Tháp Eiffel do công ty của kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế và xây dựng năm 1887-1889 nhằm kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp. Công trình cũng đóng vai trò trung tâm trong Hội chợ Thế giới 1889 tại Paris. Tháp Eiffel không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp và lịch sử lâu dài mà còn bởi những câu chuyện kỳ lạ  liên quan đến nó.

Hai lần lừa bán tháp Eiffel cho nhà buôn sắt vụn

Cả hai vụ lừa đảo không tưởng này đều liên quan đến gã đàn ông ranh mãnh Robert V. Miller, một người cực kỳ thông minh nhưng rất tiếc là lại sử dụng năng lực này cho những việc bất chính.

Tháng 5/1925,  Miller đọc được bài viết trên một tờ báo ở Paris cho biết tháp Eiffel đã xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 30 năm sử dụng và thay vì tu sửa, chính phủ Pháp đang cân nhắc tháo việc dỡ công trình này. Miller nhạy bén nhận ra thông tin này đem lại cho hắn cơ hội làm ăn tuyệt vời. Thế là gã đàn ông 35 tuổi làm giả giấy tờ để mạo nhận là quan chức của một bộ, gửi thư mời 5 nhà buôn phế liệu lớn nhất Paris tới khách sạn Hotel de Crillon nổi tiếng để dự buổi họp mặt, trao đổi về một thương vụ lớn.

Trong buổi gặp mặt này, Miller tuyên bố rằng chính phủ đã quyết tháo dỡ tháp Eiffel vì chi phí tu sửa quá tốn kém, phần sắt vụn phát sinh là 7.000 tấn sẽ được bán cho người trả giá cao nhất. Gã quan chức mạo danh này nhấn mạnh tòa tháp là "công trình bị nhiều người ghét bỏ, được xây với mục đích làm cổng chào cho triển lãm thế giới 1889 và chưa từng được thiết kế để tồn tại lâu dài".

Tháp Eiffel hai lần bị kẻ siêu lừa đảo rao bán làm phế liệu - Ảnh 1.

Tháp Eiffel.

Cả 5 nhà buôn phế liệu đều tin sai cổ và quyết định tham gia đấu thầu. Miller dặn 5 vị khách phải tuyệt đối giữ kín thông tin mật về chuyện tháo dỡ tòa tháp để tránh những tranh cãi ồn ào.

Sau cuộc gặp, gã lừa đảo gặp riêng thương gia Andre Poisson, người mà hắn cho là dễ lừa nhất vì mới đến Paris, nói nhỏ rằng ông là người trúng thầu. Thấy Miller than chuyện lương bổng không đủ sống, nhà buôn hiểu ý hối lộ 70.000 USD để chuyện trúng thầu vụ mua khối phế liệu khổng lồ từ tòa tháp nổi tiếng được đảm bảo chắc chắn 100%.

Đến khi ông biết mình bị lừa, biết rằng chính phủ không hề có quyết định tháo dỡ tháp Eiffel thì Miller đã chạy sang Áo, sống sung sướng với số tiền lớn kia. Andre Poisson ngậm đắng nuốt cay không dám báo cho nhà chức trách để tránh cảm giác ê chề xấu hổ.

Thấy quá "ngon ăn", 5 năm sau, Miller trở lại Paris định lừa bán tháp Eiffel một lần nữa. Tuy nhiên không may cho hắn, người bị lừa đã kịp thời tỉnh ngộ và báo cảnh sát. Tên lừa đảo thấy nguy hiểm, lập tức trốn sang Mỹ.

Siêu lừa đảo 2 lần rao bán tháp Eiffel là ai?

Robert V. Miller sinh ngày 4/1/1890 tại thị trấn Hostinné (khi đó thuộc đế quốc Áo - Hung, nay thuộc Cộng hòa Czech). Người đàn ông này thông thạo 5 thứ tiếng gồm tiếng Czech, Anh, Pháp, Đức và Italy; rất thông minh và giỏi ăn nói. Hắn tự phong cho mình là "Bá tước Victor Lustig" và dùng tước hiệu giả mạo này để lừa đảo khắp châu Âu và cả Mỹ.

Miller sử dụng tới 47 bí danh, hàng chục hộ chiếu giả, bị bắt nhiều lần nhưng vẫn thoát nạn. Chỉ riêng tại Mỹ, hắn bị cảnh sát tóm 50 lần nhưng đều được thả vì không có bằng chứng kết tội. Tên này vì thế được gọi là  "siêu lừa đảo thế kỷ", "bậc thầy của nghệ thuật lừa đảo".

Tháp Eiffel hai lần bị kẻ siêu lừa đảo rao bán làm phế liệu - Ảnh 2.

Victor V. Miller, kẻ đã từng rao bán tháp Eiffel làm phế liệu. (Ảnh: Ophorus)

Nạn nhân đầu tiên của siêu lừa là các vị khách trên khoang hạng nhất của các con  tàu xuyên Đại Tây Dương. Chỉ trong 2 năm ở thập niên 1920, hắn đã lừa được hàng trăm nghìn USD từ các doanh nhân Mỹ trên hành trình du lịch tới nước này.

Ngoài 2 lần bán tháp Eiffel, một vụ lừa đảo nổi tiếng khác của Miller là vụ "hộp đựng tiền Rumani" - chiếc hộp nhỏ bằng gỗ tuyết tùng có con lăn, mặt đồng hồ và nhiều chi tiết phức tạp mà hắn tuyên bố là có thể sản xuất tiền giấy bằng cách sao chụp nhờ chất radium.

Cùng gã đồng phạm Dan Collins, Miller chinh phục "con mồi" bằng những buổi biểu diễn lừa gạt. Hắn nhét vào hộp tờ tiền 100 USD và nói rằng sau 6 tiếng, hộp sẽ in ra những tờ tiền y hệt, rằng nếu không tin thì mọi người cứ việc mang tiền tới ngân hàng kiểm tra (thực chất tiền được để sẵn trong hộp).

Luôn có những người nổi lòng tham muốn mua chiếc hộp in tiền, và Miller sẽ ra vẻ tiếc, không chịu bán, cuối cùng vì khách tha thiết quá mới bất đắc dĩ bán lại với giá khoảng 10.000 USD. Số tiền sẽ còn cao hơn vài lần nếu có nhiều người muốn mua và phải đấu giá để quyết định. Số tiền thật kha khá được nhét thêm vào hộp trước khi bỏ trốn sẽ giúp gã lừa đảo đủ thời gian để chạy thoát.