Theo thông tin được đăng tải, kể từ đầu tháng 7 này, mực nước sông Mekong đã tăng đều đặn từ 10 - 15 cm mỗi ngày do mưa liên tiếp. Đến ngày 19/7, mực nước đo được tại tỉnh Nakhon Phanom (nằm phía Đông Bắc Thái Lan) là khoảng 6 m, cách mép bờ sông khoảng 3 m.

Các nhà chức trách địa phương đang theo dõi sát tình hình và đưa ra cảnh báo lũ lụt cho người dân sinh sống dọc theo hai bên bờ sông ở các huyện Muang, Ban Phaeng, Tha Uthen và That Phanom.

Bên cạnh đó, các máy bơm nước cỡ lớn được lắp đặt dọc theo bờ sông để giúp xả lũ và bảo vệ người dân sống ven sông.

Ngược lại, vào ngày 28/6, MDM đã phát bản tin "Cảnh báo đỏ" về mực nước sông Mekong. Nguyên nhân là do các đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc đóng đập, khiến mực nước sông Mekong tại Chiang Saen (Thái Lan) giảm 1,5 m.

 - Ảnh 1.

Các đập thủy điện tích nước làm dòng chảy tự nhiên thường xuyên thiếu hụt. (Ảnh: ImagineChina)

Sự sụt giảm 1,5 m của mực nước sông Mekong diễn ra tại Chiang Saen (Thái Lan) trong khoảng thời gian từ ngày 26 - 29/6, Luang Prabang (Lào) từ ngày 28/6 đến ngày 1/7, Chiang Khan (Thái Lan) từ ngày 29/6 đến ngày 2/7.

Trước bản tin cảnh báo đỏ, Dự án MDM (Giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mekong) cũng đã phát đi hai bản tin cảnh báo màu vàng với lý do tương tự khi mực nước sông giảm khoảng 0,7 - 0,8 m.

Mùa mưa lũ trên sông Mekong bắt đầu từ tháng 6. Vào mùa này, các đập thủy điện bắt đầu tích nước, làm dòng chảy tự nhiên thường xuyên thiếu hụt. Theo Eyes on Earth, dòng chảy tự nhiên của con sông bị thiếu hụt 23,5%. Việc các đập chứa lớn xả nước vào mùa khô để sản xuất điện và tích trữ nước trong mùa mưa đã khiến biến đổi dòng chảy tự nhiên. Điều này sẽ làm đảo lộn môi trường tự nhiên của dòng sông, ảnh hưởng đến sự sống và sinh sản của tất cả các loài động thực vật thuộc hệ thống tự nhiên sông Mekong, gây tác động tiêu cực đến sinh kế và kinh tế của người dân vùng châu thổ Mekong.