Hãng Reuters hôm 29-9 đưa tin Cơ quan địa vật lý Indonesia (BMKG) đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần 34 phút sau khi công bố trận động đất gây sóng thần lớn ở bờ biển Đông Bắc đảo Sulawesi, cướp đi sinh mạng hàng trăm người và hàng ngàn nạn nhân mất nhà cửa.
Trận động đất 7,5 độ Richer và theo sau đó là sóng thần đã tấn công TP Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500 km vào chiều tối 28-9, khiến ít nhất 420 người thiệt mạng tính tới sáng 30-9. Giới chức cảnh báo số người thiệt mạng có thể còn tăng.
Các nạn nhân trong vụ động đất - sóng thần đợi sơ tán tại sân bay ở Palu. Ảnh: Reuters
Tan hoang sau trận động đất - sóng thần. Ảnh: Reuters
Một cây cầu ở Palu bị phá hủy trong trận động đất - sóng thần. Ảnh: Reuters
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy một khu vực bị sóng thần tàn phá nặng nề. Ảnh: Reuters
Khi hàng trăm người đang tập trung tham dự một lễ hội trên bờ biển Palu hôm 28-9 thì những đợt sóng cao tới 6m tấn công khu vực ven biển, khiến nhiều người thiệt mạng.
BMKG đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội 29-9, khi nhiều người đặt câu hỏi liệu cảnh báo sóng thần có bị dỡ bỏ quá sớm.
Cơ quan này khẳng định đã tuân thủ đúng các quy định và dỡ bỏ cảnh báo sóng thần dựa trên các dữ liệu thu được từ cảm biến thủy triều gần nhất, nằm cách Palu khoảng 200km.
"Chúng tôi không có các dữ liệu quan sát tại Palu. Vì vậy, chúng tôi phải sử dụng dữ liệu sẵn có và dỡ bỏ cảnh báo dựa trên nó" - ông Rahmat Triyono, người đứng đầu Trung tâm sóng thần và động đất thuộc BMKG, cho biết.
Cũng theo lời vị quan chức này, thiết bị theo dõi thủy triều gần nhất, chuyên đo những thay đổi trong mực nước biển, chỉ đo được sóng cao 6 cm và không phát hiện những con sóng lớn gần Palu.
"Nếu chúng tôi có thiết bị đo thủy triều hoặc dữ liệu phù hợp tại Palu thì chắc chắn mọi chuyện khác rồi. Đây là điều chúng tôi phải tính tới cho tương lai" - ông Triyono nói.
Hiện chưa rõ chính xác sóng thần xảy ra trước hay sau khi BMKG dỡ bỏ cảnh báo. Giới chức nói rằng sóng thần tấn công Palu và khu vực lân cận với tốc độ rất cao - lên tới hàng trăm km/giờ.
"Dựa trên những video lan truyền trên mạng xã hội, chúng tôi ước tính sóng thần đã xảy ra trước khi cảnh báo chính thức dỡ bỏ" - ông Triyono cho hay.
Hàng ngàn nạn nhân mất nhà cửa. Ảnh: Reuters
Indonesia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương và thường xuyên bị động đất tấn công. Thảm họa khủng khiếp nhất xảy ra vào năm 2004, khi trận động đất mạnh 9,5 độ gây sóng thần mạnh, khiến khoảng 226.000 người thiệt mạng dọc các bờ biển ở Ấn Độ Dương, trong đó có hơn 126.000 người tại Indonesia.
Thành phố Palu nằm ở cửa ngõ một vịnh hẹp của đảo Sulawesi với dân số khoảng 380.000 người. Thành phố này từng 2 lần bị sóng thần tấn công, vào năm 1927 và 1968.