Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là mẹ của bác sĩ Lê Quang Huy Phương – nguyên Trưởng Đơn vị chăm sóc da, Khoa Da liễu Bệnh viện Trung ương Huế. Phương là bị cáo vụ án bác sĩ hiếp dâm, đánh đập nữ điều dưỡng nhập viện chấn động dư luận xứ Huế.
Theo nội dung, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, cơ quan này nhận được đơn tố cáo ghi ngày 08/7/2021 của công dân Nguyễn Thị Ngọc Lan, địa chỉ: Số 155 Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nội dung đơn: Tố cáo ông Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế cố ý thực hiện giám định trái pháp luật gây hậu quả khiến 1 bác sĩ bị khởi tố, bắt giam và kết án oan sai.
Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ theo quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Y tế chuyển đơn nêu trên và tài liệu kèm theo đến Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế để xem xét, giải quyết theo quy định.
Thực hiện giám định trái quy định
Liên quan đến vụ án rúng động trên, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, việc giám định pháp y lần đầu do Giám định viên Nguyễn Hoài An thực hiện trái quy định tại Điều 28 Luật Giám định tư pháp, trái Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 và trái Thông tư số 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế.
Ông Hòe nhận định, kết luận giám định trái pháp luật do ông Nguyễn Hoài An thực hiện đã dẫn đến hậu quả là Bác sĩ (Bs) Lê Quang Huy Phương bị khởi tố, bắt giam không có căn cứ pháp luật. Đây là khởi nguồn gây ra oan sai đối với Bs Lê Quang Huy Phương.
Luật sư Hòe nêu quan điểm: Kết quả giám định không phù hợp với hồ sơ thực tế khám, điều trị của Dương Huỳnh Thu Th.. Ông Nguyễn Hoài An – Giám đốc Trung tâm Pháp y Thừa Thiên Huế đã có hành vi cố ý thực hiện giám định trái pháp luật đối với hai bản kết luận giám định.
Cụ thể: kết quả giám định lần đầu định tỷ lệ thương tích 9% đã bị Tòa án nhân dân thành phố Huế bác bỏ.
Đối với việc giám định bổ sung được thể hiện bằng Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 444-19/TgT ngày 05/11/2019 của Trung tâm pháp Y tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đối với việc giám định bổ sung, ông Nguyễn Hoài An đã cố ý thực hiện giám định trái pháp luật, cụ thể:
Một là, giám định khi hồ sơ giám định không đầy đủ, không đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ giám định bổ sung đối với Dương Huỳnh Thu Th. không có bản sao hợp pháp các bệnh án do Bệnh viện Trung ương Huế lập.
Hai là, định tỉ lệ tổn thương cơ thể 31% đối với 2 mắt của bị hại không có căn cứ.
Ba là, Bs Lê Quang Huy Phương không phải chịu trách nhiệm về tổn thương mắt trái (nếu có) của Dương Huỳnh Thu Th., vì kết quả khám ban đầu, Th. chỉ bị sưng nề phần mềm mắt phải, không có thương tích mắt trái.
Bốn là, giám định viên định tỷ lệ tổn thương 2 mắt của Dương Huỳnh Thu Th. 31% là không chính xác. Chị Th. không bị giảm thị lực cả hai mắt còn 3/10 bởi:
Ngày 05/11/2019 có Kết luận giám định thị lực cả 2 mắt giảm còn 3/10, nhưng sau đó khoảng 18 ngày, Th. dự thi tay nghề điều dưỡng, không đeo kính nhưng vẫn làm bài thi dài 12 trang giấy A4 với số điểm 9,25.
Hàng ngày Th. vẫn đi bộ qua đường, vẫn đi xe máy từ nhà đến Bệnh viện và ngược lại với quãng đường khoảng 9 - 10km bình thường. Th. vẫn làm việc bình thường, vẫn lấy ven tiêm cho bệnh nhân mà không gặp bất cứ trở ngại gì.
Luật sư Hòe cũng cho rằng, đối với việc giám định bổ sung, ông Nguyễn Hoài An đã thực hiện việc giám định khi hồ sơ giám định không đầy đủ, không khách quan, không đúng theo quy định tại Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế. Định tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% đối với cả hai mắt không chính xác.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, kết luận giám định bổ sung ngày 25/9/2019 không khách quan và trái pháp luật đã dẫn đến hậu quả là Bs Phương bị các cơ quan tố tụng Thành phố Huế truy tố, xét xử và kết án tăng nặng (bị xử phạt 5 năm tù) về tội "Cố ý gây thương tích" từ Khoản 1 lúc khởi tố ban đầu thành Khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
"Tóm lại, đối với việc giám định bổ sung, ông Nguyễn Hoài An đã thực hiện việc giám định khi hồ sơ giám định không đầy đủ (không có BẢN SAO HỒ SƠ BỆNH ÁN, mà chỉ có BẢN TRÍCH SAO BỆNH ÁN không đầy đủ), không đúng theo quy định tại Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp sao từ sổ gốc, chứng thực từ bản chính. Định tỷ lệ tổn thương cơ thể 37% do Trung tâm pháp y Thừa Thiên Huế đưa ra là không chính xác.
Như vậy, dựa trên hồ sơ bệnh án của Dương Huỳnh Thuy Th. cùng với ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Mắt Bệnh viện Trung ương Huế - người đã từng khám và điều trị cho chị Th. thì kết quả mà Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra là tổn thương mắt 37% là hoàn toàn không có cơ sở", luật sư Hòe nói.
Từ 9% giám định bổ sung lên 37%, người mẹ cầu cứu
Trước đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan có đơn đề nghị Bộ Y tế vào cuộc sau 2 kết quả giám định thương tật nữ điều dưỡng Dương Huỳnh Thu Th..
Trong lá đơn, bà Lan cho rằng; ông Nguyễn Hoài An - Giám định viên pháp y, Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hành vi cố ý thực hiện giám định trái pháp luật dẫn đến hậu quả Bác sĩ Lê Quang Huy Phương bị khởi tố, bắt giam và kết án oan, sai.
Người mẹ này cho biết, trước khi bị khởi tố, bắt giam ngày 25/9/2019, Lê Quang Huy Phương là Bác sĩ - Trưởng Đơn vị chăm sóc da, Khoa Da liễu Bệnh viện Trung ương Huế, còn Dương Huỳnh Thu Th. là Điều dưỡng viên hợp đồng cùng đơn vị với Bs Phương.
Ngày 17/9/2019, do bức xúc việc Th. bôi nhọ, xúc phạm danh dự nên Bs Phương có dùng tay tát gây thương tích cho Th..
Sau đó vài ngày, Th. và gia đình Th. tố cáo Bs Phương. Th. cho rằng Phương đánh gây thương tích và hiếp dâm Th..
Ngày 21/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Huế trưng cầu giám định đối với Th., nội dung yêu cầu giám định: Xác định tỷ lệ thương tích của Th. là bao nhiêu phần trăm? …; Xác định tỷ lệ tổn thương bộ phận sinh dục của Th., màng trinh có bị rách không? Vị trí rách, thời gian rách?.
Ngày 25/9/2019, Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế ra Bản kết luận giám định pháp y về tình dục số 409-19/TD, kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể hiện tại là: 9%.
Ngày 07/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế trưng cầu giám định bổ sung đối với Dương Huỳnh Thu Th..
Ngày 05/11/2019, Trung tâm pháp y Thừa Thiên Huế ra Bản kết luận giám định pháp y về tổn thương cơ thể số 444-19/TgT, kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể hiện tại là 37%.
Cụ thể: hồ sơ giám định không đầy đủ, không đúng theo Quy trình giám định pháp y của Bộ Y tế.
Khi hồ sơ giám định không đầy đủ, theo quy định tại Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế, Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế phải yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung hồ sơ giám định, thu thập hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định.
Nếu Cơ quan điều tra không bổ sung hồ sơ thì Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế phải từ chối giám định và nêu rõ lý do, trả hồ sơ cho cơ quan trưng cầu.
Tuy nhiên, khi giám định lần đầu, Trung tâm pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế không từ chối giám định mà vẫn tiến hành giám định là trái 'Nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn' quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Giám định tư pháp, trái quy định tại Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế.