Ở trung tâm Hà Nội, tòa nhà "Đại học Tổng hợp" đứng sừng sững, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Từ tiền thân là Viện Đại học Đông Dương đến khi trở thành một phần của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngôi trường này đã không ngừng chứng tỏ vị thế "thánh đường tri thức" trong lòng người dân Thủ đô. 

Và giờ đây, tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, tòa nhà cổ kính này được "đánh thức" bởi những luồng gió nghệ thuật mới mẻ, trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những tâm hồn đam mê sáng tạo, khao khát khám phá và muốn kết nối với di sản văn hóa. Đến với 19 Lê Thánh Tông, bạn sẽ được trải nghiệm một không gian nghệ thuật độc đáo, nơi mỗi góc nhỏ, mỗi lối đi đều toát lên hồn cốt của sự sáng tạo và tri thức.

"Thánh đường tri thức" xưa trở thành không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo - Ảnh 1.

Đối thoại với không gian kiến trúc trăm tuổi

Giữa lòng Hà Nội, nơi những con phố cổ kính song hành cùng dấu ấn của thời gian, cụm tòa nhà "Đại học Tổng hợp" vươn mình kiêu hãnh, là minh chứng sống động cho một thời hoa lệ đã qua. Sắc vàng trầm ấm của bức tường vẫn tỏa ra vẻ đẹp phảng phất nét cổ điển, cặp cửa sắt tráng lệ cùng hàng xà cừ cổ thụ đứng hiên ngang, mỗi góc nhìn lại là một câu chuyện về một Hà Nội xưa cũ mà hiện đại. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những ký ức của nhiều thế hệ sinh viên, mà còn là điểm hẹn lý tưởng của những trái tim yêu kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 1956, trường Đại học Tổng hợp đã là biểu tượng cho ngọn lửa tri thức, đứng trên nền móng của Viện Đại học Đông Dương xưa, được kiến trúc sư Ernest Hébrard dày công kiến tạo từ năm 1926. Mỗi viên đá, mỗi cánh cửa, mỗi mái vòm, từng hoa văn tỉ mỉ đều kể về một quá khứ rực rỡ, nơi hòa trộn tinh hoa kiến trúc Âu - Á, phù hợp với bối cảnh khí hậu nhiệt đới và hiện thực địa phương. Dưới sự bảo vệ của thành phố Hà Nội, các công trình nơi đây đã được gìn giữ nguyên vẹn, là chứng nhân cho gần một thế kỷ phát triển.

Tháng 11/2013, công trình được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội còn được mệnh danh là “Thánh đường tri thức” khi nơi này không những lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà còn là nơi đào tạo ra rất nhiều các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu cả nước.

Đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, "Đại học Tổng hợp" không chỉ là không gian tri thức mà còn hóa thân thành sân khấu nghệ thuật, nơi diễn ra những hoạt động sôi nổi từ hội thảo, tọa đàm, cho đến các buổi triển lãm. Và trong điểm nhấn của lễ hội, tổ hợp triển lãm "Cảm thức Đông Dương" với 22 tác phẩm đánh thức mọi giác quan, dẫn lối du khách vào một thế giới nghệ thuật tương tác, nơi mỗi tác phẩm là một lời tri ân sâu sắc tới quá khứ, đồng thời là tấm gương phản chiếu cho tương lai. Đây không chỉ là một cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, mà còn là sự kết nối giữa không gian và con người, giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một di sản sống động và đầy ắp cảm xúc.

Không gian trưng bày, sắp đặt nghệ thuật đặc biệt

Bước vào không gian nghệ thuật của "Cảm thức Đông Dương", khách tham quan sẽ được đắm chìm trong một thế giới tương tác độc đáo, nơi mỗi tác phẩm như đang thì thầm kể lại lịch sử huy hoàng của nơi này qua 22 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo. Tại sảnh chính, hòa quyện trong ánh sáng diệu kỳ, các tác phẩm điêu khắc và hội họa được bài trí khéo léo dưới bàn tay của những nghệ sỹ tài ba, từ nền nhà lên đến mái vòm hai tầng, mang đậm chất kiến trúc tân cổ điển pha lẫn hoạ tiết Đông Dương. Bước vào sảnh là tác phẩm sắp đặt ánh sáng của Trần Hậu Yên Thế tại các ô cửa kính trên vòm tường nơi cửa chính, gợi nhớ lại những ý niệm đầu tiên của thiết kế hoa sắt lấy cảm hứng hình ảnh những chiếc bóng đèn như tượng trưng cho ánh sáng của tri thức.

"Thánh đường tri thức" xưa trở thành không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo - Ảnh 3.

Tác phẩm chân dung của hai họa sĩ lỗi lạc Victor Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương vào năm 1924) và Tô Ngọc Vân, do nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh đắp nên, đứng vững chãi tại sảnh, như một cầu nối lịch sử với tượng đài hai nhà khoa học kiệt xuất Nguỵ Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm. Lên cao đến nóc vòm, bức tranh phong cảnh trang trí dưới ngọn đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh và bia tiến sĩ mika dẫn sáng của Ernest Hebrard, dẫn dắt ánh mắt lên tới tác phẩm mapping 3D sống động của Phạm Trung Hưng, tái hiện hình ảnh phượng hoàng mờ phai theo năm tháng.

Bước qua hội trường Nguỵ Như Kon Tum, sẽ là một không gian nghệ thuật đa cảm xúc với video hòa nhạc "Đại tượng 2 - Sơn Hà Diễn Nghĩa" và video art "Thăng Đường Nhập Thất", chạm vào cảm xúc bằng sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh. Tại các tầng trên cao, với các tác phẩm vẽ sơn trên mika của họa sĩ Lê Đăng Ninh, lấy cảm hứng từ các mẫu lọ thuỷ tinh trong phòng Bảo tàng nghiên cứu sinh vật học, kết hợp sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn trên vòm mái lầu 3 của tòa nhà, đem đến trải nghiệm đa giác quan, trong một cảm thức quá khứ đang dội về. 

Dọc tuyến đường trải nghiệm sẽ là các tác phẩm điêu khắc, đất nung, đặc biệt là sắp đặt sách nghiên cứu hồi cố về họa tiết mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm nhiếp ảnh chụp kiến trúc Đông Dương của nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú, cụm tác phẩm nhiếp ảnh phim kính từ kỹ thuật chụp máy ảnh phim khổ lớn được sản xuất từ đầu thế kỷ 20 của hoạ sĩ Phạm Duy.

Không chỉ trong nhà, mà ngay cả bên ngoài tòa nhà, tác phẩm LETTERS - SCIENCES - ARTS lấy cảm hứng từ triết lý giáo dục đa ngành của Đại học Đông Dương đã được tái hiện. Những mô hình điêu khắc của Victor Tardieu và Ernest Hebrard chất chứa trong từng hành lang, sảnh chính, mỗi ẩn ý tương tác đều khắc họa một phần của dự án nghệ thuật tầm cỡ này.

"Thánh đường tri thức" xưa trở thành không gian sắp đặt nghệ thuật độc đáo - Ảnh 5.

"Cảm thức Đông Dương" còn có các cụm tác phẩm trưng bày ở hành lang và bên trong Bảo tàng sinh vật học, những tranh lụa vẽ hoá thạch côn trùng và động vật của hoạ sĩ Nguyễn Thu Thảo, cụm sắp đặt tranh giấy dó và tranh lụa của Nguyễn Cẩm Nhung, sắp đặt ánh sáng bằng giấy tương tác với các mẫu vật ở bảo tàng của tác giả Phạm Thuỷ Tiên, sắp đặt sơn mài ở các mặt đứng bậc cầu thang của hoạ sĩ Trương Hoàng Hải, trưng bày sắp đặt các kết quả nghiên cứu tranh thêu thời Đông Dương của hoạ sĩ Phạm Ngọc Trâm, và các tác phẩm gốm men lam lấy cảm hứng từ các đồ án mỹ thuật trang trí của hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác phẩm sắp đặt book art bằng sơn mài và giấy dó tương tác trong bảo tàng thực vật của hoạ sĩ Nguyễn Thị Hoài Giang và Nguyễn Thị Trang…

Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác "Cảm thức Đông Dương" là một sự kiện nghệ thuật không thể bỏ lỡ, diễn ra từ ngày 9/11 đến hết ngày 17/11/2024, mở ra một không gian nghệ thuật mà ở đó, quá khứ và hiện đại giao thoa, hội tụ thành một dòng chảy văn hóa sâu lắng.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 chủ đề "Giao lộ Sáng tạo" sẽ diễn ra từ 09-17/11/2024 gồm 100+ hoạt động tại Tuyến chính xung quanh Quảng trường Cách mạng tháng 8 ở quận Hoàn Kiếm cùng các địa điểm hưởng ứng ở 30 quận, huyện thị. 

Chi tiết các hoạt động và lịch trình sẽ được cập nhật trên các kênh truyền thông chính thức của Lễ hội. Xin mời độc giả cùng chờ đón và xem thêm tại:

Website: https://www.lehoithietkesangtao.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/lehoithietkesangtaohn

Độc giả quan tâm vui lòng đăng ký trước để hỗ trợ BTC vận hành được chu đáo và mang lại trải nghiệm tốt hơn. Anh/chị có thể lựa chọn nội dung mình quan tâm và sẽ tham dự tại link https://www.hfcd.vn/dang-ky. Thông tin này sẽ chỉ được phục vụ mục tiêu tổ chức Lễ hội.