Hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn nuôi dạy con theo một tiêu chuẩn thống nhất: học giỏi, lễ phép, ngoan ngoãn nghe lời và hiếu thảo với cha mẹ. Tất nhiên những kỳ vọng này không sai, nếu không muốn nói là hợp lý.
Nhưng, nhiều phụ huynh để đạt được mục tiêu nuôi dạy con thành "con nhà người ta" đã kiểm soát, chỉ trích lỗi lầm của con quá mức. Những đứa con trong gia đình này có thể được khen ngợi, nhưng chưa chắc đã hạnh phúc. Một cuộc sống chưa bao giờ được tự mình quyết định sẽ luôn bị động và bất lực. Cha mẹ thông minh sẽ biết quản lý những nơi cần quản lý và buông bỏ những nơi cần buông bỏ.
Có 2 điều cha mẹ càng lơ đi, con cái sẽ càng có nhiều triển vọng.
Để mặc con ra quyết định, để con có nhận thức và khả năng độc lập
Nhà tâm lý học người Anh, Sylvia cho biết: "Tình yêu thực sự của cha mẹ là để đứa trẻ tách khỏi cuộc sống của họ như một cá thể độc lập. Sự phân tách này diễn ra càng sớm thì bạn càng là cha mẹ thành công".
Cha mẹ thường hay có xu hướng quyết định thay con cái. Tuy nhiên, bằng cách này, chúng ta có thể vô tình tước đi những kỹ năng tự đưa ra quyết định - điều quan trọng mà trẻ cần có khi trở thành người lớn.
Hãy giới hạn phạm vi chọn cho bé. Chẳng hạn, nếu bạn cho bé chọn bất kỳ thứ gì trong siêu thị. Sẽ xảy ra trường hợp bé bị thiếu quyết đoán do chọn thứ này lại tiếc thứ kia, hoặc ngược lại: bé muốn mọi thứ. Vì thế, hãy đưa cho bé 2 hoặc 3 lựa chọn trong các lần quyết định, ví dụ như: "Con thích bim bim, táo hay sữa chua nào?". Sau đó yêu cầu bé suy nghĩ rồi quyết định chọn 1 thứ con thích nhất (hoặc 2 thứ tùy vào bạn muốn luyện tập bé).
Khi con bắt đầu trưởng thành hơn, bạn có thể đa dạng hóa các lựa chọn. Hơn nữa, cha mẹ có thể "nâng tầm quan trọng" của các sự việc cần lựa chọn, chẳng hạn như chọn lựa giữa một sự kiện con muốn tham gia, hay chọn thời gian để ngủ; chọn trường; chọn ngành.
Sau đó, khi con đã tự ra quyết định của mình, hãy hướng dẫn con nhìn nhận và hiểu ra đằng sau mỗi quyết định của con sẽ ảnh hưởng tới tương lai như thế nào. Nếu quyết định của con không có kết quả tốt, con nên biết rằng tự con sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả của mỗi lựa chọn, những lần tới con cần cân nhắc hơn.
Đừng "nghiêm trọng hóa" khi con vô tình mắc lỗi nhỏ, điều này giúp phát triển khả năng giải quyết vấn đề
Fan Deng (Trung Quốc), tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, đã nói trong một lớp học dành cho cha mẹ và con cái rằng: khi một đứa trẻ làm vỡ chiếc bình yêu quý nhất của mình, ông không ngay lập tức đổ lỗi cho con, không can thiệp mà chỉ lặng lẽ quan sát hành vi của con. Những tưởng đứa trẻ sẽ khóc ầm ĩ, nhưng nó chỉ lặng lẽ thu dọn, rồi chạy đến bên cha để nhận lỗi. Từ đó con không bao giờ tiếp xúc quá nhiều với những đồ vật dễ vỡ nữa.
Tác giả này cho rằng, nếu anh trực tiếp can thiệp vào đứa trẻ, dù là mắng mỏ hay an ủi thì cũng sẽ làm mờ đi bản chất ban đầu của sự việc. Chính sự quan sát của cha mẹ mới có thể rèn cho trẻ năng lực giải quyết vấn đề và không ngừng sửa chữa, để tự điều chỉnh bản thân.
Nhà tâm lý học Li Zixun (Trung Quốc) cho biết: “Việc trẻ mắc lỗi là một nhu cầu phát triển. Một đứa trẻ chưa từng mắc lỗi không thể nào lớn được”. Nhiều bà mẹ, ông bố thường quá lời khi mắng con. Đôi khi, tội của bé chỉ đáng một, cha mẹ nâng lên thành năm, thành mười. Bé sẽ tức giận và "trả thù" bằng cách không nghe lời.
Tất nhiên, với các lỗi dù nhỏ nhưng nghiêm trọng như lấy trộm đồ, hỗn hào. thiếu lễ độ... cha mẹ cần có sự can thiệp kịp thời. Nếu làm ngơ không dạy dỗ, trẻ sẽ không biết mình làm sai, từ một lỗi nhỏ sẽ dẫn tới một sai lầm lớn hơn, có thể khiến mọi người ân hận cả đời.
Hãy giải thích ngắn gọn cho trẻ hiểu vì sao phải làm thế này thế kia. Như vậy tức là bạn đã cung cấp cho bé nền tảng quan trọng để bé có những hành vi tốt. Trẻ em sẽ dễ ghi nhớ lời bạn hơn nếu bạn nói với chúng bằng giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.
Một số người liên tục gặp rắc rối và không có quy tắc khi lớn lên, chính là bởi vì họ có cha mẹ làm giúp mọi việc ổn thỏa từ khi còn nhỏ, còn bản thân họ không bao giờ nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Cha mẹ có thể cùng con trưởng thành nhưng không thể cùng con đi suốt cuộc đời, trẻ luôn phải tự đối mặt với những thăng trầm để trở nên độc lập, mạnh mẽ. Khi có khả năng tự chịu trách nhiệm về thất bại của mình mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ, trẻ sẽ thực sự thoát ra khỏi cái kén của mình và trở thành những chú bướm xinh đẹp cứng cáp.