Kiển Thạc, Hạ Huy, Trình Khoáng; đương thời gọi là Thập thường thị.

Vào giai đoạn giữa và cuối triều Đường, lực lượng thái giám đã mang thảm họa cực lớn đến cho nhà Đường, hoàng quyền rơi vào tay kẻ ngoại tộc. Hậu duệ của Đường Thái Tông anh minh thần vũ đã trở thành “cá nằm trên thớt” của lũ hoạn quan, muốn đứng phải đứng, muốn phế thì phế, muốn giết là giết. Trong quyển “Cựu Đường Thư” mô tả như sau: Dốc sức định đoạt triều chính, tùy ý phế lập ngôi báu. 13 vị hoàng đế từ Đường Túc Tông đến Đường Chiêu Tông, tất cả đều do thái giám đưa lên. 

Nhiều người cho rằng thời nhà Tống không có “thái giám can chính”, nhưng trên thực tế là có. Nghi án “Ánh nến tiếng rìu” ở triều đại Bắc Tống đã xảy ra vào một đêm nọ, khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận băng hà, hoàng hậu Tống thị sai nội giám Vương Kế Ân triệu Tần vương Triệu Đức Phương (dân gian gọi là Bát Hiền Vương) vào cung, có ý muốn để ông kế vị ngôi báu. Thế nhưng Vương Kế Ân sau khi xuất cung lại đến gặp Tấn vương Triệu Quang Nghĩa khiến hoàng hậu Tống thị hết sức kinh ngạc. Trong cơn tuyệt vọng, bà chỉ biết cầu xin Triệu Quang Nghĩa: “Mạng sống của mẹ con ta đều trông cậy vào quan gia”. Triệu Quang Nghĩa được kế vị xưng đế, trở thành Tống Thái Tông. Rõ ràng hành động của Vương Kế Ân đã trực tiếp thay đổi vận mệnh của người kế vị, không thể không có ảnh hưởng sâu sắc đến triều Tống. 

Đến thời vua Tống Huy Tông từ nhỏ đã yêu thích những việc bút mực, hội họa, cưỡi ngựa, thích hưởng lạc, chính vụ đều giao cho nhóm triều thần gọi là "Lục tặc". Tống Quan trong nhóm triều thần này cũng là một tên hoạn quan.  

Các “thái giám can chính” thời nhà Minh sau này đã đạt đến đỉnh cao quyền lực. Thời kỳ đầu nhà Minh thiết lập "Nhị thập tứ nha môn", mỗi nha môn có một thái giám giữ ấn tín phục dịch hoàng đế cùng gia thuộc.

Tại sao lại xuất hiện tình trạng “Thái giám can chính”?

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở hoàng đế. Các hoàng đế thường tự xưng là cô gia hay quả nhân. Theo một ý nghĩa nào đó thì điều này là đúng. Cái gọi là “Thiên tử không tư tình” có nghĩa là, hoàng đế nếu muốn duy trì sự thần bí và uy nghi thì không thể có bạn bè thân cận. Nhiều vấn đề riêng tư cá nhân cũng không thể tìm chia sẻ với các đại thần ngoài triều. Cho nên, các thái giám trở thành lựa chọn nếu các vị vua cần một người đủ tin tưởng bên cạnh.

Ngoại trừ hoàng đế khai quốc, các vị vua kế vị chủ yếu sống bên trong thâm cung đại viện, từ nhỏ bên cạnh họ chính là thái giám. Điều này khiến các ông vua cảm thấy rất gần gũi và ỷ lại vào các thái giám. Hán Linh Đế (vị Hoàng đế thứ 12 của thời Đông Hán) thậm chí còn coi thái giám là cha là mẹ và công khai suy nghĩ này: “Trương (Nhượng) là cha ta, còn Triệu (Trung) là mẹ ta”. 

Ngoài mối quan hệ mật thiết giữa hoàng đế và thái giám được tạo ra bởi môi trường sống đặc biệt, còn có một nguyên nhân khác, đó là vì hoàng đế tin rằng thái giám là những kẻ đang chịu sự trừng phạt, không phải là người bình thường mà chỉ là nô lệ của họ, không có dã tâm đoạt vị nên yên tâm sử dụng và mạnh dạn giao quyền. 

Không những đại thần ngoại triều mà đến anh em, con cháu đều có thể có mưu đồ bất chính, tranh quyền đoạt vị nên họ luôn phải cảnh giác, thậm chí còn để các thái giám bí mật giám sát những người này, ví dụ như Đông Xưởng, Tây Xưởng,... thời nhà Minh. 

Triều nhà Thanh không hoàn toàn không có tình trạng “Thái giám can chính”, chỉ là nó rất nhanh bị dẹp đi và cuối cùng tro tàn không đủ để bùng cháy thành ngọn lửa to, nguyên nhân là vì nhà Thanh có một thể chế đặc biệt.

Khi người Mãn Châu từng bước xâm lấn và chinh phục lãnh thổ Trung Hoa từng phát sinh một sự việc liên quan đến ”thái giám can chính”. Thuận Trị hoàng đế sớm đã không có thực quyền, quyền lực thực tế nằm trong tay Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn (Duệ Trung Thân vương). Quyền lực của Đa Nhĩ Cổn có lớn thế nào cũng không thể bước vào hoàng cung, chỉ có thể ở sống ngoài cung, thái giám không còn cơ hội tiếp cận trung tâm quyền lực, không còn điều kiện để can thiệp triều chính. 

Năm 1651, Thuận Trị hoàng đế thân chính, hoàng quyền trở về trong tay hoàng tộc. 3 năm sau, thái giám thân cận Ngô Lương Phụ đề xuất Thuận Trị hoàng đế thành lập “Mười ba nha môn” do các hoạn quan chủ quản. 

"Thái giám can chính"  trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã được dẹp yên như thế nào trong thời "Khang Càn thịnh thế"? - Ảnh 2.

Thái giám Ngô Lương Phụ trong phim ảnh.

“Mười ba nha môn” phỏng theo “Hai mươi tư nha môn” trong nội cung triều Minh: Ti Lễ Giám, Ngự Dụng Giám, Ngự Mã Giám, Nội Cung Giám (Tuyên Huy Viện), Thượng Y Giám, Thương Thiện Giám, Thượng Bảo Giám (Thượng Bảo Ti), Ti Thiết Giám, Thượng Phương Giám (Thượng Phương Viện), Tích Tân Ti, Chung Cổ Ti (Lễ Nghi Giám, Lễ Nghi Viện), Binh Trượng Cục, Chức Nhiễm Cục (Kinh Cục). 

Quyền lực tập trung trong tay hoàng đế, "Mười ba nha môn" lại do nội cung chủ quản khiến bè phái thái giám có điều kiện can thiệp chính vụ, điều này dẫn đến sự việc thái giám can chính đầu tiên trong triều đại nhà Thanh. Năm 1658, thái giám Ngô Lương Phụ ỷ vào sự sủng hạnh của Thuận Trị hoàng đế đã chuyên quyền chi phối triều chính. Lúc đó Ngô Lương Phụ có tham gia vào một vụ hối lộ giữa thái giám và quan viên mà Thuận Trị không nỡ trừng phạt hắn. Đây được xem là một trọng án được Khang Hi xử lý sau khi lên ngôi. 

Vậy tại sao sau thời Khang Hi lại không hề phát sinh bất kỳ một trường hợp “thái giám can chính” nào nữa?

Thứ nhất, bản thân hoàng đế đã nảy sinh sự chán ghét đối với thái giám. Khang Hi, Ung Chính, Càn Long đều hoàn toàn có ác cảm với hoạn quan, tất cả họ đều biết rõ sự nguy hại của tình trạng "thái giám can chính". Thời Khang Hi, thái giám đều bị đổi thành họ Tần, Triệu, Cao với mục đích ghi nhớ rõ những bài học về sự việc “Triệu Cao loạn Tần”. Thời Càn Long, thái giám đổi thành họ Vương nhưng không có tên, cố ý tạo ra sự nhầm lẫn giữa các cá nhân riêng biệt, ngăn chặn các quan viên ngoài triều và thái giám xây dựng quan hệ gần gũi.

Một lý do khác rất quan trọng là vì người Mãn có một thể chế đặc thù, nó có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sử dụng người bên cạnh xử lý việc riêng tư của hoàng đế, lại có thể phòng ngừa những vấn đề “can chính” do điều này mang đến. Đây chính là chế độ “Bao y”. 

“Bao y” là từ của người Mãn, nghĩa là “Người phục vụ trong nhà”. Ban đầu, điều chỉ việc người Mãn rất quý mến gia nô của họ. Cùng với cuộc chiến xâm lấn lãnh thổ của người Mãn, họ bắt được rất nhiều tù binh nhưng không thể để tất cả trở thành gia nô. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đưa “Bao y” vào chế độ Bát Kỳ. 

Nỗ Nhĩ Cáp Xích xây dựng hình thức tổ chức xã hội mới là Kỳ và chế độ Bát Kỳ. Ban đầu chỉ có bốn Kỳ là Hoàng, Hồng, Lam, Bạch. Về sau lại tăng lên bốn kỳ nữa là Tương Hoàng, Tương Lam, Tương Bạch, Tương Hồng. Trên cơ sở đó đã hình thành chế độ Bát Kỳ nổi tiếng trong lịch sử. 

Trực thuộc Hoàng đế là các Bao y nằm trong Thượng tam kỳ, tức là 3 quân kỳ cao nhất, gồm: Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Bạch kỳ (trước là Chính Lam kỳ). “Bao Y” có hai loại, một là phục vụ hoàng đế, hai là thuộc về các kỳ chủ. Những Bao y xuất thân từ Thượng Tam kỳ luôn trực thuộc Nội vụ phủ để phục dịch Hoàng đế. 

Nội vụ phủ liên kết trực tiếp đến hoàng đế, chủ yếu là những Thượng Tam kỳ Bao y do hoàng đế đích thân quản lý. Quan viên trong Nội vụ phủ không phải là thái giám, thái giám do cấp dưới của Nội vụ phủ là Kính sự phòng quản lý. Quan phẩm của thái giám tổng quản của Kính sự phòng không vượt quá tứ phẩm. 

Bao y trong Nội vụ phủ là gia nô của hoàng đế, dưới tình huống các thái giám chịu sự kiểm soát chặt chẽ, các bao y trở thành người thay thế, ở bên cạnh hoàng đế, đem sức lực phục vụ trực tiếp cho hoàng đế, trở thành những kẻ kiềm giữ cơ cấu quan liêu và là công cụ thực thi chế độ độc tài. 

Bao y nổi danh nhất là Cao Bân, từ năm Ung Chính thứ nhất (năm 1723) trở đi, ông từng đảm nhận vị trí Chủ sự Nội vụ phủ, Chức tạo Tô Châu, Chính sứ Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Hà Nam, Chức tạo Giang Ninh, Tổng đốc Giang Nam; Lại bộ Thượng thư, Đại học sĩ Văn Uyên Các,... 

Đầu thời nhà Thanh, hoàng đế đã bố trí Bao y đảm nhận các vị trí then chốt, kiểm soát nguồn thuế chặt chẽ, giám sát và đánh giá sự vận hành của xã hội và đức năng của các quan viên. Đồng thời còn đem hàng loạt tiền của từ các hộ bộ và chính quyền địa phương, trực tiếp đưa vào Nội vụ phủ của hoàng gia. Chẳng hạn, mỗi năm Tào Dần (là Thị vệ ngự tiền từ năm 13 tuổi, sau đó lần lượt giữ chức Chức tạo Tô Châu, Chức tạo Giang Ninh, Giám sát ngự sử) ngoài việc hoàn thành khoảng hai triệu lượng vàng thu vào quốc khố, còn phải xoay xở 500 nghìn lượng vàng chi phí riêng cho Khang Hi.

Bên ngoài Bao y thay thế thái giám, bên trong Nội vụ phủ thay thế cho “Thập tam nha môn”, phụ trách tất cả vấn đề trong cung, bao gồm cả lực lượng thái giám. Thái giám lúc đó đã mất đi cơ hội lộng quyền và can thiệp chính vụ, họ đơn thuần chỉ là một nhóm người tầm thường trong hoàng cung, lặng lẽ bên cạnh hoàng đế và các phi tần.

Cuối nhà Thanh, Từ Hi thái hậu chấp chính trong một thời gian dài, có lẽ bởi vì nguyên nhân giới tính mà bà không có nhiều quan hệ thân cận với các quan viên Nội vụ phủ, Từ Hi chấp nhận sử dụng thái giám. Thái giám từ đó dần dần không còn an phận nữa, khao khát quyền lực và mong muốn can thiệp chuyện triều đình, đại diện tiêu biểu nhất lúc bấy giờ là An Đức Hải. 

An Đức Hải xuất thân từ huyện Nam Bì, năm 10 tuổi đã nhập cung và trở thành thái giám ngự tiền bên cạnh Thanh Văn Tông (Hàm Phong Đế). Sau khi Thanh Văn Tông đế qua đời, hắn trở thành tâm phúc của Từ Hi thái hậu. Trong nhiều biến cố xảy ra sau đó, An Đức Hải bị người người nghi ngờ là có hành vi can thiệp chính vụ, mặc dù đều là mệnh lệnh của Từ Hi thái hậu. 

"Thái giám can chính"  trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã được dẹp yên như thế nào trong thời "Khang Càn thịnh thế"? - Ảnh 3.

Ảnh chụp thái giám An Đức Hải.

Năm Đồng Trị thứ 8 (năm 1869), Từ Hi thái hậu chuẩn bị đại hôn cho Đồng Trị hoàng đế, thừa dịp này An Đức Hải đã khẩn xin bà cho hắn đến Giang Nam chuẩn bị phục sức cho hoàng đế. Từ Hi thái hậu tất nhiên là đồng ý cho An Đức Hải xuất cung.

Có lẽ là An Đức Hải đã quá cao hứng hoặc vì cho rằng không ai dám làm khó hắn, cũng có thể là vì chưa từng có tiền lệ thái giám được xuất cung làm việc. Nhưng mặc dù An Đức Hải được chính thái hậu phái ra ngoài nhưng trên người hắn không mang theo bất kỳ công văn nào, cũng không có quan phủ địa phương nào biết trước. An Đức Hải đi đến đâu cũng vơ vét châu báu, chẳng những thế, khi vừa đến Đức Châu (Sơn Đông) hắn đã chạm trán với Tri châu Triệu Tân Lập. Tin tức này nhanh chóng đến tai Tuần phủ Đinh Bảo Trinh, một vị quan liêm chính và ngay thẳng, ông ngay lập tức ra lệnh bắt giữ tên thái giám lộng quyền. 

Ngày 2/8/1869, An Đức Hải bị Tri huyện Hà Dục Phúc bắt giữ tại huyện Thái An, sau đó giam giữ ở Tế Nam (Sơn Đông). Ngày 7/8 cùng năm, Đinh Bảo Trinh tuân chỉ xử trí An Đức Hải ở Tế Nam. 

"Thái giám can chính"  trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã được dẹp yên như thế nào trong thời "Khang Càn thịnh thế"? - Ảnh 4.

Tượng của Đinh Bảo Trinh.

Thái giám xuất cung là vi phạm nguyên tắc từ thời tổ tiên. Thêm nữa, An Đức Hải vốn không có công văn chính thức của triều đình lại dám làm loạn địa phương không kiêng nể ai, Từ Hi thái hậu không thể không giết An Đức Hải. Nếu không xử lý vụ việc An Đức Hải ổn thỏa sẽ có ảnh hưởng ngược lại với bà. Nếu không có sự đồng ý của Từ Hi thái hậu, Đinh Bảo Trinh chắc chắn sẽ không dám giết tên thái giám được thái hậu ân sủng, nhiều nhất cũng chỉ có thể bắt An Đức Hải và giải đến Bắc Kinh để Từ Hi đích thân xử lý. 

Thế hệ sau này khi nhắc đến Đinh Bảo Trinh đều nghĩ đến 2 chuyện: 1 là giết được An Đức Hải, 2 là món gà Cung Bảo được ông chế biến ra khi đảm nhận chức Toàn quyền ở Tứ Xuyên.

Cái chết của An Đức Hải đã khiến cho toàn bộ thái giám run sợ cực độ. Thay thế vị trí của An Đức Hải là Lý Liên Anh, sau này trở thành vị thái giám lớn nhất nhà Thanh, mặc dù hắn có quyền lực rất lớn nhưng không dám làm loạn như An Đức Hải. Ngoài tham lam thì hắn không làm ra chuyện gì xấu cả. Lý Liên Anh gắn bó với Từ Hi thái hậu hơn 50 năm và thật sự là người đồng hành một đời của bà. Sau khi Từ Hi thái hậu qua đời, Lý Liên Anh xử lý ổn thỏa tang sự của bà rồi rời khỏi hoàng cung, sống ẩn dật và mất vào năm Phổ Nghi thứ 3 (năm 1911). 

"Thái giám can chính"  trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã được dẹp yên như thế nào trong thời "Khang Càn thịnh thế"? - Ảnh 5.

Ảnh chụp thái giám An Đức Hải (bên trái) và thái giám Lý Liên Anh (bên phải).

Năm 1966, ngôi mộ của Lý Liên Anh bị khai quật, trong cổ quan tài chỉ chứa một hộp sọ và một bím tóc, không có thi thể. Nhưng trên văn bia lại ghi chép có một thi thể trong quan tài, đây trở thành một vụ án bí ẩn trong những năm cuối triều Thanh.

Sau khi Từ Hi thái hậu mất, đại thái giám cuối cùng của nhà Thanh là Tiểu Đức Trương vẫn có một chút lộng quyền can chính nhưng lịch sử không cho hắn có cơ hội, triều Thanh đã suy vong rất nhanh. Những năm cuối đời, hắn chỉ có thể sống bằng công việc bán hoa quả chiên trên các ngõ ngách Thiên Tân. Tháng 4/1957, Tiểu Đức Trương qua đời vì bệnh tật. 

Sự thành công chặn đứng tình trạng thái giám “loạn chính” trong triều đình nhà Thanh là nhờ vào Khang Hi hoàng đế (chính xác hơn là Hiếu Trang hoàng thái hậu và các đại thần phụ chính) đã kịp thời trừng trị Ngô Lương Phụ, đóng “Thập tam nha môn”, khôi phục và trọng dụng Nội vụ phủ. 

Nguồn: Zhihu, Baidu