Nhảy việc là cái chuyện không còn lạ gì đối với dân văn phòng, tuy nhiên chấp nhận nhảy việc và chuyển sang một ngành nghề mới, bắt đầu lại từ con số 0 như nàng công sở trong câu chuyện dưới đây quả thật hiếm có vô cùng. Và hành động can đảm này ngay lập tức đã khiến cô gặp ngay một trở ngại thực sự lớn xoay quanh vấn đề deal lương. Cụ thể thế nào đọc hết câu chuyện của cô sẽ rõ. Cô viết:
“CÔNG VIỆC MỚI, CHƯA KINH NGHIỆM, LƯƠNG ĐÂU ĐƯỢC NHƯ EM MONG MUỐN” - Dạ vâng, đó là câu nói của HR khi em apply vào 1 công việc mà em hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì.
Em làm ngành dịch vụ nhà hàng - khách sạn kinh nghiệm 5 năm. Với mức lương cơ bản khoảng 6 triệu + tiền trợ cấp + % hoa hồng thì khoảng 8-9 triệu/tháng hoặc hơn (tùy tháng có sale được khách hay không nhưng thấp nhất cũng là 7 triệu/tháng). Công việc của em tiếp xúc thường xuyên với khách hàng, đối tác và em có các nghiệp vụ thực hành của nghề này.
Sau chừng đó thời gian em muốn thử sức với 1 nghề hoàn toàn khác với công việc hiện tại. Em cũng có tìm hiểu về ngành nghề mới và cảm thấy với năng lực của mình có thể thích ứng được. Em cảm thấy khá hứng thú và muốn thử làm công việc trái ngành đã học như thế nào.
Khi em nộp CV và phỏng vấn trao đổi công việc thì khá ổn, tới đoạn trao đổi lương. Em biết mình hoàn toàn chưa có kinh nghiệm chuyên môn nên trao đổi mức lương là 6,5 triệu/tháng (công việc văn phòng, làm giấy tờ quanh năm không có % hoa hồng kiếm thêm gì hết ạ) và được thỏa thuận mức lương là 5 triệu/tháng kèm câu nói: “Công ty phải đào tạo em từ đầu nên mức lương đó phù hợp vì em chưa có kinh nghiệm trong công việc này”.
Dạ vậy là khi chuyển đổi công việc mới thì mình phải nhận 1 mức lương thấp cho dù đã từng có kinh nghiệm đi làm hay sao ạ?”.
Câu chuyện trên sau khi được chính chủ đăng đàn ít lâu vào trong một hội nhóm chuyên luận bàn chuyện công sở đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người mà đặc biệt nhất là hội dân công sở thuộc diện “lão làng”, có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nhảy việc.
Với sự quý hóa này, nàng công sở nhân vật chính đã thu về cho mình không ít lời khuyên hay và bổ ích thông qua đôi dòng bình luận như sau:
“Nếu bạn ứng tuyển vô đúng công việc bạn đã làm thì không nói làm chi đằng này bạn chưa kinh nghiệm gì mà bạn ứng tuyển đòi lương cao à? Một là bạn chấp nhận mức lương 5 triệu và cố gắng làm việc tích lũy kinh nghiệm. Hai là bạn quay về làm công việc cũ, ứng tuyển đúng chuyên môn sẽ có mức lương cao hơn. Chứ vừa đến một vùng đất mới đã muốn làm vua, ai cho?”.
“Kinh nghiệm đi làm của bạn là gì? Là mấy thứ như nhiệt tình, năng động, độc lập, kỹ năng giao tiếp, tư vấn khách hàng, teamwork,... các thứ ấy hả? Này mới chỉ là điều kiện cần thiết để họ nhận bạn vào thôi, và những thứ này chưa thể kiểm chứng chỉ qua buổi phỏng vấn. Còn về mức lương, nếu lương bình thường cho vị trí đó là 6,5 triệu, thì họ trả cho bạn 5 triệu là đúng rồi, vì họ phải đào tạo bạn cũng như chưa chắc bạn đã phát triển và làm được việc cho họ.
Nếu mức lương cho vị trí đó là 8-9 triệu thì mức deal 6,5 triệu của bạn mới được họ chấp nhận, thêm nữa giờ kí hợp đồng thử việc 2 tháng, rồi sau 2 tháng khi kí hợp đồng chính thức nếu bạn học hỏi và phát triển tốt, có thể deal lại mức 6,5 triệu như ý bạn được mà. Tóm lại là bạn cần chứng minh khả năng của mình thì mới mong có mức lương tương xứng ở 1 vị trí, công việc hoàn toàn mới”.
“Đi làm bằng kiến thức và kỹ năng. Dù chưa biết gì về lĩnh vực đó, bạn đã sở hữu một bộ kỹ năng bao gồm giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, teamwork,... chứ không hề ngô nghê như một em mới ra trường. Họ sẽ đỡ vất vả hơn khi tuyển bạn. Bạn hãy dùng điểm này để chứng minh trong thời gian thử việc, con số 5 triệu kia chưa là gì cả quan trọng là bạn có thể chịu đựng thiệt thòi một chút trong thời gian đầu hay không mà thôi”.
Quả thật, nghỉ việc đi tìm việc mới ở một công ty mới với mức lương mong muốn đã khó huống hồ gì trường hợp chuyển luôn cả ngành như cô nàng nhân vật chính trong câu chuyện trên. Và cái giá phải trả của cô đó chính là vấn đề lương thưởng ngay từ khi bắt đầu lại từ đầu ở con số 0.
Nhưng thôi, nếu có đủ yêu thích công việc mình ứng tuyển và tự tin với khả năng học hỏi cũng như là vận dụng các kỹ năng mềm được đào luyện trong lĩnh vực cũ suốt bao nhiêu năm (giống như các ý kiến của dân mạng), tin chắc rằng cô sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn thiệt thòi này.
Các lĩnh vực nghề nghiệp giống như những ngọn đồi vậy, đang ở trên đỉnh ngọn đồi này muốn leo lên đỉnh ngọn đồi khác, không cách nào ngoài việc mỗi cá nhân công sở phải chấp nhận chuyến hành trình “lên đỉnh” từ đầu. Cho nên cái việc trắc trở, gian nan làm sao tránh được, phải không?