Xỏ khuyên có thể là văn hóa, có thể là chạy theo trào lưu hay bất kỳ quan điểm nào. Tuy nhiên, việc xỏ khuyên cũng cần đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Từ lâu việc đeo khuyên đã trở thành một phần trong nền văn hóa của nhiều dân tộc ở nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới. Đeo khuyên có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Đó có thể là văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… hay đơn giản đó chỉ là nhu cầu làm đẹp. Cùng với sự phát triển và giao thoa của các nền văn hóa, ở nước ta xỏ khuyên đã không còn là đặc quyền của giới tính, độ tuổi hay đối tượng nào. Vị trí xỏ khuyên cũng đa dạng về vị trí, hình thức cũng như mục đích.

Thẩm mỹ và an toàn khi xỏ khuyên - Ảnh 1.

Xỏ khuyên và đeo khuyên là một phần không thể thiếu trong nhiều nền văn hóa

Nguy cơ nhiễm trùng

Về mặt y tế, việc xỏ khuyên thông thường sẽ không quá phức tạp và hầu hết đều an toàn. Xỏ khuyên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, để lại sẹo xấu sau khi xỏ. Người xỏ cũng như người thực hiện thao tác xỏ khuyên cũng cần cần tuân thủ một số yếu tố như vô trùng của dụng cụ, những vị trí nguy hiểm cần tránh.

Xỏ khuyên ngày nay đã mở rộng ra nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể nhưng phổ biến nhất vẫn là vị trí khuyên tai. Việc xỏ khuyên tai cũng tồn tại nhiều nguy cơ nếu không được thực hiện và chăm sóc đúng cách.

Cơ thể con người thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh khác nhau, ngay trên bề mặt da cũng đã tồn tại một hệ sinh thái nguyên sinh vô cùng phong phú. Ở những người khỏe mạnh, nhờ các cơ chế tự bảo vệ của da và niêm mạc (tiêu hóa, hô hấp…) mà chúng ta tránh được sự tấn công của những mầm bệnh này.

Khi hàng rào bảo vệ này bị phá vỡ (do rách, đứt, đâm thủng…) sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Do đó, nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ hàng đầu khi thực hiện xỏ khuyên. Một số bộ phận xỏ khuyên như miệng, lưỡi còn tồn tại nguy cơ nhiễm trùng cao hơn khi mức độ tiếp xúc với các chủng vi khuẩn gây hại là vô cùng lớn. Vết thương tạo ra trong quá trình xỏ khuyên có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn vào máu hay các cơ quan khác, gây viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm trùng toàn thân.

Một số người sử dụng các loại vật sắc nhọn như kim khâu, gai bưởi, gai chanh… để xỏ khuyên cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với viêc thực hiện xỏ khuyên theo đúng chuyên môn, kỹ thuật. Vấn đề vệ sinh sau xỏ khuyên cũng cần được chú trọng để đảm bảo tránh nhiễm trùng, hạn chế viêm nhiễm, giúp mau lành sẹo và tránh để lại sẹo xấu.

Thẩm mỹ và an toàn khi xỏ khuyên - Ảnh 2.

Truyền bệnh qua đường máu

Hầu hết những dụng cụ gây chảy máu như kim tiêm y khoa, dụng cụ xăm hình, xỏ khuyên… đều có nguy cơ truyền nhiễm các bệnh lý qua đường máu. Việc thực hiện xỏ khuyên bởi các dụng cụ không được đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về vô trùng có thể tiềm ẩn nguy cơ cao làm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C… thậm chí là HIV đối với người được xỏ khuyên.

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ

Mọi vị trí trên cơ thể đều có thể tồn tại những nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xỏ khuyên, nhất là khi việc xỏ khuyên không được thực hiện đúng quy trình. Những trường hợp sau đây không nên xỏ khuyên:

- Người có tiền căn sẹo xấu, cơ địa dị ứng da, có các bệnh lý gây chảy máu, chậm lành thương.

- Vùng xỏ khuyên đang bị viêm da hoặc nhiễm trùng.

Để đảm bảo việc xỏ khuyên an toàn và đẹp, cần chú ý các điều sau:

Xỏ khuyên ở cơ sở làm đẹp an toàn, được thực hiện bởi nhân viên y tế đã đào tạo

Chú ý các triệu chứng tại chỗ sau khi xỏ như sưng, đỏ, đau,chảy dịch, sẹo xấu. Nên thăm khám bác sĩ ngay khi có các vấn đề trên.

- Chăm sóc tại chỗ đúng cách: Giữ khô sạch vùng xỏ, hạn chế dính nước.

- Chọn loại khuyên đeo phù hợp (vật liệu, hình dạng), nếu có phản ứng tại chỗ (đỏ, đau, sưng,..) cần tháo khuyên ngay và tìm gặp bác sĩ sớm.

- Không nên đeo khuyên thường xuyên, đặc biệt là các loại khuyên kim loại nặng, có kích thước lớn để tránh tình trạng rộng lỗ khuyên tai.

Sau khi xỏ khuyên, khách hàng cần gặp bác sĩ để thăm khám khi vùng xỏ có các dấu hiệu bất thường sau:

- Viêm nhiễm vùng xỏ khuyên: sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch…

- Xuất hiện sẹo lồi.

- Rộng, rách lỗ khuyên sau khi đeo các loại khuyên từ vật liệu nặng trong thời gian dài.

“TAI SÚP LƠ”- BIẾN CHỨNG TỪ BẤM KHUYÊN TAI

Các chuyên gia cho biết, bệnh sẹo lồi ở tai hay còn gọi là “tai súp lơ” đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp ở những người bấm khuyên tai hay gặp chấn thương ở tai và các nguyên nhân gây nhiễm trùng… Các bác sĩ khuyến cáo dù bấm khuyên tai khá đơn giản, cũng cần lựa chọn cơ sở đảm bảo yếu tố vô trùng, tránh nguy cơ gây sẹo lồi cũng như nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh khác.

Nhiều bệnh nhân tự bấm khuyên tai để đeo khuyên cho đẹp và gặp phải tình trạng “tai súp lơ”, gây nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây đau đớn, khó chịu; dù sau đó đã không còn đeo khuyên tai nữa.

BS.CKI. NGUYỄN THÁI THÙY DƯƠNG