Chiều 17/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4 của TP.Hà Nội tiếp xúc với cử tri Q.Hoàng Mai và H.Gia Lâm.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã cùng đề cập đến vấn đề tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng, lộ lọt dữ liệu cá nhân…, khiến đông đảo người dân lo lắng, bất an, mất tài sản trong thời gian qua. Các cử tri kỳ vọng dự thảo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ sớm được Quốc hội thông qua để bảo vệ người dân trước hoạt động của tội phạm công nghệ cao.

Giải đáp các kiến nghị của cử tri, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết tình hình tội phạm sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Họ lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, lợi dụng địa bàn ở nước ngoài như Campuchia, Trung Quốc…, nhắm vào những bị hại ở Việt Nam.

Ông Tùng dẫn chứng năm 2024, Công an TP Hà Nội đã phá 2 vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Vụ thứ nhất liên quan đến Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ cầm đầu. Vụ này cơ quan công an đã bắt giữ, khởi tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tố giác tội phạm và rửa tiền với 33 bị can, truy nã quốc tế 5 bị can, thu giữ tài sản lên đến 5.300 tỉ đồng.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết liên quan đến vụ án này, ở Cầu Giấy có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia và “những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”, phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia.

Vụ thứ hai do Đỗ Huy Hoàng (quận Nam Từ Liêm) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn dụ dỗ người dân chuyển tiền để đầu tư tiền ảo, tổng giá trị các tài sản thu giữ (gồm xe ô tô, bất động sản) khoảng 500 tỉ đồng, và công an phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng phong tỏa số tiền 22 tỉ đồng.

Tham gia đường dây lừa đảo của Mr.Pips: Pháp luật không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

TS.LS Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

Vì lòng tham và thiếu kỹ năng sống

TS.LS Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, đánh giá đây là một thông tin khá sốc đối với nhiều người, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh và những người làm công tác giảng dạy. 

Theo luật sư Cường, thời gian qua tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến rất phức tạp, lợi dụng những khoảng trống pháp lý về tiền ảo, về đầu tư tài chính, về quá trình chuyển đổi số, thay đổi các hoạt động của các tổ chức cá nhân trên không gian mạng và lợi dụng lòng tham, thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều người, đặc biệt là của những người trẻ.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lôi kéo được rất nhiều những người trẻ tham gia thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc trở thành nạn nhân bị lợi dụng, bị chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Cường, ở vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam chủ mưu là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng thường xuyên quảng cáo giới thiệu về cách kiếm tiền dễ dàng qua các hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, các sàn chứng khoán quốc tế để lôi kéo nhiều người tham gia giúp sức cũng như trở thành nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài những người nhẹ dạ cả tin bị đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng không ít những người trẻ, trong đó học sinh, sinh viên đã tham gia vào đường dây này.

Vì thiếu hiểu biết pháp luật, ý thức coi thường pháp luật, vì lòng tham và thiếu kỹ năng sống nên các em đã trở thành tay chân, giúp sức cho đối tượng này thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định pháp luật, đồng phạm là có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm. Tội lừa đảo là bằng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong đồng phạm có thể có người tổ chức, người thực hành, người giúp sức và người xúi giục, tất cả những người này cũng có ý chí thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Bởi vậy, trong quá trình điều tra vụ án lừa đảo do Phó Đức Nam tổ chức thực hiện, cơ quan điều tra sẽ tiến hành phân loại những người tham gia vào các hoạt động do đối tượng này vẽ ra. Trong đó,  sẽ có người là bị hại, người là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và cũng có thể có người sẽ là đồng phạm giúp sức cho các đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra vụ án này, nếu kết quả điều tra cho thấy đã có những người biết phương thức thủ đoạn này là gian dối, mục đích để chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng vì lòng tham, ý thức coi thường pháp luật hoặc vì nhận thức không đầy đủ mà vẫn giúp sức cho đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kết nối với bị hại, đưa ra thông tin gian dối để bị hại chuyển tiền hoặc hỗ trợ về mặt kĩ thuật, công nghệ để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ được xác định là đồng phạm giúp sức và cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự.

Theo quy định tại điều 12 của bộ luật hình sự thì người từ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy với học sinh, sinh viên mà từ đủ 16 tuổi trở lên phải có hành vi giúp sức cho đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam cầm đầu để chiếm đoạt tài sản của người bị hại từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Tham gia đường dây lừa đảo của Mr.Pips: Pháp luật không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với học sinh, sinh viên - Ảnh 2.

Hình ảnh Phó Đức Nam (Mr.Pips)

Xác định hành vi giúp sức cho các đối tượng lừa đảo

Luật sư cho biết, pháp luật cũng không bắt buộc người phạm tội phải thừa nhận mình có tội, không bắt buộc bị can, bị cáo, người bị buộc tội phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình.Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chứng minh tội phạm.

Bởi vậy, quá trình điều tra vụ án, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đã có các học sinh, sinh viên, những người trẻ có liên quan tới đường dây lừa đảo này, tham gia vào đường dây này nhưng không được xác định là người bị hại, những thông tin cho thấy những người này có thể tiếp cận được những thông tin cho thấy đây là đường dây lừa đảo, bắt buộc phải biết đây là thủ đoạn gian dối thông qua những thông tin, dữ liệu điện tử mà những người này tiếp cận được nhưng vẫn tiếp tay giúp sức cho đường dây lừa đảo này chiếm đoạt tiền của người bị hại thì đó sẽ được xác định là đồng phạm và sẽ bị xử lý cùng về một tội danh là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ, những thông tin dữ liệu mà những người có tham gia vào đường dây này biết rõ là không có thật.

Nếu nạn nhân tin vào điều đó để chuyển tiền thì sẽ mất tiền mà vẫn chuyển tải thông tin cho nạn nhân để nạn nhân mất tiền và những người này được chia một phần lợi ích, thì đây là hành vi giúp sức cho các đối tượng lừa đảo.

Người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm, khung hình phạt cũng có thể ở mức cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu tài sản chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên.

Tương lai sự nghiệp của những người này trở nên mờ mịt

Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho biết thêm, pháp luật không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với học sinh, sinh viên. Bởi vậy bất kỳ người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi giúp sức, xúi giục cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng đều bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm theo điều 174 bộ luật hình sự.

"Một vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có đến 1000 học sinh sinh viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự do giúp sức cho các đối tượng lừa đảo thì đó là một câu chuyện rất đáng buồn, đáng lo ngại bởi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các bạn trẻ.

Có lẽ trong số này nhiều bạn trẻ có ý  thức coi thường pháp luật, không cần biết đúng sai, miễn là có lợi nhuận nên đã sa vào vòng lao lý.

Có thể trong số đó sẽ có bạn trẻ nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cho rằng các hoạt động trên không gian mạng là ẩn danh nên có thể che giấu được thông tin, trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật nên đã thực hiện hành vi phạm tội".

Ngoài ra, cũng có những trường hợp vì thiếu hiểu biết pháp luật, không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật trong khi pháp luật bắt buộc phải nhận thức được hành vi như vậy là vi phạm.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp là do lòng tham, vì lợi nhuận phải được ăn chia mà sẵn sàng thực hiện bất kỳ yêu cầu, mệnh lệnh nào của các đối tượng trong đường dây để có được lợi ích.

Dù là nguyên nhân nào chăng nữa, do thiếu hiểu biết pháp luật, do coi thường pháp luật, do thiếu kỹ năng sống, do lòng tham hoặc vì một lý do khác thì hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc giúp sức cho các đối tượng gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu giúp sức cho đường dây lừa đảo này thì việc bị xử lý hình sự là không tránh khỏi, mặc dù những người này trước đó có thể cũng bị mất tiền.

Một điều đáng buồn là số lượng học sinh sinh viên vi phạm pháp luật trong một vụ án đến 1000 người, tương lai sự nghiệp của những người này trở nên mờ mịt, đánh mất cơ hội học tập và rất khó để tiếp tục xây dựng được ước mơ của mình.

Mặc dù pháp luật quy định về khoan hồng đối với những người chưa đủ 18 tuổi, theo đó những người này sẽ phải chấp hành hình phạt tù không quá 18 năm tù. Tuy nhiên đối với các sinh viên là những người đã đủ 18 tuổi rồi thì mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và gần như không còn cơ hội để tiếp tục học tập nếu bị xử phạt tù.

Bởi vậy, quá trình điều tra vụ án này cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ hành vi, vai trò, nhận thức, vấn đề hưởng lợi để có sự phân hóa phân loại, xác định các học sinh sinh viên này là người bị hại, người liên quan hay là bị can giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp các học sinh sinh viên là người phạm tội, vi phạm pháp luật thì cũng cần phải làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm rõ mức độ nhận thức, vai trò, hành vi, hậu quả để phân hóa phân loại, có chế tài phù hợp đối với từng trường hợp.

Vụ án này sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh đến các bạn trẻ về các hoạt động đầu tư tài chính, các công việc làm thêm trên không gian mạng.

Các đơn vị quản lý các em, các nhà trường cũng cần coi đó là bài học trong quản lý, giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống để cho học sinh, sinh viên nhận diện được các phương thức thủ đoạn lừa đảo, biết điểm dừng trong các mối quan hệ trên không gian mạng, có ý thức tuân thủ pháp luật để tránh tiếp tay giúp sức cho các đối tượng lừa đảo và bản thân rơi vào vòng lao lý, phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc.