Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sau khi Thượng viện nước này thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân vào thứ Ba (18/6). Những người ủng hộ gọi đây là "bước tiến lớn cho quyền LGBTQ+".
Thượng viện đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ việc thông qua dự luật sau lần đọc cuối cùng, với 130 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ. Chỉ có 4 thành viên phản đối dự luật.
Dự luật vẫn cần có sự phê chuẩn của nhà vua trước khi bình đẳng hôn nhân có thể trở thành hiện thực ở Thái Lan, nhưng quá trình này được coi chỉ là hình thức. Luật này sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được công bố trên công báo hoàng gia.
Những người tham gia diễu hành Bangkok Pride 2024, tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 1 tháng 6 năm 2024
Kết quả bỏ phiếu có nghĩa là Thái Lan sẽ trở thành vùng lãnh thổ thứ ba ở châu Á cho phép bình đẳng hôn nhân sau khi Đài Loan (Trung Quốc) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019 và Nepal vào năm 2023.
Panyaphon Phiphatkhunarnon, người sáng lập Love Foundation – một tổ chức phi chính phủ vận động cho quyền bình đẳng LGBTQ+ ở Thái Lan – nói với CNN: "Dự luật thể hiện một bước tiến vượt bậc đối với quyền LGBTQ+ ở Thái Lan. Tác động tiềm tàng của dự luật này là rất lớn. Nó sẽ không chỉ thay đổi cuộc sống của vô số cặp vợ chồng mà còn góp phần tạo nên một xã hội công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người".
Dự luật cấp cho các cặp đôi LGBTQ+ những quyền hợp pháp và được công nhận giống như các cặp đôi dị tính, bao gồm các quyền liên quan đến thừa kế, nhận con nuôi và ra quyết định về chăm sóc sức khỏe.
Panyaphon nói: "Ngoài ý nghĩa pháp lý, việc thông qua dự luật này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự chấp nhận và hòa nhập".
Nguồn: CNN