Tối 1/9, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Hữu Vui – Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa xác nhận, để phòng chống dịch Covid – 19 đạt hiệu quả, địa phương đã áp dụng biện pháp khóa cổng đối với các hộ dân có trường hợp F2 đang thực hiện cách ly tại nhà.
Theo ông Vui, việc làm này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các hộ gia đình có người cách ly và người dân địa phương. Một số hộ lúc đầu không chấp thuận việc khóa cổng, nhưng khi được chính quyền tuyên truyền, giải thích đã vui vẻ chấp hành.
Chiều 31/8, chính quyền xã Hoằng Thái đã bắt đầu khóa cổng 278 hộ dân (388 người F2) và chìa khóa được bàn giao cho Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái cất giữ.
Ông Vui cho biết thêm, nguyên nhân xã khóa cổng các hộ dân có người cách ly là địa bàn nông thôn khá rộng, ý thức chấp hành pháp luật về các biện pháp phòng chống Covid-19 của nhiều người dân chưa tốt, cán bộ địa phương mỏng nên rất khó quản lý, giám sát.
“Từ đề xuất của người dân địa phương, các hộ cách ly họ cũng chấp thuận, xã thì rộng, cán bộ mỏng, rất khó quản lý, giám sát nên chúng tôi cũng không còn cách nào khác”, ông Vui nói.
Ngày 28/8, địa phương này có công dân đang làm việc tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa mắc Covid-19. Cơ quan chức năng đã tiến hành truy vết, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng F1 đưa đi cách ly tập trung, đồng thời phong tỏa tạm thời 30 hộ dân tại khu dân cư nơi bệnh nhân sinh sống.
Đối với 388 người được xác định là F2 đã có kết quả test nhanh âm tính, xã Hoằng Thái đã quyết định cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày (tính từ ngày địa phương phát hiện ca bệnh Covid-19).
“Người dân nông thôn nên họ đã chuẩn bị khá đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu. Xã giao cho Chi hội Phụ nữ, đoàn thanh niên và các hội đoàn thể thành lập mỗi thôn một tổ để có nhiệm vụ hỗ trợ các hộ gia đình cách ly bất kỳ lúc nào khi họ có nhu cầu”, ông Vui thông tin.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoằng Hóa cho hay, việc khóa cổng để chống dịch ở Hoằng Thái, địa phương đã báo cáo Ban chỉ đạo huyện và được chấp nhận. Thực tế tại các vùng nông thôn, việc cách ly tại nhà nếu không có biện pháp mạnh sẽ rất khó quản lý.
PV đặt câu hỏi với ông Trịnh Hữu Vui: Chính quyền khóa cổng các hộ dân, nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn thì người dân sẽ phải xử lý như thể nào, có ảnh hưởng tới việc thoát thân của họ trong trường hợp khẩn cấp không?
Ông Vui nói: “Chúng tôi đã tuyên truyền việc cháy nổ rồi. Ở đây là dân quê thì vườn tược rộng thoải mái hơn. Chúng tôi chỉ khóa cổng chứ không khóa cửa nhà”.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm.
Theo luật sự Cường, việc chính quyền tự khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định là F2 là một phương pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và có thể gây ra các hệ lụy xấu đối với người dân.
Theo quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm (Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Nghị quyết của Quốc Hội, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh...) thì có nhiều biện pháp để thực hiện phòng chống bệnh truyền nhiễm Covid-19 ở các mức độ khác nhau như: phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16..., hạn chế đi lại, hạn chế kinh doanh, hạn chế tập trung đông người...
Đây là một trong những biện pháp hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân như quyền tự do đi lại, quyền cư trú, quyền lao động, làm việc... Việc hạn chế các quyền cơ bản của công dân phải căn cứ vào quy định của pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà. Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ quy định này do ai ban hành, căn cứ vào đâu, đối tượng áp dụng là ai và thời gian áp dụng như thế nào, các biện pháp đảm bảo ra sao... để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo quy định của pháp luật, những trường hợp F2 sẽ được lập danh sách do ủy ban nhân dân cấp xã phường quản lý và phải cách ly tại nhà. Phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ cá nhân. Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 không có văn bản nào quy định là phải nhốt, giam lỏng F2 trong nhà bằng hình thức chính quyền khóa cửa cầm chìa khoá.
Cũng cần kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh xem có nội dung nào quy định như vậy hay không? Việc ban hành nội dung văn bản như vậy có đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không thì mới đánh giá được tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi này.
Trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, cho phép chính quyền cơ sở được phép thực hiện việc nhốt người dân thuộc trường hợp F2 tại nhà thì đây là hành vi có tính chất tự phát, cực đoan và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Việc khóa cổng như vậy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người được xác định là F2 mà còn ảnh hưởng đến tất cả những người sinh sống trong ngôi nhà đó. Tất cả những người đó đều phải chịu hạn chế đi lại, làm việc, sinh hoạt giống như người có nguy cơ mắc bệnh. Trong trường hợp có tình huống khẩn cấp xảy ra như cháy nổ, ốm đau, đột quỵ mà cần phải cấp cứu, hỗ trợ thì sẽ rất nguy hiểm vì không thể kịp lấy chìa khóa để giải thoát cho những người bên trong.
Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay chưa có địa phương nào áp dụng biện pháp này và cũng chưa thấy địa phương nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về trường hợp chính quyền cơ sở khóa cổng, cầm chìa khóa đối với những trường hợp F2.
Nếu chính quyền cơ sở tự ý thực hiện việc khóa cổng và giữ chìa khóa của các hộ dân dẫn đến tình trạng cháy nổ, hỏa hoạn, hoặc người dân ốm đau đột xuất phải đi cấp cứu không kịp thời dẫn đến thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người vi phạm.
Trong trường hợp phong tỏa toàn bộ khu vực bởi có nhiều ca lây nhiễm thì cũng cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn trở ngại đối với người dân, đồng thời đảm bảo các tình huống bất ngờ xảy ra thì có thể ứng phó kịp thời, tránh nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trường hợp thực hiện phong tỏa, cách ly một cách cực đoan, không đúng quy định thì có thể gây ra lây nhiễm chéo, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người dân và gây bức xúc trong dư luận. Việc chống dịch có thể mỗi địa phương lại có những sáng tạo khác nhau nhưng phải căn cứ vào quy định của pháp luật, phải tiến hành áp dụng thống nhất, đồng bộ. Mỗi biện pháp đưa ra đều phải trên cơ sở tính toán khoa học, có lý luận, có nhiều phương án để giải quyết các sự cố phát sinh chứ không thể để chính quyền cấp cơ sở tự ý đưa ra các biện pháp mang tính chất cực đoan và trái quy định pháp luật.