Thay đổi tổ hợp - chưa có hướng dẫn

Chương trình GDPT mới ngoài môn học bắt buộc, các em sẽ phải chọn các môn học phù hợp năng lực, sở thích. Việc lựa chọn tổ hợp môn ngay từ đầu lớp 10 đồng nghĩa với việc các em sẽ quyết định lựa chọn nghề nghiệp sớm. Năm nay, ngay sau khi có kết quả thi tuyển sinh lớp 10, các trường THPT thông báo các tổ hợp môn của trường và cho học sinh, phụ huynh thời gian để cân nhắc kỹ sau đó mới quyết định. Năm ngoái, không ít em chọn tổ hợp này nhưng khi có nhu cầu đổi tổ hợp khác thì không thể thực hiện được.

Thay đổi lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10: Cả thầy lẫn trò đều tắc - Ảnh 1.

Trường THPT tư vấn học sinh chọn tổ hợp từ đầu năm học ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Nguyễn Minh Tuấn, học sinh lớp 10 Trường Tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, để lựa chọn môn học tổ hợp em và gia đình phải dành thời gian nghiên cứu rất kỹ. Trong đó, có tổ hợp em học tốt 2 môn, không tự tin môn còn lại nên vẫn trăn trở. Còn mẹ của em cũng bày tỏ sự lo lắng, nếu lựa chọn không phù hợp, sau một năm học mới được chuyển tổ hợp khi đó sẽ không biết phải bù đắp kiến thức cho những môn chưa học như thế nào. Nhất là sở thích và khả năng của con có thể thay đổi sau một thời gian học.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) nói rằng, thực hiện đổi mới chương trình, SGK không đồng bộ. Lứa học sinh lớp 9 năm ngoái và lớp 9 năm nay ở bậc THCS vẫn theo chương trình GDPT 2006 nhưng lên THPT lại bắt đầu áp chương trình GDPT mới. Các trường THCS cũng vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm nên những năm đầu chưa làm được nhiều cho học sinh trong việc tư vấn, định hướng lựa chọn tổ hợp. “Năm ngoái, nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 THPT quay lại trường để nhờ giáo viên tư vấn chọn tổ hợp nhưng thầy cô cũng chỉ biết cũng cấp thông tin ở mức cơ bản, chung chung”, người này nói.

Chị Trần Thị Hương ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái có con vào lớp 10 chọn tổ hợp chưa phù hợp. Sau khi con “kêu khó” không thể tiếp tục theo được, gia đình đã gặp từ giáo viên chủ nhiệm, đến hiệu trưởng và được trả lời “phải chờ vì chưa có hướng dẫn”. Do đó, đến năm nay con thứ 2 vào THPT, chị Hương đã cẩn thận đến cả trường THCS nhờ giáo viên dạy lớp 9, hiểu năng lực của con để nhờ tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp.

linh hoạt, đảm bảo quyền lợi học sinh

Thầy Đỗ Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, sau năm đầu tiên đầy bỡ ngỡ, đến năm thứ hai nhà trường có kinh nghiệm nên chuẩn bị chu đáo, thận trọng và xếp tổ hợp môn phong phú đáp ứng được nhiều nguyện vọng của học sinh hơn. Sau buổi học sinh tập trung, nhà trường phát tờ định hướng các tổ hợp để học sinh mang về và có thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Sau đó, trường sẽ chốt lại bằng một ngày hội tư vấn lựa chọn với sự tham gia của tất cả phụ huynh. Kết quả, có khoảng 60% học sinh chọn các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên và 40% chọn các tổ hợp Khoa học xã hội.

Theo thầy Minh, sau một năm cho học sinh tự chọn môn học đã nảy sinh một số tình huống khó khăn cho cả nhà trường và học sinh. Ví dụ, một số em theo bố mẹ từ miền Nam ra, phải chuyển trường nhưng khi đến tổ hợp môn hai trường không trùng hợp, nhà trường không thể tiếp nhận được học sinh. Hoặc ngay cả trong một trường, sau một thời gian học sinh nhận ra tổ hợp này quá khó, không thể theo được nhưng muốn đổi cũng chưa thực hiện được bởi Bộ GD&ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Các trường mang băn khoăn gửi Sở GD&ĐT hiện cũng chưa có giải đáp nên việc chuyển trường, đổi tổ hợp hiện vẫn “tắc”.

Ông Minh cho rằng, sau chương trình THCS, học sinh đã đảm bảo kiến thức nền tảng, đến chương trình THPT quy định các môn học bắt buộc và môn tự chọn là hợp lý. Tuy nhiên, khi các em đã hoàn tất các môn học bắt buộc nên linh hoạt, mềm mại hơn trong việc đổi tổ hợp. Khi đó, bằng cách nào đó, học sinh tự học, tự luyện tập hay bổ sung kiến thức đảm bảo sẽ quyết định đổi môn và nhà trường phải thực hiện đổi nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi cho các em. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần sớm công bố phương thức thi tốt nghiệp THPT từ 2025 để học sinh, các nhà trường có định hướng rõ ràng cho các em lựa chọn tổ hợp môn học. Bởi vì học hành và thi cử vẫn luôn gắn liền với nhau.

Đối với việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Trần Tuấn Khanh cho biết, sau một năm triển khai tại An Giang rất ít học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn học. Để làm được như vậy, trước đó, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT giới thiệu để học sinh, phụ huynh học sinh hiểu rõ về sự đổi mới, các tổ hợp nhà trường có thể sắp xếp nhằm có sự lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, ông Tuấn Khang kiến nghị, Bộ GD&ĐT cho phép linh hoạt số học sinh/lớp với các môn/chuyên đề lựa chọn; cho phép các Sở GD&ĐT tham mưu linh hoạt điều động, bố trí giáo viên phù hợp theo từng năm học.

Bộ cần hướng dẫn cụ thể

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc. Tuy nhiên, hiệu trưởng các trường THPT cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, linh hoạt hơn.