Ít nhất 162 người đã thiệt mạng trong một vụ lở đất tại mỏ ngọc bích ở miền Bắc Myanmar ngày 2/7. Đây được coi là sự cố tồi tệ nhất trong một loạt thảm họa gây chết người tại các mỏ khai thác dạng này trong những năm gần đây.

Theo Sở Cứu hỏa Myanmar, nơi điều phối các cuộc giải cứu và những dịch vụ khẩn cấp khác, khoảng 12 giờ sau vụ sập mỏ ngọc bích trong buổi sáng 2/7, 162 thi thể đã được tìm thấy trong vụ lở đất ở Hpakant, trung tâm khai thác ngọc lớn nhất và sinh lợi nhất thế giới.

 - Ảnh 1.

162 thi thể đã được tìm thấy. (Ảnh: AP)

"Các thợ mỏ khai thác ngọc đã bị vùi lấp bởi một cơn sóng bùn", nhân viên Sở Cứu hỏa Myanmar cho biết.

54 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Hiện có nhiều lo ngại rằng còn có một số lượng người chưa xác định đang bị mất tích trong sự cố này.

Chiến dịch cứu hộ với sự tham gia của lực lượng quân đội, các đơn vị Chính phủ và tình nguyện viên địa phương đã phải tạm dừng khi trời tối.

 - Ảnh 2.

Công tác cứu hộ đang diễn ra khẩn trương. (Ảnh: AP)

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước những người thiệt mạng và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, Chính phủ và nhân dân Myanmar.

Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhắc lại "sự sẵn sàng của Liên Hợp Quốc trong việc đóng góp cho những nỗ lực liên tục để giải quyết nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng".

 - Ảnh 3.

Các thợ mỏ khai thác ngọc đã bị vùi lấp bởi một cơn sóng bùn. (Ảnh: AP)

Tổ chức Giám sát môi trường toàn cầu có trụ sở tại London, Anh cho biết, thảm họa trên là một lời cảnh tỉnh về sự thất bại của Chính phủ Myanmar trong việc kiềm chế các hoạt động khai thác nguy hiểm ở những mỏ ngọc bích tại bang Kachin.

Theo ước tính chi tiết nhất, ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar giúp thu về khoảng 42 tỷ USD vào năm 2014. Hpakant là một thị trấn xa xôi, hẻo lánh ở bang Kachin, cách thành phố lớn nhất của Myanmar 950km về phía Bắc.

 - Ảnh 4.

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập mỏ được dự đoán sẽ còn tăng lên. (Ảnh: AP)

Công nhân khai thác tại các mỏ ngọc bích của Myanmar thường phải làm việc bên cạnh các đống đất đá được đào lên và chất đống bằng máy xúc, vốn có cấu trúc không ổn định trong mùa mưa.

Người làm việc trong ngành này chủ yếu là lao động nhập cư từ các khu vực khác, khiến công tác quản lý cũng như việc xác định chính xác số nạn nhân gặp nhiều khó khăn.