Thanh niên 30 tuổi hôn mê vì biến chứng tiểu đường

Dương Minh nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Số 2 tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Phùng Hiểu Hiên, Bệnh viện Nhân dân Số 2 tỉnh Quý Châu đã nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cần thiết và tiến hành đo đường huyết cho bệnh nhân.

Kết quả cho thấy lượng đường trong máu bệnh nhân tăng cao bất thường. Bác sĩ Phùng bước đầu xác định bệnh nhân bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.

Thanh niên 30 tuổi hôn mê sâu, gặp biến chứng tiểu đường, hối hận vì một thói xấu nhiều năm- Ảnh 1.

Bệnh nhân được điều trị trong bệnh viện.

Hôn mê do tăng áp lực thẩm thường xảy ra khi cơ thể thiếu insulin trầm trọng và xuất hiện tình trạng kháng insulin, khiến lượng đường trong máu người bệnh tăng rất cao. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu ở bệnh nhân đái tháo đường là một biến chứng rất nặng với tỉ lệ tử vong cao lên đến 20-30%.

Các y bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện bù dịch, bù chất điện giải và tiêm insulin để điều trị cho bệnh nhân. Tình trạng của bệnh nhân dần ổn định.

Sau khi tỉnh lại, Dương Minh vô cùng sốc khi biết mình gặp biến chứng của tiểu đường. Anh cho biết trước kia anh có sức khỏe vô cùng tốt.

Khi được bác sĩ hỏi về thói quen hàng ngày, Dương Minh nói anh có sở thích uống các loại nước ngọt chứa nhiều đường, hầu như ngày nào cũng uống. Thói quen này đã duy trì từ hồi sinh viên đến trước khi anh nhập viện.

Thanh niên 30 tuổi hôn mê sâu, gặp biến chứng tiểu đường, hối hận vì một thói xấu nhiều năm- Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Vĩnh Hoa.

Bác sĩ Trần Vĩnh Hoa làm việc tại Khoa Nội tiết của bệnh viện giải thích thường xuyên sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều đường có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh. Chỉ số đường huyết cao, kéo dài có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng insulin, từ đó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Mắc tiểu đường loại 2 nhưng không được điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhân gặp biến chứng nặng tương tự như trường hợp của Dương Minh.

Sau khi được bác sĩ giải thích, Dương Minh cảm thấy vô cùng hối hận: “Bây giờ nghĩ lại những gì đã xảy ra, tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi không ngờ sở thích uống nước ngọt lại gây hại sức khỏe như vậy”.

Phòng ngừa tiểu đường

Bác sĩ Trần cũng cho biết mọi người nên phát triển các thói quen sinh hoạt lành mạnh để phòng ngừa tiểu đường từ sớm, tránh gây ra tình trạng nghiêm trọng như bệnh nhân Dương Minh. Cụ thể, mọi người nên:

1. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

Mọi người nên ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tăng cường ăn các loại rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thực phẩm chứa nhiều đường hoặc thực phẩm siêu chế biến.

2. Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì

Thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây ra tiểu đường loại 2. Do đó, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo những người bị thừa cân, béo phì nên chủ động giảm trọng lượng cơ thể để phòng ngừa tiểu đường loại 2.

3. Tăng cường hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt phòng ngừa đái tháo đường loại 2 hiệu quả mà còn mang đến nhiều lợi ích như giảm cân, giảm lượng đường trong máu, tăng độ nhạy cảm với insulin, giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Để việc tập luyện đạt được hiệu quả, mọi người nên duy trì 30 phút tập luyện mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần,

4. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp mọi người phát hiện và điều trị bệnh từ sớm.