Thảm kịch bóng đá ở Indonesia: Cảnh sát vi phạm quy định FIFA? - Ảnh 1.

Người hâm mộ câu lạc bộ Arema FC tràn xuống sân sau khi đội này thua đội Persebaya - Ảnh: Reuters

Thất vọng với trận thua của đội bóng yêu thích, hàng nghìn người ủng hộ CLB Arema FC, còn được gọi là "Aremania" ở tỉnh Đông Java, đã phản ứng bằng cách ném chai lọ và các đồ vật khác vào các cầu thủ, quan chức bóng đá.

Đây là một ngày đen tối cho tất cả những người làm bóng đá và là một bi kịch không thể hiểu nổi.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino

Đám đông sau đó trèo qua khán đài, tràn xuống sân cỏ Kanjuruhan và yêu cầu ban lãnh đạo Arema giải thích lý do tại sao sau 23 năm bất bại trên sân nhà trước đối thủ Persebaya thì trận đấu này lại kết thúc với kết quả thua 2-3.

Cảnh sát chống bạo động nhanh chóng được triển khai sau đó với gậy và hơi cay. Thảm kịch xảy ra khi đám đông hỗn loạn giẫm đạp nhau chạy tìm lối ra sau khi bị cảnh sát bắn hơi cay.

Trong hỗn loạn, 34 người chết tại sân vận động bao gồm hai sĩ quan và cả trẻ em lẫn phụ nữ - những người cố chen ra ngoài để tránh hơi cay. Bạo lực cũng lan ra bên ngoài sân vận động, nơi ít nhất năm xe cảnh sát bị lật và đốt cháy.

Sự chú ý ngay lập tức tập trung vào việc cảnh sát sử dụng hơi cay - thứ bị Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) cấm tại các sân vận động bóng đá.

Trong tuyên bố đăng trên trang web của FIFA ngày 2-10, người đứng đầu tổ chức này gọi đây là "một ngày đen tối" và gửi lời chia buồn đến các nạn nhân nhưng không nhắc đến việc cảnh sát sử dụng hơi cay.

Theo quy định của FIFA, cảnh sát hoặc đội ngũ an ninh không được sử dụng vũ khí hoặc các loại khí kiểm soát đám đông tại các trận đấu bóng đá.

"Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn trước khi bắn hơi cay. Lúc đó, các cổ động viên bắt đầu tấn công cảnh sát, có các hành động vô chính phủ và đốt cháy phương tiện", Cảnh sát trưởng tỉnh Đông Java Nico Afinta thanh minh trong cuộc họp báo ngày 2-10.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD cho biết sân vận động Kanjuruhan đã vượt quá sức chứa thiết kế vào thời điểm xảy ra vụ việc. Tổng cộng 42.000 vé đã được bán ra, trong khi sân vận động Kanjuruhan chỉ có sức chứa 38.000 người.

Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã đình chỉ vô thời hạn Giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia và cấm Arema tổ chức các trận đấu trong phần còn lại của mùa giải.

Trong thông điệp phát sóng trực tiếp trên truyền hình ngày 2-10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu điều tra vụ việc cũng như rà soát công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các sân vận động để thảm kịch không bao giờ xảy ra lần nữa.

"Tôi hy vọng đây là thảm kịch bóng đá cuối cùng ở đất nước này. Đừng để một thảm kịch nhân đạo nào khác như thế này xảy ra trong tương lai", ông Widodo nhấn mạnh.

Nguy cơ bị tước quyền đăng cai U20 World Cup 2023

Sau vụ bạo loạn, Indonesia đang đứng trước nguy cơ bị FIFA tước quyền đăng cai U20 World Cup 2023.

Vụ bạo loạn này đã thực sự tạo nên cú sốc lớn cho làng bóng đá thế giới, và Tổng thư ký PSSI Yunus Nusi xác nhận FIFA đã yêu cầu PSSI báo cáo về sự việc.

Báo chí xứ vạn đảo tỏ ra lo ngại việc FIFA sẽ áp lệnh trừng phạt nặng với bóng đá Indonesia. Cuộc điều tra thảm họa vẫn đang tiếp diễn với nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh nhưng truyền thông Indonesia cho biết việc cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông cổ động viên trong sân là đã vi phạm nghiêm trọng "quy định an toàn và an ninh ở sân vận động" của FIFA.

Thế nên, nếu Indonesia bị FIFA tước quyền đăng cai U20 World Cup 2023 cũng không quá ngạc nhiên sau vụ bạo loạn này. Dự kiến U20 World Cup 2023 sẽ được tổ chức trên sáu SVĐ trải khắp sáu thành phố của Indonesia từ tháng 5 đến tháng 6-2023, với sự tham dự của 24 đội tuyển U20 hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, tuyển Indonesia cũng đối mặt với nguy cơ không được tham dự các giải lớn vào năm sau mà trong đó có Asian Cup 2023.