Athens, Thebes, Rome cùng một số thành phố lớn khác trên thế giới vốn nổi tiếng với nền văn hoá, giáo dục, chính trị lâu đời và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Bên cạnh đó, cũng có những nền văn minh khác đã từng phát triển vô cùng thịnh vượng, rồi lại chôn vùi trong lịch sử. Truyền thuyết xoay quanh sự tồn tại của chúng được mọi người bàn luận trong nhiều thế kỷ, nhưng cho đến gần đây, các nhà khoa học mới khám phá ra những bí mật đằng sau.
Các khu đô thị màu mỡ ở Thung lũng Indus
Nền văn minh Thung lũng Indus tồn tại từ khoảng năm 2500 - 1700 TCN, có quyền lực được cho là ngang bằng với “cái nôi văn minh" Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại. Trong khi hai khu vực kia phát triển theo thời gian, trải qua quá trình chinh phục và bị chinh phục để hòa nhập với các nền văn hoá khác, thì nền văn minh Thung lũng Indus lại sụp đổ và biến mất mà không một ai biết lý do.
Người dân sống ở đây được hưởng lợi từ vùng đất phù sa màu mỡ của sông Indus và được giao thương với khu vực Lưỡng Hà gần đó. Hai thành phố Harappa và Mohenjo-Daro từng là nơi sinh sống của 40.000 - 50.000 người, trong đó có cả nông dân, thương nhân và thợ thủ công, minh chứng cho sự phồn thịnh của khu vực này.
Một nền văn minh lớn mạnh như vậy tưởng chừng sẽ ngày càng được mở rộng ra các vùng xung quanh, nhưng vào khoảng năm 1900 TCN, những kẻ xâm lược đã quét sạch thành phố Mohenjo-Daro vĩ đại.
Không những thế, sự ảnh hưởng của gió mùa cũng khiến cho vùng đất này lạnh và khô hơn, khiến người ở đây phải di cư đến những nơi khác để có thể tiếp tục tồn tại. Đến năm 1700 TCN, hầu như các thành phố của nền văn minh Thung lũng Indus đều bị bỏ hoang.
Thành phố cổ Tanis, Ai Cập
Thành phố cổ Tanis là khu vực nằm ở đồng bằng sông Nile, phía đông bắc của thủ đô Cairo, Ai Cập. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm ra một quần thể lăng mộ hoàng gia chứa đầy các mặt nạ làm từ vàng, đồ trang sức, quan tài bạc và các kho báu có giá trị sánh ngang với vua Tutankhamun.
Tuy số lượng người biết đến địa danh này không nhiều, nhưng trước đây thành phố này đã từng là thủ đô của Ai Cập và là trung tâm kinh tế giàu có bậc nhất. Mặc dù vậy, khi dòng sông chuyển hướng cũng là lúc thành phố này bị chôn vùi dưới lớp cát.
Thành bang Hy Lạp cổ đại Helike
Theo những gì được ghi chép, Helike nằm ở Achara, phía tây của bán đảo Peloponnesian. Trong thời kỳ hoàng kim, thành bang này giữ vai trò lãnh đạo của Liên minh Achaea đầu tiên gồm 12 nước nằm ở khu vực lân cận. Nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt mà Helike trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá và tôn giáo quan trọng.
Tuy nhiên, thành phố này đã “biến mất" chỉ trong vòng năm ngày đêm. Theo các nhà sử học cổ điển, vào một ngày của năm 373 TCN, tất cả những loài động vật như rắn, chuột bỗng rời bỏ thành phố để đến những vùng đất cao hơn. Ngay sau đó, một trận động đất xảy ra, thành phố sụp đổ xuống lòng đất và nhanh chóng bị cuốn trôi bởi dòng chảy của đại dương, không một ai may mắn thoát khỏi.
Thành phố đã từng nổi tiếng giờ chỉ còn là một huyền thoại, trong nhiều thế kỷ, không ai biết đến vị trí chính xác của nó nằm ở đâu. Nhiều nhà thám hiểm vào thế kỷ 19 và 20 từng cố gắng tìm kiếm nhưng vô vọng.
Đến năm 2001, một nhóm nhà khảo cổ học đã hướng sự chú ý của họ đến vùng đồng bằng được hình thành từ những con sông chảy vào vịnh. Ở đó, cuối cùng họ đã tìm thấy những gì còn sót lại: những bức tường, đồng xu và những món đồ gốm bị chôn vùi dưới lớp phù sa được bồi đắp qua hàng nghìn năm.
Thành phố vàng huyền thoại
Những câu chuyện lưu truyền về thành phố vàng El Dorado bắt đầu nổi lên từ khi Colombo tìm ra Châu Mỹ. Vào thế kỷ 16, những nhà thám hiểm ở Tây Ban Nha hay Nam Mỹ vẫn thường truyền tai nhau một câu chuyện, kể rằng ở một nơi nào đó trên dãy Andes, khi vị tân hoàng đế của thành phố El Dorado đăng quang, ông đã được người dân phủ bụi vàng kín người và đưa đến bên hồ. Tại đây, ông ngồi lên chiếc bè chất đầy vàng thỏi và đá quý, đi đến giữa hồ, rửa sạch bụi vàng rồi ném tất cả những thứ quý giá xuống nước.
Và bị mờ mắt bởi lòng tham, những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha và Anh bắt đầu lục tung những vùng hoang dã ở Colombia, Guyana, hay bất kỳ nơi nào nghe có vẻ hứa hẹn để tìm kiếm kho báu huyền thoại này. Nhưng chưa kịp tìm thấy được gì thì từng người đã ngã xuống vì bị rắn cắn, bệnh tật và chết đói. Cho đến tận ngày nay, vẫn chưa ai tìm thấy được kho báu trong truyền thuyết.
Nhiều người cho rằng chiếc hồ được đề cập đến trong câu chuyện là hồ Laguna Guatavita, một miệng hồ núi lửa nằm gần thủ đô Bogota của Colombia. Một số đồ vật bằng vàng và đồ trang sức đã được tìm thấy ở nơi đây, nhưng mọi nỗ lực rút cạn nước để tìm kho báu đều thất bại.
Bí ẩn 115 người biến mất ở đảo Roanoke
Vào tháng 8 năm 1587, một nhóm người Anh khoảng 115 người đã đổ bộ lên đảo Roanoke, ngoài khơi bờ biển ngày nay là Bắc Carolina. Người dẫn đầu của đoàn là thống đốc John White, cùng với đó là con trai, con dâu và cháu gái của ông.
Vài tháng sau, thống đốc White đã rời khỏi hòn đảo để đến Anh lấy thêm đồ tiếp tế, nhưng khi quay trở lại sau ba năm, trên hòn đảo không còn một bóng người. Thứ mà họ nhìn thấy chỉ là những chữ cái "Croatoan" và "Cro" được khắc trên thân cây, ngoài ra không có bất kỳ một dấu vết xung đột nào.
Cho đến gần đây, các nhà khảo cổ tuyên bố tìm thấy các món đồ tạo tác liên quan đến những người bị mất tích trên đảo Hatteras, cách Roanoke 50 dặm (khoảng 80km) về phía nam. Những phát hiện bao gồm một chuôi kiếm, những phiến đá có khắc chữ cái tiếng Anh. Nhiều giả thiết cho thấy có thể những người mất tích đã bị đồng hoá vào các cộng đồng người bản địa.