Tháp cổ nằm trong trung tâm thành phố Quy Nhơn nên rất tiện cho du khách đến tham quan

Tháp Đôi được xây dựng từ thế kỷ X đến XV, gồm 2 ngọn tháp nằm kề nhau, tháp lớn cao khoảng 20m, tháp nhỏ thấp hơn, nằm trong một khu vực tương đối bằng phẳng, cửa chính cả hai tháp đều quay về hướng nam.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, theo truyền thống các cụm tháp Chăm cổ thường có ba tháp, trường hợp chỉ có hai tháp, có nghĩa là tháp thứ ba chuẩn bị xây dựng thì bị gián đoạn do một nguyên nhân nào đó.


Tháp Đôi được xây bằng gạch nung với kỹ thuật độc đáo

Tương tự các công trình tháp Chăm khu vực miền Trung, tháp Đôi cũng được xây bằng gạch nung với một kỹ thuật xây độc đáo chỉ có ở người Chăm cổ, gạch được xếp khít nhau với chất kết dính rồi nung thành một khối. Họa tiết trang trí ở 2 ngôi tháp này tuy mang những nét riêng nhưng tổng thể vẫn là các tượng thần, phù điêu diễn tả các nhân vật, các vũ công với điệu múa lấy từ truyền thuyết Ấn Độ; tượng chim thần Garuda, các con vật voi, hươu, khỉ. Tất cả đều rất sinh động.


Họa tiết trang trí ở hai ngôi tháp là các tượng thần, phù điêu rất sống động

Điểm độc đáo của di tích này theo các nhà khảo cổ học chính là việc sử dụng chất liệu đá trong thi công công trình. Đá tảng được sử dụng rất nhiều để làm phần đế cho cả 2 tháp và chân riềm mái. Dù những phần xây dựng bằng đá này qua thời gian đã mất mát khá nhiều nhưng những gì còn sót lại hiện nay cũng đủ xếp tháp Đôi vào hàng tiêu biểu cho loại hình kiến trúc sử dụng đá này trong hệ thống tháp Chăm ở Việt Nam.

Theo thời gian, tháp Đôi cũng bị hư hại nhiều. Những di vật còn lại bên ngoài của công trình khu di tích này và cả bên trong của 2 ngọn tháp hiện còn không nhiều; phù điêu, tượng trên tháp chỉ còn lại từng phần. Năm 1986, một nhóm chuyên gia khảo cổ học Ba Lan đã từng bước trùng tu cho công trình phần nào có được hình dáng ban đầu.


Sau khi được trùng tu, hiện nay tháp đã phần nào khôi phục được hình dáng ban đầu

Tổng diện tích của khu di tích khoảng 6.000m2, thảm cỏ xanh trong khuôn viên di tích luôn có người chăm sóc, thêm cây cảnh phân bố hợp lý nên trong khu vực tháp quanh năm xanh mát, có thể là một trong những nơi nghỉ chân cho du khách sau khi thăm viếng nhiều di tích khác trong thành phố Quy Nhơn nói riêng hay Bình Định nói chung.


Khuôn viên thoáng mát của tháp là nơi nghỉ chân lý tưởng cho du khách sau khi thăm viếng nhiều nơi trong thành phố

Ngoài tháp Đôi, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện vẫn còn nhiều di tích tháp Chăm khác như: cụm tháp Bánh Ít cách Quy Nhơn khoảng 20km, nằm trên một ngọn đồi cao gồm 4 tháp gần nhau; tháp Cánh Tiên tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 27km; tháp Bình Lâm nằm tại xã Phước Hòa, Tuy Phước; tháp Phú Lộc thuộc xã Nhơn Thành (An Nhơn) nằm trên một ngọn đồi cao…


Cụm tháp Bánh Ít nhìn từ quốc lộ

Đến Quy Nhơn bạn hãy dành một buổi để đi tham quan hết Gềnh Ráng từ mộ Hàn Mặc Tử, nhà thờ Núi cho đến làng phong Quy Hòa. Và tháp Đôi là nơi tham quan cuối cùng của tour này. Thưởng ngoạn vẻ đẹp cổ xưa của tháp, bạn sẽ thấy Quy Nhơn - thành phố nhỏ xinh bên bờ biển, còn nhiều bí ẩn thú vị mà bạn chưa khám phá hết.