2018 quả là một năm đầy thảm họa đối với người dân tại Indonesia. Núi lửa, động đất, sóng thần - thiên tai đã liên tục xảy ra kể từ đầu năm, gây ra rất nhiều thiệt hại cả về người lẫn vật chất.
Và mới đây vào ngày 22/12, rạng sáng 23/12, sóng thần lại một lần nữa ập tới "Xứ sở vạn đảo", mà cụ thể là vào eo biển Sudan, khiến ít nhất 222 người đã thiệt mạng và 843 người bị thương.
Cả thế giới giờ đây đang hướng về Indonesia, về những nạn nhân phải chịu thảm họa quá khủng khiếp. Nhưng đồng thời, tần suất thảm họa xảy ra quá nhiều cũng khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: tại sao lại là Indonesia?
Đất nước chắc chắn sẽ có động đất, vấn đề là khi nào
Đó chính xác là những gì đang diễn ra ở Indonesia. Với quốc gia này, động đất là thứ chắc chắn sẽ tới, và lý do nằm ở vị trí địa lý của nó.
Indonesia nằm ngay trên Vành đai Lửa (Ring of Fire) - một vành đai gồm núi lửa đang hoạt động và các đường nứt gãy của 3 mảng kiến tạo địa chất thuộc Thái Bình Dương. Vành đai này có hình dạng giống một cái móng ngựa, trải dài tới 40.000km, và là nơi gây ra nhiều cơn địa chấn bậc nhất thế giới.
Các mảng kiến tạo va chạm, ma sát và lực sinh ra sẽ tạo thành năng lượng tích tụ. Khi năng lượng ấy đủ lớn, động đất sẽ xảy ra.
"Năng lượng có thể được tích lũy trong hàng chục ngàn năm, nhưng khi giải phóng chỉ mất vài giây," - trích lời Hongfeng Yang, chuyên gia địa chất tại ĐH Hong Kong, Trung Quốc.
Trên thực tế thì mỗi năm, các hoạt động địa chất gây ra tới hàng triệu rung động, nhưng chỉ có khoảng 100.000 được xem là động đất vì có thể cảm nhận được, và chỉ có khoảng 1000 trận thực sự gây ra nguy hiểm. Tuy nhiên, Vành đai lửa lại là nơi gây ra đa số những rung động nguy hiểm, trong đó mạnh nhất là khu vực kéo dài từ Nhật Bản đến Indonesia.
Đây cũng chính là lý do vì sao mà cùng với Indonesia, Nhật Bản cũng là đất nước thường xuyên phải hứng chịu động đất và sóng thần, với tần suất hàng đầu thế giới.
Liệu có thể dự đoán được động đất trên Vành đai lửa?
Hiện tại thì rất tiếc là vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể đảm bảo dự đoán chính xác động đất tại khu vực này. Rất khó để biết động đất sẽ xảy ra ở đâu, vào lúc nào, và độ lớn của nó nữa.
Trên thực tế, khoa học có thể theo dõi các rung động địa chấn trong lòng đất. Nhưng như đã nêu, năng lượng gây ra động đất có thể bị giải phóng chỉ trong vài giây, nên có muốn thông báo cũng không thể.
Để dự đoán được động đất, khoa học cần tìm ra tín hiệu địa chấn đủ rõ ràng và có thời gian trễ đủ lâu để cảnh báo. Tuy nhiên bất chấp rất nhiều nỗ lực, không có tín hiệu nào thực sự đáng tin cậy. Đến nỗi, khoa học còn đang nghi ngờ về sự tồn tại của tín hiệu này.
Tham khảo: CNN, Tokyo News...