Thắt chặt hầu bao, dân Trung Quốc chuộng hàng hiệu second hand - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán đồ hiệu đã qua sử dụng của ZZER ở Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Chuyên gia đầu tư mạo hiểm này nhìn thấy xu hướng nhiều người muốn bán túi xách Hermes Birkin hoặc đồng hồ Rolex để có thêm tiền mặt, trong khi nhiều người khác muốn giảm bớt mức chi tiêu.

“Bây giờ ngày càng nhiều người biết rằng họ có thể bán đồ cao cấp để thu tiền về, trong khi phía mua có thể mua được món đồ yêu thích”, Zhu, 33 tuổi, nói.

Zhu cho biết số người gửi đồ của họ lên ZZER trong 9 tháng đầu năm nay tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sàn này đã có 12 triệu thành viên và dự kiến bán được 5 triệu món đồ cao cấp đã qua sử dụng trong năm nay.

Xu hướng này cho thấy thay đổi đáng kể trong ngành hàng xa xỉ trị giá 74 tỷ USD của Trung Quốc, nơi lĩnh vực mua bán đồ hiệu second hand trước đây khó phát triển như ở Mỹ và Nhật, do tâm lý người dân chuộng đồ mới và lo mua phải hàng giả.

Xu hướng này có thể sẽ tác động đến chiến lược tập trung vào thị trường Trung Quốc của các thương hiệu cao cấp.

Thị trường hàng hiệu second hand của Trung Quốc dự kiến tăng từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 30 tỷ USD năm 2025, hãng tư vấn iResearch đánh giá từ cuối năm nay. Số liệu của năm nay chưa được công bố.

Wang Jianing, một nhân viên văn phòng, cho biết chị đang tìm mua một chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng, vì tình hình kinh tế không lạc quan lắm.

“Chi tiêu của tôi trong năm nay chắc chắn giảm, nhưng tôi vẫn thích những thứ đó, tôi không thể nhịn mua sắm”, Wang nói với Reuters khi đứng trước một tủ trưng bày túi LV và Gucci đã qua sử dụng trong cửa hàng của ZZER ở Thượng Hải.

ZZER dựa vào tâm lý của những người như Wang để phát triển. Công ty này thành lập sàn thương mại trực tuyến từ năm 2016, sau đó mở cửa hàng trực tiếp ở Thượng Hải và Thành Đô từ năm ngoái. ZZER giờ đang tìm vị trí để mở cửa hàng ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Ngoài ZZER còn có một số sàn trực tuyến khác hoạt động tương tự, bao gồm Feiyu, Ponhu và Plum. Mỗi sàn này thu hút hàng chục triệu đô la từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong các năm 2020 và 2021, với chiến lược về nâng cao thói quen mua hàng chính hãng, mở rộng đối tượng khách hàng và chuyển từ sàn trực tuyến sang bao gồm cả cửa hàng trực tiếp.

Dù túi xách là mặt hàng chủ yếu trên các sàn như ZZER, Zhu cho biết doanh số bán đồng hồ và đồ trang sức qua sử dụng cũng đang tăng nhanh.

Mỗi chiếc túi Prada hay Fendi Baguette qua sử dụng có giá rẻ hơn 30-40% so với túi mới, nhưng nhiều sản phẩm được bán rẻ hơn nhiều do ngày càng nhiều người ký gửi hàng.

Ou Huimin, chủ cửa hàng chuyên bán đồ vintage ở Quảng Châu, cho biết giá một chiếc Rolex Submariner tăng gần 250% trong giai đoạn năm 2020-2021, nhưng giảm tới 60% trong năm nay. “Tiêu dùng đang trở nên hợp lý hơn”, Ou đánh giá.

Theo Reuters