"Kỉ lục sập nhà" mỗi năm một lần
Chủ nhà là ông Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại căn hộ 1102, nhà CT6, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội thuộc Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam. Ông đã bưng tráp đi kiện sau 3 năm thấy cái nhà mình đang ở liên tục có hiện tưởng vỡ lở, sập vữa, nứt tường và lần đầu gần 1 mét vuông vữa đổ ập lên giường khi ông đang ngủ. Căn nhà này ông mua năm 2003, nhưng từ 2008 đến nay tính ra đã 3 lần trần sập - xứng đáng ghi vào kỉ lục nhà sập ở Việt Nam.
Mảng vữa đã sập xuống vị trí giường ngủ.
10/08/2009 căn hộ của ông Hùng bị sập mái lần một. Lập biên bản xong, nhà thầu để đó. 09/12/2009 trần nhà ông Hùng lại tiếp tục sập lần 2. Lại lập biên bản xong, nhà thầu để đó. Tận cuối tháng 1/2011, nhà thầu mới cho người đến sửa với kết quả là chỉ sau vài ngày, toàn bộ phần trát lại đã sập xuống hoàn toàn. Nhà thầu đưa ra lí do là "“sơn vội vì bị khách hàng giục”.
“Tất cả các công ty, thợ sửa chữa đã nghỉ từ ngày 29/01 riêng thợ sửa chữa thì đã nghỉ từ nửa tháng trước. Ra giêng thợ đi làm em sẽ nhờ họ sửa cho anh” - đây là nội dung tin nhắn nhà thầu gửi riêng cho chủ nhà với thái độ được chủ nhà ghi nhận là "vô trách nhiệm với khách hàng" và mọi lời giải thích chỉ là ngụy biện.
"3 lần sập thì công ty chỉ có 1 lần sửa, mà là nhờ sửa chứ không phải người của công ty sang sửa. Tôi bị tố lại là cố tình chọc cho trần nhà sập. Khi nó đã rụng ra rồi thì chẳng lẽ để nó lơ lửng, nó rụng thêm vào đầu nữa thì làm sao? Một lần mẹ tôi đến nhà thì nhà bị sập. May mà chưa rớt vào đầu mẹ tôi. Nếu mẹ tôi có mệnh hệ gì thì có đền bao nhiêu tiền cũng không bù đắp được. Thứ to nhất là cái trần bị sập, chưa kể tường tróc, nứt nẻ. Phân biệt chung cư cao cấp hay thấp cấp cũng không có ý nghĩa gì," ông Hùng bức xúc nói.
"Có trăm lý do chủ đầu tư đưa cho tôi, như là bận quá, nhà hết bảo hành, ... Có là con trời thì tôi cũng kiện. Nhưng tôi chỉ kiện 6 nghìn đồng. 3 lần sập nhà, mỗi lần 1 nghìn đồng. 3 năm ảnh hưởng đến chúng tôi, mỗi năm 1 nghìn đồng. Tôi không thiếu nhà, không thiếu tiền, tôi đi kiện vì quá phẫn nộ."
Ông Hùng được hồi đáp bằng một công văn ngày 8/4/2011, với nội dung "đề nghị gia đình thu xếp nhanh để chúng tôi sửa nhà vì nhà đã hết bảo hành", và không đề cập đến chuyện xin lỗi, bồi thường hay cam kết không để trần sập lần thứ 4.
Lật lại chuyện "lỡ" của nhà đài
Vừa qua, một clip dìm mèo xuống hồ được phát sóng đã làm bùng lên làn sóng phẫn nộ gay gắt từ phía dư luận bởi những hình ảnh được xem là hết sức “vô nhân”. Khó coi hơn khi những hình ảnh này lại xuất hiện trong chương trình giáo dục dành cho trẻ em của nhà đài.
Theo lời một khán giả phản ánh lại trên mạng xã hội: "Chương trình gì đó quay mấy đứa trẻ con thả một chai nước suối và một con mèo con bị buộc ôm chặt chai nước đó xuống bể bơi. Con mèo con vùng vẫy, quằn quại và lăn xuống nước rất bất nhẫn. Cả một ê kíp làm phim đứng đó, quay cận cảnh, góc máy khiến người xem gai người... Phân đoạn đó giống một bộ phim về sự tự kỷ thích hành hạ vật nuôi rất bệnh hoạn."
Bạn TN - quản trị trang web những người yêu động vật lên tiếng: “Tôi rất choáng váng trước một chương trình được xem là giáo dục cho trẻ em nhưng kịch bản lại quá cẩu thả như vậy. Điều bất ngờ là nó lại được nhà đài duyệt và phát sóng." Đây cũng là ý kiến của phần đa dư luận khi biết tin sau đoạn phim được xem là "hơi hướng bạo lực, hành hạ động vật" mà nhà đài "trót dại" phát ra.
Trong một chương trình thư giãn, diễn viên nam nắn ... đùi diễn viên nữ với lời thoại “lốp căng ghê", còn diễn viên nữ thì mấy lần lặp lại lời thoại "bác cứ làm gì em thì làm". Kịch bản dựng lên với mục đích gây cười, nhưng phải chăng đã lạm dụng ngôn từ " giang hồ" quá đág và diễn xuất vượt sai lệch thuần phong mỹ tục đã “thô tục hóa” bộ mặt của chương trình.
Dung tục và dễ dãi. Đấy là những nhận xét mà khán giả đã phản ứng sau khi xem chương trình này. Bạn đọc Trực Ngôn bất bình cho hay: " Bất bình và thất vọng bởi sự dung tục và dễ dãi của tiểu phẩm. Màn ảnh truyền hình phải là nơi định hướng thẩm mỹ sâu rộng nhất, hiệu quả nhất đối với công chúng. Muốn đạt hiệu quả giáo dục giải trí, có thể cách điệu những vấn đề có thực từ đời sống. "
Thêm chuyện cô Lượm mang tiếng lừa dối khán giả Việt. Cô Lượm (tự giả danh một nhân vật có thật với số phận khổ đau, được nhà đài mời lên giao lưu với khán giả cả nước và nhận được không ít cảm thông lẫn tiền từ thiện - PV) đã xin lỗi khán giả từ lâu, còn phía nhà đài thì đưa ra một lời xin lỗi được dư luận cho là muộn màng sau bao nhiêu lần bị phản đối, công kích.
Nick jimmy trên một diễn đàn du học sinh phát biểu: "Lỡ giáo dục lệch lạc", "lỡ kịch bản dung tục" thì nhà đài nên nhanh chóng cập nhật chuyện "lỡ" thành chuyện "chữa", vừa tốt cho nội dung, vừa đẹp lòng thiên hạ.
Cách ứng xử "bề trên" và thất bại từ việc không chấp nhận thế yếu
Cách ứng xử "bề trên" và việc không chấp nhận thế yếu của doanh nghiệp, tổ chức dẫn đến việc khách hàng, khán giả từ vị trí của người được phục vụ trở thành những kẻ phải tiếp nhận, và chấp nhận những thông tin không văn minh, những cách hành xử thiếu tôn trọng.
Vietnam Airlines vừa ê chề thất bại ngay trên sân nhà của mình. Dù vụ lùm xùm giữa Vietnam Airlines và HLV Lê Minh Khương như thế nào, thì việc không đối diện với chính mình và từ chối đối thoại để tìm ra giải quyết, làm rạn nứt niềm tin từ chính thị trường sân nhà của mình là thất bại đau đớn nhất.
HLV Lê Minh Khương. (Ảnh DV)
Cơ quan truyền thông uy tín nhất quốc gia là nơi phản ánh đúng đắn thực trạng xã hội, đồng thời trân trọng và phát huy tinh hoa văn hóa Việt. Đây là nguồn thông tin có độ tin cậy cao, cập nhật, được ủng hộ bởi đông đảo khán giả. Tuy nhiên, chỉ hai, ba sự kiện gần đây cũng đủ lung lay niềm tin vào một thể chế truyền hình thống lãnh truyền thông Việt trong bao nhiêu năm qua. Cho đến nay, vẫn chưa có một cuộc đối thoại nào thỏa đáng làm rõ trách nhiệm và cái đúng cái sai trong công tác truyền thông làm mất niềm tin của người dân. Đó là rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đài.
Những câu chuyện như một chương trình truyền hình được công luận đánh giá là tật nguyền nhân tính, nhà vô tư sập hay sự bỏ mặc của chủ đầu tư, "ông kẹ" quay lưng với phản ứng của cộng đồng... chẳng còn là câu chuyện của một cá nhân, một tổ chức mà đã trở thành một vết nhơ nằm ngay ngắn trong lòng khán giả và chẳng dễ xóa bỏ. Ở mặt trận nào, dù kinh tế, xã hội hay chính trị, văn hóa đối thoại luôn là kim chỉ nam cho đường lối làm việc của doanh nghiệp, tổ chức - nếu không khôn khéo - "lên voi" rồi "xuống chó" chỉ cách nhau chưa đến một bàn tay.