Cô Lý gần đây cảm thấy sắp phát điên khi đứa con của mình "vặn vẹo" bố mẹ đủ đường. Hầu như mỗi ngày cô đều cãi nhau chí chóe với con mình, thường xuyên bực tức vì làm gì cũng không đúng ý của con.
Vào một ngày, một người bạn dẫn con nhỏ tới nhà cô chơi. Đương nhiên 2 đứa nhỏ nhanh chóng chơi đùa cùng với nhau. Con cô muốn bạn kia làm quái vật còn mình là siêu nhân. Nhưng bạn kia lại muốn ngược lại. Thấy như vậy, cô liền tới giải thích cho con trai mình hiểu: "Con không thể ép bạn trở thành quái vật trong khi bạn không thích. Con cần phải tôn trọng bạn chứ!".
Nghe mẹ nói như vậy, cậu bé liền lăn ra đất khóc lớn. Cô Lý liền chạy tới ôm dỗ dành con mình, nhưng cậu bé bất ngờ đẩy mẹ ra và hét lớn: "Mẹ đừng có ôm con". Thấy con trai khóc lớn, cô cảm thấy có chút xấu hổ trước mặt bạn mình nên cố gắng dỗ dành con trai thêm một lần nữa: "Thôi được rồi! Vậy để mẹ thay bạn kia làm quái vật nhé! Con có chịu không?".
Tưởng như vậy là xong chuyện, không ngờ cậu bé càng khóc lớn: "Không, không, con không chịu đâu, mẹ đi đi".
Trước tình huống như thế này, người lớn thường có 2 phản ứng:
1. Mặc kệ con khóc, rồi bỏ đi
Bạn cảm thấy rằng, mình đã kiên nhẫn dỗ dành nhưng kết quả đứa con lại không cần, đương nhiên cơn tức giận trong lòng sẽ bộc phát: "Con không muốn nói chuyện với mẹ, thế thì con cứ ngồi đó mà khóc đến khi nào chán thì thôi. Mẹ mặc kệ con đấy!"
Khi thấy mẹ bỏ rơi mình, đứa trẻ càng khóc khủng khiếp hơn, vừa khóc lớn vừa chạy theo bám lấy mẹ: "Mẹ ơi, mẹ ơi".
2. Trở nên cáu kỉnh, chỉ muốn cho vài roi vào mông con
Càng dỗ dành trẻ càng bướng bỉnh không nghe lời, bạn không biết phải làm gì, buồn bã và không thể chấp nhận được. Nhìn cảnh con cái khóc lóc ồn ào trong nhà, bạn dễ dàng trở nên mất bình tĩnh, cáu kỉnh và muốn đánh con vài roi: "Lần nào không vừa ý là con đều khóc lóc, làm loạn cả nhà lên. Rõ ràng con ép buộc bạn ấy, con sai rành rành ra đó tại sao còn khóc lóc như vậy hả?".
Lúc này, một số đứa trẻ sẽ càng khóc dữ dội hơn, dù có bị mẹ đánh cũng vẫn không chịu nhận ra lỗi sai của mình: "Con chỉ muốn khóc, mẹ để yên cho con đi". Sau đó, cuộc chiến nảy lửa giữa mẹ và con cái bắt đầu.
Trên thực tế, 2 phản ứng này của người lớn đã rơi vào bẫy cảm xúc của trẻ.
Tại sao trẻ lại mất bình tĩnh, bố mẹ làm gì cũng không làm dịu được tâm trạng?
Khi đối mặt với cùng một vấn đề, trẻ em ở từng giai đoạn phát triển khác nhau sẽ cần được an ủi theo những cách khác nhau.
Trước 3 tuổi, mọi vấn đề của trẻ sẽ đều cần bố mẹ dỗ dành để giải tỏa. Bố mẹ có thể giải thích, chuyển hướng sự chú ý, đồng cảm để khiến trẻ bình tĩnh trở lại.
Nhưng sau 4 hoặc 5 tuổi, trẻ lại không cần sự can thiệp của bố mẹ như trước nữa. Điều này có nghĩa là mọi lời an ủi hay hành động dỗ dành nào cũng đều không còn tác dụng. Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu học cách tự xoa dịu bản thân, không muốn dựa dẫm vào bố mẹ nữa.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ muốn tự an ủi mình?
Trẻ thường sẽ khóc, tự trút giận một mình, nhưng đây là một bước quan trọng chứng tỏ trẻ đang dần trưởng thành. Mặc dù những hành động lúc này của trẻ có thể khiến người lớn cảm thấy bực tức, nhưng khóc chính là hành động giúp trẻ tự xoa dịu cảm xúc của bản thân.
Tiến sĩ tâm lý học Alde Salter ở Mỹ cho biết: "Khóc không chỉ giải phóng cảm xúc của trẻ, nó còn là một quá trình tự chữa lành những tổn thương tâm lý của cơ thể. Trẻ cần dùng nước mắt để giải tỏa những cảm xúc tồi tệ không thể diễn tả bằng lời ra ngoài".
Trên thực tế, người lớn khi khóc xong cũng đều cảm thấy rất dễ chịu, trẻ cũng tương tự như vậy. Bố mẹ cứ để trẻ khóc một lúc để tự trấn tĩnh lại bản thân, đừng bỏ đi lúc này. Bởi suy cho cùng, bố mẹ vẫn là người khiến trẻ có cảm giác an toàn nhất, chúng vẫn cần sự đồng hành của bố mẹ lúc này. Nếu bố mẹ thực sự rời đi, trẻ càng cảm thấy khó chịu hơn, không còn cảm giác an toàn, điều này sẽ khiến chúng suy sụp hơn nữa.
Nếu bố mẹ không bỏ đi, cách dỗ trẻ nín khóc là gì?
- Bố mẹ cần ổn định cảm xúc của mình, tránh hành vi quá khích
Khi mất bình tĩnh, nhất là lúc trẻ quấy khóc, người lớn dễ có những hành vi mất kiểm soát. Trong tình huống bạn tức giận và bỏ đi, trẻ sẽ không thể giải tỏa cảm xúc và tự xoa dịu bản thân. Nếu trẻ muốn bạn đi chỗ khác, bạn có thể rời khỏi chỗ hiện tại và đi tới chỗ mà chúng vẫn nhìn thấy được.
- "Mẹ đi đi, mẹ xấu lắm, con ghét mẹ!".
- "Để mẹ đi xa một chút nha. Mẹ đứng chỗ này được không con?".
- "Xa hơn nữa!".
- (Lùi lại nửa bước). "Chắc chỗ này được rồi con nhỉ. Xa lắm rồi đấy!".
Cứ như vậy, cuối cùng đứa trẻ cũng bật cười. Chỉ cần bạn vẫn giữ thái độ bình thường, trẻ không thể làm loạn hơn nữa. Bạn cần ổn định cảm xúc của mình trước, tránh bị cảm xúc tiêu cực của trẻ dẫn dắt để không đánh mất cơ hội giúp trẻ bình tĩnh trở lại.
- Bố mẹ kiên nhẫn chờ đợi, thể hiện thái độ đồng cảm
Tự an ủi bản thân không có nghĩa là trẻ không cần đến sự đồng hành và giúp đỡ của bố mẹ. Ngược lại, trẻ càng cần cảm giác an toàn hơn khi tự mình đối mặt với cảm xúc tiêu cực.
Chỉ khi trẻ ở trong một môi trường đủ an toàn, chúng mới có thể bắt đầu tự ổn định cảm xúc của bản thân, lúc đó tâm lý sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Việc bố mẹ cần làm là kiên nhẫn chờ đợi, thể hiện thái độ đồng cảm với cảm xúc của trẻ đang đối mặt.
- Bố mẹ sẵn sàng giúp đỡ con bình tĩnh trở lại
Tùy theo từng đứa trẻ mà chúng có khả năng tự xoa dịu bản thân khác nhau, chẳng hạn như trong vài phút hoặc khóc lóc tới nửa tiếng vẫn chưa nín.
Một số trẻ chỉ khóc một lúc để trút bỏ cảm xúc tiêu cực, bĩnh tĩnh và cười đùa trở lại. Nhưng cũng có đứa vì cảm xúc tiêu cực quá lớn, chưa thể tự xoa dịu được bản thân nên cần thời gian lâu hơn. Lúc này, khi trẻ đã thành công trong việc bình tĩnh trở lại, bố mẹ nên kịp thời khen ngợi con mình. Nếu việc tự an ủi bản thân không thành công, điều đó có nghĩa là trẻ vẫn cần sự an ủi từ bố mẹ. Bố mẹ hãy kiên nhẫn tới ôm và dỗ dàng con một lần nữa, chúng sẽ không từ chối như ban đầu.
Nguồn: QQ