“Em có thể giúp chị được việc gì?”. “Em có thể giúp chị bớt cô đơn”. Thế là hai người quấn chặt lấy nhau như không bao giờ rời ra được nữa. Chưa bao giờ Cẩm Nhi thấy hứng khởi như với chàng trai trẻ đẹp này. Bên chàng phi công trẻ, Cẩm Nhi quên béng ông chồng rổ rá cạp lại của mình. Sau chuyến du lịch đó, Lâm về làm nhân viên tin học cho Cẩm Nhi. Cả hai đều trông được ước thấy. Chưa có một nhân viên nào trong công ty khiến Cẩm Nhi hài lòng như anh chàng Lâm đẹp trai này.

Sau chuyến du ngoạn đầy lãng mạn ở miền Tây, ông Phương ra Hà Nội. Nhìn cảnh Cẩm Nhi cùng anh chàng Lâm đi ăn sáng, đi cà phê tối với nhau, ông Phương biết tỏng mối quan hệ của hai người. Nhưng ông không ghen tức, vì món đặc sản Cẩm Nhi ông cũng đã ăn chán chê rồi. Vả lại mối quan hệ của ông với Cẩm Nhi là góp gạo thổi cơm chung chứ chẳng có gì ràng buộc cả. Lại nữa, ông thua đứt anh chàng Lâm ở tuổi trẻ và sự đẹp trai. Nhưng ông hơn Lâm ở chỗ nhiều tiền và có nhiều tiền thì ông không lo phải ngủ một mình. Không có Cẩm Nhi, ông còn có khối chỗ khác.

Cuộc tình của Cẩm Nhi và Lâm không kéo dài được bao lâu. Các chàng trai thường cả thèm chóng chán. Vả lại Lâm cũng phải cưới vợ chứ không thể bám gấu váy của một bà nạ dòng mãi được. Nhưng việc Lâm lấy vợ đối với Cẩm Nhi chỉ là một nỗi buồn thoáng qua, vì bà giám đốc đã biết trước kết cục này. Nhan sắc không được bảo hành. Công nghệ thẩm mỹ có thể làm tan các nếp nhăn. Các loại kem dưỡng da có thể làm cho da mặt của phụ nữ trắng mịn như da trẻ con. Nhưng công nghệ thẩm mỹ không thể lấy lại cho người ta ánh mắt nhìn trẻ trung tuổi thanh xuân, cũng không thể phục hồi được độ rắn chắc của cơ bắp. Nếu như trước đây Cẩm Nhi có một thân hình đầy năng lượng thì bây giờ thân hình đó bắt đầu xuất hiện những nét lụi tàn. Bà giám đốc trông vẫn quý phái nhưng không còn nhiều sức hút nữa. Đỉnh cao về dung nhan của Cẩm Nhi đã qua rồi và bây giờ bà giám đốc đang ở bên kia dốc.

Bỗng các em ở quê gọi điện báo tin mẹ Cẩm Nhi phải vào viện điều trị bệnh ho. Lập tức Cẩm Nhi chạy về bệnh viện tỉnh để chăm mẹ. Cẩm Nhi muốn đưa mẹ ra Hà Nội điều trị. Điều kiện chữa bệnh ở Hà Nội tốt hơn. Nhưng mẹ Cẩm Nhi không đồng ý. “Mẹ không sống được bao lâu nữa đâu. Con cứ để mẹ được chết ở quê cho gần tổ tiên”, bà nói như vậy. Và cái chết đang đến với bà rất gần. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở. Nếu thở ra mà không hít vào nữa là chết. Nhịp thở ra của mẹ Cẩm Nhi ngày một tăng lên. Và bà đã nhắm mắt sau 20 ngày nằm viện. Vuốt mắt cho mẹ mà lòng Cẩm Nhi thấy quặn thắt. Cẩm Nhi đã lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Giờ đây cô bé Cẩm Nhi ngày xưa đã thành bà giám đốc nổi tiếng về nhan sắc và sung túc về tài chính. Nhưng Cẩm Nhi thấy mình có lỗi với mẹ nhiều quá, mải ganh đua, mải làm giàu mà không quan tâm chăm sóc mẹ được đầy đủ theo phận sự một người con.

Sau cái tang của mẹ, Cẩm Nhi bỗng thấy mình yếu hơn. Đêm thấy khó ngủ và một lần bị rong huyết. Không đúng kinh kỳ mà vẫn có kinh. Cẩm Nhi đi khám. Bác sĩ kê đơn mấy loại kháng sinh. Cẩm Nhi uống thuốc và tình hình trở lại bình thường. Nhưng ít lâu sau, Cẩm Nhi lại bị rong kinh. Lần này thì bác sĩ không khám qua quýt nữa mà chiếu chụp và làm các xét nghiệm cẩn thận. Và kết luận của bác sĩ khiến Cẩm Nhi choáng váng. “Bà bị ung thư cổ tử cung”, bác sĩ nói như vậy.