Cu Minh mới hơn 5 tuổi, đang theo học lớp lá ở trường mầm non. Những tưởng con còn nhỏ dại không thể có tính xấu vì vợ chồng chị cũng rất kĩ càng trong việc giáo dục con cái. Chị Huệ không thể ngờ rằng thời gian gần đây cu Minh liên tục lấy trộm những khoản tiền nho nhỏ của mẹ khi mẹ để trên bàn hoặc ở đâu đó.

Ban đầu những tờ tiền mệnh giá nhỏ bỗng dưng “mất tích” chị nghĩ rằng chắc chồng lấy để tiện cho việc trả tiền gửi xe hằng ngày. Nhưng đến một hôm, khi móc túi đưa cho chồng vài chục nghìn tiền lẻ thì chị mới tá hỏa vì chưa bao giờ chồng chị lấy những tờ tiền chị để quên kia.

Nhộn nhạo, hoài nghi một hồi lâu chồng chị mới sực nhớ. Cách đây mấy hôm, có bắt gặp cu Minh chơi trò gắp thú nhồi bông ở đầu ngõ. Những tưởng vợ cho con tiền để chơi nên anh lờ đi mà không hỏi vợ xem có cho con tiền chơi không.
 

Đến lúc này thì cả hai vợ chồng mới phát hiện con mình đã lấy tiền để ra chơi gắp thú nhồi bông. Bực mình, chồng chị Huệ gọi con vào và tét cho vài phát vào mông để răn đe cho bé sợ.

Tuy nhiên 1 tháng sau đó, khi đưa con đi tiêm phòng để gọn gàng cho cả hai mẹ con lại mặc đồ không có túi nên chị Huệ để tiền vào trong túi đồ của con xách đi. Khi về cũng không để ý cất đi ngay. Đến khi thấy con cứ dấu diếm gì đó trong túi, chị lục túi của con thì thấy toàn bộ số tiền mình trong túi bé. Có hỏi con lấy tiền này để làm gì thì bé sợ sệt trả lời: không biết. Đã đành đau xót khi nhìn thấy con khóc thét vì bị bố đánh lại càng đau xót hơn vì không ngờ còn nhỏ nhưng con đã có tính xấu.

Cũng như trường hợp cu Minh nhà chị Huệ, bé Thảo con chị Trang cũng có tính “tắt mắt” tương tự. Cách đấy ít bữa, tranh thủ lúc đưa con đến lớp chị vào trò chuyện với cô giáo và cảm ơn cô vì món quà là túi dây buộc tóc cô cho con. Ai ngờ khi nói chuyện với cô giáo thì cô khẳng định là không hề cho bé Thảo túi dây buộc tóc đó mà chỉ cho bé một quả bong bóng thôi còn tất cả thứ cháu mang về là cháu tự động lấy.

Cô còn phản ánh rằng thời gian gần đây bé Thảo rất hay lấy đồ của bạn. Hễ thấy bạn có món đồ gì mới, đẹp mà bé cảm thấy thích là bé lấy luôn. Vừa buồn vừa xấu hổ, vừa xót xa cho con, tại sao con mình lại có tính xấu như vậy. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại mặc dù chị đã quát mắng con nhưng không được. Lần này, chị về có nói lại cho ông xã nghe, ông xã giận quá, lôi con ra tét cho một trận, chị không dám đứng đó nhìn mà trốn vào phòng khóc, vừa xót con, vừa buồn khi con có tính xấu như vậy mà mình bất lực vì đã nhiều lần dạy dỗ, nói nhẹ, hăm dọa, đánh đập đủ cả mà con vẫn chứng nào tật ấy.
 
Theo các chuyên gia tâm lí, việc trẻ thường xuyên lấy trộm đồ của người khác là biểu hiện tâm lí bé mong muốn được sở hữu món đồ mà mình thích. Trong trường hợp bé lấy trộm tiền của cha mẹ hầu hết là để bé có thể chơi những trò chơi một cách thoả thích trong khi bố mẹ không cho chơi hoặc khi chỉ được chơi một vài lần.

Khi con có tính xấu, cha mẹ hãy đừng vội đánh con. Biện pháp lúc này là phải biết kết hợp giữa dạy và dỗ. Hãy phân tích cho con biết rằng đó là hành động xấu, mọi người sẽ tẩy chay và không chơi với con nữa khi con làm điều đó. Đề ra quy định phạt con nếu còn tái phạm để bé luôn lấy đó làm tôn chỉ mà tránh hành động xấu đó.