Bất công là một cảm giác thường xuyên hiện hữu trong đầu rất nhiều dân công sở mỗi khi vô tình biết được cùng một khối lượng công việc, cùng một vị trí mà lương của đồng nghiệp lại cao hơn mình. Mới đây, xoay quanh đề tài chất chứa xúc cảm quen thuộc này, đã có một nàng công sở đăng đàn than thở về câu chuyện thuộc công ty mình như sau:
“Mọi người ơi cho em hỏi về việc lương làm việc. Công ty em có sở hữu vốn nước ngoài (Hoa Kỳ) nhưng mức lương trả cho người Việt Nam đi làm bên International Finance và Business Analysis là 12-15 triệu/ tháng còn người Mỹ qua đây làm là được trả $45/ giờ (chỉ có kinh nghiệm 1 năm đi làm bên Mỹ).
Tất cả mọi người cùng làm chung trong 1 văn phòng, có không gian mở. Quy theo mức lương như thế là vô cùng bất công, em ức quá”.
Câu chuyện sau khi đăng đàn ít lâu vào trong một hội nhóm chuyên tám chuyện công sở trên MXH đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mà nhất là “500 anh chị em” làm việc văn phòng.
Cứ ngỡ với lời than thở chất chứa cảm giác ai oán, xót xa về mức lương chênh lệch cao giữa mình (và tập thể đồng nghiệp bản xứ) so với những công dân Mỹ sang Việt Nam làm việc, thì nàng công sở nhân vật chính sẽ được an ủi, động viên nhiều lắm nhưng không, trái ngược với đó, cô nàng đã một phen muối mặt vì bị mắng.
“Thế giờ cho bạn qua nước khác, chậm phát triển hơn nước mình với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm thấp để làm công việc như người bản xứ và hưởng lương cũng tựa tựa họ thì bạn có chịu không?
Chưa kể đến việc trình độ, khả năng thế nào thì việc bỏ quê nhà xa xứ làm việc thì lương phải có mức hấp dẫn nhất định chứ? Với lại bình thường bạn thấy bạn cũng làm như họ nhưng lúc hiểm nghèo mới biết ai đáng đồng tiền hơn ai, xa gia đình, quê hương đi làm là cả một câu chuyện dài đấy”.
“So sánh chi vậy em? 2 người Việt cùng cấp có thể mức lương cách xa nhau, còn tùy vào kinh nghiệm, bằng cấp, khả năng đc đánh giá,.... Đừng nhìn vào lương ng khác rồi so sánh kiểu đó, nếu em là đối tượng bị so sánh em sẽ nghĩ gì? Công ty trả lương chứ đâu phải lấy tiền túi của ai công bằng hay không? Các sếp cảm thấy hợp lý là được, em thấy trả không thỏa đáng thì tìm nơi khác thôi, vớ vẩn”.
“So sánh kiểu này là biết thiếu kiến thức, còn non xanh và mông muội lắm. Thấy không công bằng xin nghỉ liền bạn, rồi bạn sẽ thấy ở đâu cũng vậy thôi, hoạnh họe làm gì cho mệt. Bản thân đều là người Việt, cùng vị trí, khối lượng công việc mức lương còn khác nữa là so với người ở nước phát triển chịu về Việt Nam làm”.
Thế đấy, chỉ từ đôi dòng than thở tưởng như bình thường nhưng nàng công sở nhân vật chính đã bị dân mạng “cà khịa” đủ đường với bao lời nói nặng nhẹ sâu cay. Thôi thì qua đây, hy vọng cô nàng cũng như là toàn thể anh chị em công sở đang lâm vào tình cảnh tương tự có thể nhìn nhận “công bằng” về sự bất công trong vấn đề lương thưởng giữa mình với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Và lời khuyên nho nhỏ nữa là hãy thôi tìm hiểu nghe ngóng về mức lương của đồng nghiệp đi, chưa bàn tới sự chênh lệch và bất công hay không bất công, chuyện này vốn đã là một hành vi rất “kém sang” trong môi trường công sở rồi. Nếu cảm thấy mức lương mà công ty trả cho mình hàng tháng chưa phù hợp với những gì bản thân đã bỏ ra thì hãy đấu tranh đòi lại công bằng chứ đi so sánh với đồng nghiệp rồi kêu gào, thật chẳng có ai giúp cho đâu.