Đau đớn phận “cá vào oi dam”

21 tuổi, chị Hồ Thị Thúy Ngân (khối 7, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) quyết định gắn bó cuộc đời mình với anh Nguyễn Xuân V. Thương con, cha mẹ chị đi đến quê chàng rể tương lai dò hỏi. “Con gái ông mà lấy thằng V. khác chi cá vào oi dam (dụng cụ đựng cua đồng - PV) ông ơi”, nghe người dân nói thế cha mẹ chị phản đối quyết liệt, thậm chí đòi từ mặt chị nếu chị vẫn kiên quyết lấy anh. Nhưng chị kiên quyết thật bởi chị tin vào tình yêu của mình.

Chị chỉ được hưởng hạnh phúc gia đình vẻn vẹn 6 tháng. Trong căn phòng nhỏ ở nhờ bố mẹ (bố mẹ chị hiện đang ở nhờ phòng bảo vệ của một trường học), với một bên mắt bị bầm tím, chị kể lại những hồi ức đau đớn: “Trận đòn đầu tiên chị vẫn còn nhớ như in là khi mang bầu thằng Sơn được 7 tháng. Hôm ấy không biết vì lý do gì anh đùng đùng tát vào mặt, đấm vào đầu chị. Chưa hả giận anh còn lôi chị ra nhận đầu và thùng nước. Sinh con mới được 1 tháng, giặt được chậu tã lót của con tay chị đã mỏi rã rời, anh vứt ra mấy bộ quần áo bảo chị giặt. Chị mệt quá bảo để chiều giặt cũng bị đánh”.

Bố không phải là chỗ dựa tinh thần mà là nỗi khiếp sợ của anh em Sơn.

Từ đó liên tiếp những trận đòn giáng vào người chị nhiều hơn. Có lần V. đánh vợ ngất xỉu rồi đánh xe xuống nhà bà ngoại thông báo điềm nhiên như không có gì xảy ra. “Sao chị không phản kháng?” - tôi hỏi. Chị lắc đầu, chị không muốn nhà cửa tan nát, không muốn các con lớn lên trong gia đình không trọn vẹn. Người đàn bà khốn khổ ấy cứ âm thầm chịu đựng người chồng vũ phu, chỉ xin một điều đừng đánh vào mặt chị, để chị còn có thể ngẩng mặt trước mọi người. Thế nhưng đáp lại lời van xin ấy, V. cứ nhè đầu, nhè mặt chị mà đánh.

Một lần, chị đang bưng bát cơm sáng ăn để chuẩn bị đi làm thì V. sinh chuyện chửi bới. “Nếu không sống được với nhau thì li dị đi, đừng hành hạ nhau nữa. Anh để cho tôi sống để còn đi làm nuôi con”, chị phản kháng. V. đá văng bát cơm của vợ xuống đất rồi lao vào đánh. Hoảng sợ, chị Ngân vơ túi quần áo chạy ra đường. V. xách xe máy đuổi theo đánh vợ ngã ngay vào bụi cây. Đến khi thấy vợ không còn cử động, người chồng vũ phu mới quay xe bỏ đi. Sau lần này, chị đòi ly dị nhưng V. đến tận chỗ làm dọa dẫm, van xin. Xiêu lòng, tưởng chồng đã biết hối lỗi chị lại bỏ qua.

Vì tương lai của các con, của chính chị, chị không thể im lặng mãi.

Tối 25/6/2011, cả nhà đang ăn cơm thì V. lại sinh sự. Chị Ngân không nói gì mà bảo con vào phòng bóp tay cho mình. V. lao vào đánh vợ và đuổi chị Ngân ra khỏi nhà. Chị chưa kịp phản ứng, V. đã lao vào dùng cùi tay nhằm mắt vợ mà đánh. Chỉ đến khi hàng xóm đến can ngăn và sơ cứu vết thương cho chị Ngân V. mới thôi. Tối đó, V. mang dao lên đặt trên giường, ngay chỗ nằm của vợ rồi đi uống rượu với đám bạn. Tối khuya ngày 26/6, V. về và đuổi 3 mẹ con chị Ngân ra khỏi nhà. Ba mẹ con vơ túi quần áo đã chuẩn bị sẵn chạy ra khỏi nhà trong đêm tối, đến nhà anh rể lánh nạn. Sáng hôm sau V. lại lên chửi rủa, đòi đánh, 3 mẹ con lại chạy đến nhà khác. Lần này chị quyết tâm phải dứt khoát.

"Mẹ bỏ bố đi!"

Hai vợ chồng chị ở với nhau đã có 2 mặt con. Cháu đầu năm nay đã 14 tuổi, cháu sau 9 tuổi. Nếu như ở những gia đình khác, bố là chỗ dựa về cả vật chất và tinh thần thì ở trong ngôi nhà này bố chính là nỗi khiếp đảm của cả 2 anh em.
 
Căn nhà khang trang nhưng vắng tiếng cười bởi người chồng vũ phu.

Cháu Nguyễn Văn Sơn (con trai chị Ngân) kể: “Lúc nào bố cũng say, chẳng mấy khi thấy tỉnh. Mà đã uống rượu vô là chửi, là đánh. Có lần bố dùng dây điện, rút cái lõi đồng ra rồi gấp đôi sợi dây lại đánh cháu. Một lần khác, bố lại dùng dây điện cắt một đầu, đầu còn lại cắm vào ổ điện và kéo cháu vào, dùng đầu điện hở dí vào tay cháu. Đến khi bố thả dây điện ra thì cháu chẳng biết gì nữa cả, đâm nhúi vào tủ đựng bát”.

Có lần V. lấy chiếc gáo dừa múc nước đánh vào đầu con cho đến khi cái gáo vỡ tan mới thôi. Những trận đòn lên người cậu bé chỉ giảm bớt đi khi cách đây 3 năm, các bác sĩ phát hiện Sơn bị bệnh tim. 

Lá đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng của chị Ngân sau 14 năm
 âm thầm chịu đựng nạn bạo hành gia đình.

Còn nhỏ nhưng Sơn lại suy nghĩ chín chắn lắm. Cháu một mực bảo: “Mẹ bỏ bố đi. Mẹ không phải cố gắng chịu đựng vì con. Nhìn bố suốt ngày hành hạ mẹ con không có tâm trí nào để học”. Nghe con nói chị như sực tỉnh. Bao lâu nay chị nhẫn nhịn chịu đựng chỉ mong con có cha, có mẹ. Thế nhưng có một người cha suốt ngày say xỉn, lấy chửi mắng đánh đập vợ con làm thú vui thế này liệu các con chị có thể lớn lên một cách bình thường được không, tâm hồn nó sẽ bị méo mó nếu cứ phải liên tục chứng kiến cảnh bạo hành này. 
 
Anh Nguyễn V.B. một người hành xóm nhà chị Ngân, cho biết: "Vì chị Ngân cũng giấu nên chúng tôi cũng không rõ lắm nhưng tối 26/6, nghe chị Ngân và hai cháu bé kêu khóc chúng tôi sang ngăn V. lại. Tôi không rõ vì lý do gì mà V. đánh vợ nhưng hành động của V. không thể chấp nhận được. Nếu vợ chồng có khúc mắc gì thì cũng nên nhờ cơ quan đoàn thể hòa giải chứ không được hành hạ vợ con như thế".
 
Chị Hồ Thị Thúy Ngân và vết thương mới nhất do người chồng vũ phu gây ra.

Chị Nguyễn Thị H (cùng làm việc tại xí nghiệp Gạch ngói Hưng Nguyên với vợ chồng chị Ngân) cho biết: "Nhiều hôm Ngân đến xưởng với mặt mày sưng húp, hỏi thì Ngân bảo là bị V. đánh. Có tháng Ngân bị chồng đánh đến 3-4 lần, lần nào cũng thâm tím mặt mày. Vừa rồi, một bên mắt của Ngân bị chồng đánh sưng húp, đỏ quạch, sợ nhất là con ngươi chuyển sang màu đỏ ứ máu, bác sĩ yêu cầu Ngân phải nằm viện điều trị vì sợ vết thương ở mắt sẽ trầm trọng hơn".

Để giải thoát cho các con và giải thoát cho chính bản thân mình, chị Ngân đã quyết định viết đơn gửi công đoàn cơ quan và UBND thị trấn Hưng Nguyên đề nghị can thiệp, đồng thời gửi đơn xin ly dị lên tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên. 14 năm đằng đẵng sống trong bóng tối, giờ chị quyết tâm bước ra ánh sáng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Gạch ngói Hưng Nguyên - cho biết: "Chúng tôi đã nhận được đơn trình bày sự việc của chị Ngân. Tuy nhiên sự việc xảy ra ở nhà, ngoài giờ làm việc tại cơ quan nên chúng tôi không thể can thiệp được".