Nói về hiện tượng Kumanthong, Thạc sĩ Dương Hoàng Hải Bình - chuyên gia nghiên cứu văn hóa, tôn giáo và văn hóa tâm linh - khẳng định búp bê Kumanthong chẳng đem lại lợi ích gì cho người sở hữu vì số tiền họ bỏ ra nhiều nhưng kết quả không như mong muốn.

Thần bí hóa Kumanthong

Cũng theo Thạc sĩ Dương Hoàng Hải Bình, con người vốn có tâm hồn, tư tưởng và tâm linh. Tâm linh trước hết là niềm tin linh thiêng của con người vào thế giới vũ trụ đầy bí ẩn và đời sống xã hội với những ước vọng cao xa. 

Đời sống tâm linh của con người, trong đó văn hóa tâm linh, vốn là một yếu tố tích cực, một nét văn hóa đặc sắc có ý nghĩa nhân văn. Đời sống văn hóa tâm linh của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và mỗi thời kỳ sẽ khác nhau do quan niệm, ý niệm tâm linh thường xuất phát từ thế giới thần linh mà họ ngưỡng vọng.

Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong (*): Giải mã hiện tượng Kumanthong - Ảnh 1.

Số búp bê nghi Kumanthong thu giữ tại nơi ở của Thái Thị Yến Nhi. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Hơn nữa, một trong những cơ chế của văn hóa tâm linh là khác biệt về cơ tầng văn hóa tạo nên tính linh thiêng do sự xa lạ của nó. Nếu quá quen thuộc và gần gũi thì tính thiêng của văn hóa tâm linh sẽ bị giảm bớt giá trị.

Đáng nói là bên cạnh tính tích cực của đời sống văn hóa tâm linh đã có những biểu hiện tiêu cực, mê tín, "thần bí hóa" khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu, phi thường, coi đó là sự cứu rỗi.

Quay về hiện tượng Kumanthong, Thạc sĩ Dương Hoàng Hải Bình cho rằng theo các tu sĩ Phật giáo Thái Lan, ban đầu búp bê Kumanthong được tạo ra với mục đích giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Con búp bê sẽ là nơi trú ngụ linh hồn của đứa trẻ bị chết, được đặt ở trong nhà và được chăm sóc như một đứa trẻ, được nghe kinh Phật để tạo nghiệp lành, xóa bỏ nghiệp dữ trong quá khứ, giúp chúng được tái sinh vào nơi tốt hơn.

Tuy nhiên, về sau các pháp sư, đạo sĩ đã sử dụng thai nhi sấy khô tạo ra búp bê Kumanthong nhằm làm tăng giá trị cũng như tính thần bí của loại búp bê này. Hiện pháp luật Thái Lan nghiêm cấm việc chế tạo và sử dụng búp bê Kumanthong nhưng những đồn thổi về quyền năng siêu phàm khiến cho nó luôn đắt giá.

"Ai cũng mong muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bớt đi xui xẻo trong khi trong cuộc sống không ai biết trước được rủi ro và cũng không thể kiểm soát hết được rủi ro. Nhiều người đã lợi dụng việc này khoác lên búp bê Kumanthong năng lực siêu phàm, cầu gì được nấy, tự khoe về chính sự may mắn, tốt đẹp của bản thân làm bằng chứng để quảng cáo nhằm lừa đảo khách hàng và trục lợi. Kết quả có thật sự như người bán nói hay không thì không được kiểm chứng nhưng rõ ràng thiệt hại vẫn là ở người mua và nuôi Kumanthong" - thạc sĩ Dương Hoàng Hải Bình nói.

Người mua thiệt đơn, thiệt kép

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân, Trung tâm Truyền thông - Tư vấn - Đào tạo ý tưởng Việt, cho biết loại búp bê Kumanthong được bán trên thị trường hiện nay là Lukthep, tức búp bê thần. Đây là một hình thức mê tín dị đoan, chính nhiều người Thái cũng không tin vào Kumanthong.

"Khi gặp khó khăn, con người có xu hướng đặt niềm tin vào một thế lực siêu nhiên, mong muốn được đồng cảm và được giúp đỡ vượt qua khó khăn, nghịch cảnh. Đáng lo là hiện rất nhiều bạn trẻ đắm mình vào việc nuôi Kumanthong. 

Trên mạng xã hội Facebook đã có hàng trăm hội, nhóm với số lượng thành viên từ hàng ngàn tới hàng chục ngàn người hằng ngày chia sẻ cách chăm sóc Kumanthong. Không ít kẻ xấu lợi dụng niềm tin tâm linh của nhiều người để trục lợi, kinh doanh Kumanthong cùng nhiều loại bùa chú, gieo rắc những tư tưởng tiêu cực. Sống ảo với các loại bùa chú, nhiều người rơi vào trầm cảm, ảo giác, thậm chí những trò lừa ma mị có thể khiến bạn trẻ phải trả giá bằng tính mạng" - thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân cảnh báo.

Ở góc độ Phật giáo, Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ) cho rằng cần xóa bỏ nhận thức sai lệch là Kumanthong xuất phát từ Phật giáo ở Thái Lan bởi Kumanthong xuất phát từ niềm tin mê tín trong dân gian Thái Lan chứ không phải Phật giáo.

"Có thể có nhà sư nào đó làm không đúng lời Phật dạy, xúi giục người ta tin vào Kumanthong. Thế nhưng thực tế, niềm tin vào Kumanthong mang lại bình an, hạnh phúc là hoàn toàn không đúng. Khi người ta mô phỏng những thứ không đúng sự thật vào trong sản phẩm thì mục đích chính là để mua bán. 

Những người tham gia vào "công nghệ" mê tín này được hưởng lợi ích về kinh tế, trên các trang web bán hàng ở Mỹ và châu Âu thì sản phẩm Kumanthong có giá từ 30 - 100 USD với hình thù đa dạng. 

Trong khi đó, người mua thì thiệt đơn thiệt kép, tiền mất tật mang. Do đó, không nên bỏ tiền ra để tin vào trò vô bổ Kumanthong đem lại tài lộc, bình an. Sự tốt lành sẽ đến bằng suy nghĩ, lời nói và hành động tích cực, đúng đắn của mỗi người" - Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-4

Kỳ tới: Xử lý nghiêm hành vi lừa đảo

Cơ quan quản lý văn hóa phải vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chia sẻ rất bức xúc trước các clip đầy tính chất mê tín về búp bê "ma" Kumanthong trên mạng xã hội.

"Không có thành công nào đến mà không cần phải bỏ công sức để làm việc, trau dồi kiến thức. Các trò búp bê Kumanthong có thể cho trúng số đề hay mang lại may mắn, "buôn may bán đắt" chỉ để lừa bịp người nhẹ dạ cả tin nhằm trục lợi. Trách nhiệm chính phải kể đến là các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan công an phải sớm nhận diện, phát hiện những trò truyền bá mê tín dị đoan để ngăn chặn, xử lý theo luật hình sự. Chúng ta có Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và nhiều luật khác đủ để xử lý những kẻ dùng trò mê tín để lừa đảo. Chỉ cần xử lý nghiêm một vài trường hợp điển hình thì sẽ răn đe được những trường hợp tương tự " - bà Nguyễn Thị Hoài Thu kiến nghị.

Tìm bị hại trong một đường dây

Chiều 6-4, thượng tá Lê Đức Bảy - Trưởng Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ - cho biết sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài điều tra về đường dây buôn bán búp bê Kumanthong xảy ra tại địa bàn quận Cái Răng, trong 2 ngày 5 và 6-4, Công an quận Cái Răng đã kiểm tra nơi cư trú và triệu tập lên làm việc những người mà báo đã phản ánh.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công an quận Cái Răng tiến hành kiểm tra hành chính căn hộ P328, lô A, khu chung cư Hưng Phú (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) do Thái Thị Yến Nhi (SN 1997; đăng ký thường trú phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) thuê làm nơi để ở và kinh doanh mặt hàng búp bê.

Tại đây, lực lượng công an quận đã phát hiện 71 búp bê (nghi Kumanthong) để trong thùng carton nhưng Nhi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Do đó, Công an quận Cái Răng đã tạm giữ toàn bộ số búp bê nghi Kumanthong để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, liên quan đến P.K.N, người được cho là cầm đầu đường dây mua bán Kumanthong, thượng tá Lê Đức Bảy xác nhận khi triệu tập lên làm việc, N. thừa nhận sau khi Báo Người Lao Động đăng thông tin, N. hoảng sợ nên đã trả lại toàn bộ số búp bê đang tàng trữ, không dám kinh doanh nữa. "Chúng tôi đang tìm bị hại có liên quan đến đường dây này. Vì thế, phía Báo Người Lao Động có những căn cứ thì giúp công an quận củng cố hồ sơ xử lý đến nơi đến chốn" - thượng tá Lê Đức Bảy nói.

C.Tuấn - C.Linh