Một học sinh Hàn Quốc mới đây đã chia sẻ câu chuyện có thật của mình lên mạng xã hội và gây tranh cãi dữ dội. Câu chuyện đã bóc trần mặt tăm tối, sự ganh đua thành tích đáng sợ của nền giáo dục "xứ kim chi".
"Trước giờ em vẫn ở trong top 9-11 của trường. Nhưng lần này là kỳ cuối của năm lớp 11 nên em đã học tập rất chăm chỉ. Cuối cùng em đạt hạng nhất toàn trường. Có một bạn học giỏi tất cả các môn trừ tiếng Anh nên không tự tin lắm vào môn này. Em xin tạm gọi bạn này là A. Lần này A bị tụt xuống hạng hai.
Về tổng các môn A luôn được hạng nhất, nhưng cùng bậc thì trường có cách chia từng mức. Lần này em được hạng nhất môn tiếng Anh còn A chỉ được hạng 2. Sau đó mẹ của A biết được chuyện này và gọi điện cho em. Cô ấy thật sự rất đáng sợ.
Mẹ A nói: "Nghe bảo lần này cháu được hạng nhất hả, có phải cháu đã gian lận không? Con gái cô luôn được hạng nhất suốt hai năm nay, nó là học sinh gương mẫu xếp bậc 1 trong tất cả các môn. Còn cháu hình như chỉ trong top 10 hay gì đó thôi nhỉ? Cháu có biết là vì cháu mà con gái cô mất danh hiệu "toàn bậc 1" không? Chắc nhà trường cũng ghét cháu lắm. Họ đã muốn đưa học sinh đứng đầu vào Đại học Seoul mà.
Nói thật đi, cháu đã gian lận đúng không? Trước khi to chuyện thì cháu hãy thừa nhận mình gian lận đi? Cháu nghĩ cô không phát hiện ra sao? Hay chúng ta công khai chuyện này nhé? Cô sẽ gọi hết các phóng viên mà cô biết. Cháu có thích lên bản tin thời sự lúc 9h không?".
Cô ấy đe dọa như vậy, em phải làm sao đây? Em đã cúp máy. Cứu em với. Thật sự em không gian lận, em đã học rất chăm... Môn tiếng Anh em học từ tài liệu ôn thi Đại học mà các anh chị lớp 12 dùng. Em học thuộc hết các câu hỏi tiếng Anh nên đã được hạng nhất. Thật sự em làm bài bằng năng lực của mình.
Em phải làm sao? Nhỡ cô ấy gọi phóng viên và tin tức về em được phát sóng thì sao? Cứu em với. Lúc cô ấy gọi em hồi hộp quá nên không ghi âm được gì cả. Em lại dùng iPhone nên không có chức năng ghi âm".
Câu chuyện của bạn học sinh đã khiến dư luận Hàn Quốc vô cùng phẫn nộ. Nhiều người bức xúc bình luận: "Sao lại có những người mẹ ganh đua thành tích như vậy nhỉ? Nền giáo dục Hàn Quốc quá áp lực rồi".
"Từ khi nào mà những người làm cha mẹ lại ganh đua và đe dọa bất kỳ ai có thành tích tốt hơn con mình như thế?".
"Nếu bà mẹ ấy dọa đưa lên báo thì hãy bạn hãy dọa sẽ kiện bà ta tội xâm phạm thông tin cá nhân và bôi nhọ danh dự người khác. Một nền giáo dục quá đáng sợ. Thể nào nước ta lại có tỷ lệ học sinh tự tử cao nhất nhì thế giới. Học sinh cạnh tranh và sống trong bầu không khí đầy áp lực như này thì chịu sao nổi?".
Học sinh Hàn Quốc kém hạnh phúc nhất thế giới vì áp lực học hành, thi cử
Theo một khảo sát năm 2015 thực hiện với 30 quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) thì mức độ hài lòng về cuộc sống của thanh thiếu niên Hàn Quốc xếp vị trí áp chót, theo sau là Ba Lan và Romania.
Chưa đến 60% Hàn Quốc được hỏi hài lòng về cuộc sống hiện tại. Các em cho biết, nguyên nhân đến từ gánh nặng bài vở hàng ngày. Trong một tiêu chí khác của khảo sát thì học sinh Hàn Quốc chịu thiệt thòi nhất vì thiếu những hoạt động ngoại khóa bổ ích, đáp ứng nhu cầu sở thích.
Một cuộc khảo sát khác với quy mô toàn cầu đối với 135 quốc gia cũng xếp Hàn Quốc ở vị trí thứ 75 về mức độ hạnh phúc của học sinh.
Những năm qua, thành tích của ngành giáo dục Hàn Quốc đạt được vô cùng đáng nể. Nước này từng xếp hạng 1 trong top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp (2013-2017), theo bảng xếp hạng của NJ MED.
Tuy nhiên, song song với thàng tích là những mảng tối, hệ lụy vô cùng nguy hiểm đang ngày càng lây lan trong xã hội. Học sinh nước này luôn ở trong tình trạng căng thẳng, ganh đua quyết liệt về mặt thành tích. Những bậc cha mẹ ép buộc con cái học ngày đêm để đạt điểm số cao và có cơ hội vào những trường đại học top đầu.
Ở Hàn Quốc, có một khái niệm gọi là S.K.Y – ám chỉ 3 trường đại học top đầu: Đại học Quốc gia Seoul (SNU) - Đại học Hàn Quốc (KU) và Đại học Yonsei (YU). Hàng năm báo chí đều thống kê tỉ lệ luật sư, thẩm phán, tổng giáo đốc tốt nghiệp từ S.K.Y. Điều này khiến nhiều phụ huynh tin rằng, S.K.Y là con đường duy nhất khiến con cái họ thành công.
Trong câu chuyện của bạn học sinh trên, người mẹ vì sợ con tụt thành tích sẽ mất suất vào đại học Seoul nên đã có hành động đe dọa.
Chính sức ép nặng nề từ những đợt thi cử và từ cha mẹ đã khiến tỷ lệ trầm cảm trong giới học sinh Hàn tăng cao. Hàn Quốc trở thành một trong những nước có tỷ lệ học sinh tự tử cao nhất thế giới.