Thời điểm tâm lý bất ổn nhất đối với các bà mẹ bỉm sữa thường là giai đoạn ngay sau sinh con. Cũng trong giai đoạn này, nhiều người mẹ phải đối mặt với bệnh trầm cảm sau sinh nặng nề, đôi khi để lại những hậu quả khó lường. Tâm sự của một bà mẹ hiếm muộn, bất ngờ có con trong giai đoạn khủng hoảng của cuộc đời (chồng phản bội, công ty trên đà phá sản) dưới đây sẽ mang đến thêm một cái nhìn chân thật hơn về tình cảnh của những người trong cuộc. Rất may vì con, chị đã nỗ lực hết mình để vượt qua và nay có thể hưởng những ngày tháng an vui bên cậu con trai 3 tuổi. Người mẹ kiên cường này là chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (36 tuổi, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh).
Chị Kim Tuyến và con trai hiện tại.
"Tôi nhận ra mình đã từng chung sống với chứng trầm cảm trầm trọng trong suốt thời gian mang thai và sau sinh 8 tháng. Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn còn hiện diện trầm cảm, nhưng tôi đã kiểm soát và chế ngự được nó. Nhớ thời điểm đó, đầu óc tôi chưa 1 ngày được thanh thản, người lúc nào cũng như điên như dại, đa sầu đa cảm, đụng đến là khóc.
Tôi mang thai sau hơn 3 năm chạy chữa hiếm muộn, khi công ty ở trên bờ vực phá sản, tình cảm của tôi và ba của con tôi đang có nhiều mâu thuẫn, người đàn ông của tôi ra ngoài đã có 3 đứa con với 3 người phụ nữ khác và trong người tôi tài chính chỉ còn là con số 0 tròn trĩnh. Ngày thai vừa được 2 tháng, tôi buộc phải rời công ty, chuyển chỗ ở đến 1 nơi cách xa trung tâm 15km để đỡ chi phí. Rồi ba của con tôi cũng bỏ mẹ con tôi đi biệt tăm khi tôi mang thai chưa được 3 tháng.
Thời gian mang bầu, tôi đi ngủ lúc 4h sáng và bình minh lúc 9 - 10h, chẳng muốn tiếp xúc với ai, lúc nào cũng lủi thủi một mình, chỉ thích chơi với con nít. Lúc nào mặt mày cũng đăm đăm, chỉ cảm nhận ăn, sống vì đứa con trong bụng. Tôi thậm chí còn khó chịu và nổi nóng với tất cả mọi người, kể cả mẹ mình. Mỗi khi mẹ điện thoại nhắc nhở ăn uống, tôi lại gào lên.
Tiền không có, đầu óc toàn nghĩ quẩn. Ra đường thấy người phụ nữ nào có chồng bên cạnh, tôi lại lấy tay xoa bụng và khóc. Đi khám thai một mình, ra xe về cũng khóc, nước mắt nước mũi ướt hết cả khẩu trang, khóc không thấy đường đi thì dừng lại lau nước mắt rồi đi tiếp. Nghe bản nhạc buồn cũng khóc. Ngồi ăn cơm một mình cũng khóc. Cuộc sống của tôi lúc đó chỉ toàn là nước mắt chan cơm, thật không hiểu nước mắt đâu ra mà nhiều thế.
Hai mẹ con chị đã vượt qua rất nhiều thử thách để có được bình yên bên nhau.
Ngày ngày gặp mọi người, tôi vẫn cười vẫn nói và chọc cười họ. Đêm về, tôi vào phòng chốt cửa mở tivi để đó rồi thủ thỉ với cái bụng bầu và lại khóc. Nghĩ mãi không ra tại sao cuộc đời lại thử thách tôi nhiều đến thế, tại sao ba của con tôi lại phụ tôi, để mẹ con tôi bơ vơ trong lúc khốn khó và cần tình cảm nhất!
Nhìn cái gì tôi cũng thấy lo sợ và suy nghĩ tiêu cực. Sợ đến ngày sinh con, tôi sẽ nói với ba tôi như thế nào vì trong gia đình ba thương tôi nhất, kì vọng và cả hãnh diện vào tôi nhiều lắm. Rồi tôi cũng lại sợ sẽ không nuôi dạy được con mình, sợ con tôi sau này sẽ hận vì tôi không cho con có được mái ấm gia đình đúng nghĩa, sợ con sẽ suy nghĩ lệch lạc.
Mang thai đến tháng thứ 5, tôi không tăng được cân nào. Trong suốt thai kỳ, tôi đi bệnh viện và uống thuốc nhiều hơn ăn cơm, xỉu và tụt huyết áp liên tục, cứ mỗi khi xúc động mạnh là máu mũi ra từng cục. Bác sỹ còn nghi ngờ tôi bị ung thư, khuyên sinh xong nên đi chữa cái mũi ngay không là bỏ con đấy.
Ngày chuyển dạ, tôi nhập viện với hơn 5 triệu tiền để dành, chỉ cầu mong sinh thường được để đỡ tiền viện phí. Nhưng vì thiếu hiểu biết nên khi rỉ ối đến 12 ngày tôi mới vào bệnh viện. Bác sĩ chỉ định nhập viện gấp vì nguy hiểm đến con, lại lo sợ và khóc vì sợ cho sức khỏe của con. Vào bệnh viện cũng chẳng có ai bên cạnh. Mẹ tôi không dám xuống thăm nuôi con gái vì sợ ba phát hiện. Ba của con tôi cũng không hề có mặt. Chỉ có em trai và em gái thay nhau vào chăm.
Tôi đau suốt 20 tiếng nhưng không chảy một giọt nước mắt, nhất định xin được sinh thường, đến khi đau quá lâu mà chưa sinh được thì xin chích thuốc sinh không đau. Chích thuốc xong không còn biết gì mà mãi cũng không sinh được vì tử cung lười hoạt động. Nằm trên băng ca đẩy đến phòng mổ, nửa mê nửa tỉnh, tôi mở mắt, nhìn thấy em gái lại khóc òa lên. Vào phòng mổ lạnh ngắt, tiếng dụng cụ kim loại va vào nhau sợ quá cũng khóc, chả hiểu người kiểu gì mà thích khóc thế.
Bé Gold hiện tại đã gần 3 tuổi, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mẹ.
Ngày thứ 2 ở bệnh viện, không thấy đau đớn gì, thấy nóng nực, tôi tự dậy vào nhà vệ sinh tắm và giặt tã. Nào ngờ sau đó nằm liệt giường, đau tưởng chết. Nằm đến ngày thứ 5 vẫn không dậy và trở mình được, vết mổ không lành, các mẹ khác xuất viện hết, riêng tôi vẫn ở lại đòi làm... trưởng phòng. Đến khi được xuất viện, tiền viện phí 11,2 triệu, em gái thanh toán cho.
Thời gian về nhà, vì uống và chích quá nhiều giảm đau và kháng sinh, sữa của tôi không có đủ cho con bú. Con gắt gỏng với mẹ, mẹ cho uống sữa ngoài, ba nó về nói không biết làm mẹ, không cho con uống sữa mẹ con sẽ kém thông minh... Con bị tiêu chảy, nhắn tin cho ba nó, ba nó bảo mẹ ăn linh tinh không biết giữ gìn nên con mới bị như vậy. Con bị vàng da, ba nó bảo tại không được bú mẹ đầy đủ nên vậy. Da con bị lốm đốm như nổi ban, ba nó bảo do mẹ không biết chăm con. Ấm ức lại khóc, vì cái gì cũng đổ tại mẹ.
Một đêm đứng lên ngồi xuống không biết bao nhiêu lần, đau vết mổ, đau lưng, chân yếu đi không nổi, ngồi trên chiếc ghế nhựa mà lết từng bước, lom khom như bà cụ 90 tuổi. Sinh con 7 ngày tự dậy nấu ăn, giặt giũ, chẳng có người giúp và cũng ngại nhờ vả nên tự mình làm hết. Vết mổ mãi không lành và chảy nước, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thèm một giấc ngủ ngon nhưng không được, thèm cảm giác được ba nó ôm ấp vỗ về 2 mẹ con, thèm cuộc sống của mẹ con tôi có người đàn ông làm chỗ dựa, để tôi không phải gồng mình lên đảm đương tất cả.
Hai mẹ con chị nay đã đi du lịch khắp chiều dài Việt Nam.
Suốt 4 tháng liền, mỗi đêm tôi đều không ngủ được một phút giây nào nhưng tuyệt đối ngày không buồn ngủ. Rồi cứ mỗi khi con khóc, quá mệt mỏi, tôi lại nghĩ thôi uống liều thuốc kết liễu cuộc đời, sẽ không đau đớn và khổ sở nữa. Tôi còn tính sẽ gửi con cho ba nó. Nhưng tưởng tượng đến cảnh khi tôi chết, mẹ tôi sẽ khóc nhiều, gia đình và các em sẽ buồn, con tôi theo đám tang của tôi với ánh mắt ngơ ngác, rồi ba nó không thương nó, sẽ hành hạ nó... Nghĩ đến con, con đã thiếu tình cảm cha, giờ không còn mẹ nó sẽ bất hạnh đến thế nào, nên lại không đành lòng.
Tôi lên mạng tìm hiểu, nhận ra dấu hiệu bệnh tôi mắc phải. Tôi không ngủ suốt thời gian dài, không chia sẻ được với ai, lại toàn sống trong ảo tưởng nên mới ra nông nỗi này. Như cứ mỗi khi nghe tiếng xe đầu ngõ, tôi lại tưởng tượng cảnh ba nó về thăm, lại ôm con ra ngóng, không phải lại khóc. Nhưng mỗi khi có người quen hoặc ba nó về thăm, tôi lại tỉnh táo và không để ai biết nước mắt tôi vừa rơi ướt áo.
Nhìn con khi ngủ ngon giấc, khi con bệnh, khi con ngơ ngác, tôi cũng khóc vì thương con. Cảm giác để con thiếu thốn khiến tôi cắn rứt. Tôi biết mình đã làm khổ con mình, đứa con mà tôi đã vất vả và đấu tranh hàng ngàn thứ để giữ được. Rồi tôi học cách nghĩ về con, về bản thân và ba mẹ tôi nhiều hơn để có động lực để mà sống, để cố gắng.
Từng chút một mỗi ngày, tôi sống tốt hơn cho tới tận bây giờ. Hiện tại, tôi vẫn làm tất cả một mình, cuộc sống vẫn chỉ có 2 mẹ con nhưng lúc nào cũng có nhau, đi du lịch muôn nơi. Khắp Việt Nam này, từ địa đầu Sa Vĩ cho đến cuối mũi Cà Mau, chưa nơi nào là mẹ con tôi chưa đặt chân đến vài ba lần. Đôi lúc tôi vẫn buồn và chạnh lòng, nhưng tôi gạt nhanh qua không nghĩ nhiều, không để đầu óc nặng nề quá dù biết trầm cảm sau sinh vẫn còn ở trong tôi. Với tôi, trầm cảm là bệnh nhưng không thể lấn át tình mẫu tử được".