Người lớn thường có thói quen nói chuyện với trẻ con theo kiểu trẻ con bằng cách sử dụng những từ ngữ ngộ nghĩnh, ngốc nghếch, bóp méo thanh âm, đôi khi không chính xác về mặt ngữ pháp. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đây không phải cách giúp trẻ học nói nhanh.
Muốn con học nói nhanh, bố mẹ phải nói chính xác
Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã sử dụng thuật ngữ "parentese" để chỉ cách nói chuyện khoa học có thể thúc đẩy sự phát triển trí não và lời nói ở trẻ nhỏ. Bản chất, đó là ngôn ngữ giống như người lớn, chỉ là được nói bằng một giọng điệu, nhịp điệu khác mà thôi. Naja Ferjan Ramirez, Giáo sư phụ tá tại khoa ngôn ngữ học Đại học Washington, cho biết: "Nói chuyện với trẻ con theo kiểu parentese sử dụng từ ngữ thực sự, ngữ pháp chính xác, nhưng được phát ra với cao độ lớn hơn, nhịp độ chậm hơn và ngữ điệu nhấn mạnh hơn".
Cụ thể, các bố mẹ thường hay sử dụng kiểu nói "Con tó", "Đi chơi ná!", "Pà, Pà, gọi pà đi!"... vì nghĩ rằng trẻ sẽ nhanh học theo hơn, từ đó sẽ biết nói nhanh hơn. Nhưng ngược lại, cách nói parentese được các nhà khoa học hướng dẫn như sau: người lớn vẫn sử dụng những từ ngữ, cách nói chính xác nhưng với âm điệu cao, nhịp độ chậm, ngữ điệu mạnh nhấn mạnh hơn.
Ví dụ, khi bạn nói chuyện với một người lớn, bạn nói: "Xin chào, bạn đã pha cà phê cho tôi đấy ư?" còn với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể nói: "Chàoooo cooon yêuuuu của mẹeeeeee. Coo…n đang đeo một chiếc bỉiiiiiim mới đúng không?".
Patricia Kuhl, đồng giám đốc Viện Khoa học & Học tập Đại học Washington, người đã nghiên cứu về việc học ngôn ngữ sớm của trẻ em trong nhiều thập kỷ qua, cho biết: "Parentese có ba đặc điểm. Một trong số đó là nó có cao độ tổng thể lớn hơn. Một điều nữa là mức độ lên xuống của ngữ điệu rất rộng, tông cao thì cao hơn nữa, tông thấp thì thấp hơn nữa và chứa đựng âm sắc rất phấn khích và hạnh phúc. Và nhịp điệu giọng nói cũng chậm hơn, với các quãng dừng giữa các cụm từ để em bé có thời gian tham gia loại hình tương tác xã hội này".
Năm 2018, Kuhl và Ferjan Ramirez công bố một nghiên cứu cho thấy, khi cha mẹ được huấn luyện cách nói chuyện với trẻ theo kiểu parentese, con của họ bập bẹ nhiều hơn và có nhiều từ hơn trước khi 14 tháng tuổi so với những người không được đào tạo.
"Con cái của các cha mẹ được huấn luyện đã nói những từ thực sự có nghĩa, chẳng hạn như quả bóng hoặc sữa, với tỷ lệ gần gấp đôi so với những đứa trẻ có bố mẹ nói theo kiểu cũ (nói ngọng, nói lái, nói ngô nghê)", Ferjan Ramirez cho biết.
Ngoài ra, những em bé có cha mẹ được huấn luyện có vốn từ vựng trung bình là 100 từ so với các bé có bố mẹ trong nhóm còn lại chỉ có vốn từ trung bình khoảng 60 từ.
"Trẻ sơ sinh cần được tham gia các giao tiếp xã hội để học ngôn ngữ. Trẻ phải có động lực giao tiếp. Trẻ phải muốn giao tiếp, và cách trò chuyện với trẻ con theo kiểu parentese dường như giúp các bé hình thành mong muốn đó", Kuhl nhấn mạnh.
Trẻ sơ sinh hứng thú với cách nói chuyện parentese hơn
Trong cách nói chuyện trên, "bộ não xã hội" là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh thích thú cách nói đó một cách bản năng - như thể trẻ được lập trình để đáp lại.
Kuhl đã chia sẻ một video từ một thí nghiệm cũ với sự tham gia của bé "Paul" 7 tháng tuổi nhằm minh họa cho sở thích của em bé đối với cách nói chuyện theo kiểu parentese của cha mẹ.
Trong đoạn video đen trắng, Paul ngồi trong lòng mẹ. Ở phía trái Paul, ngoài tầm nhìn, phía đằng sau bức tường, một người phụ nữ nói trong 8 giây ngôn ngữ theo kiểu trò chuyện parentese. Bên phải bé, một người phụ nữ nói với giọng người lớn bình thường. Paul "thưởng thức" cả hai, sau đó bày tỏ sự thích thú hơn dành cho kiểu nói chuyện parentese.
Phòng thí nghiệm của Kuhl cũng đã thực hiện các nghiên cứu cho thấy, khi trẻ sơ sinh nghe lời nói, "không chỉ vùng vỏ thính giác trong não của trẻ sáng lên, mà các vùng vận động cuối cùng sẽ sáng lên", cho thấy em bé sẵn sàng trò chuyện đáp lại.
"Cha mẹ càng sử dụng kiểu nói chuyện parentese trong nhà một cách tự nhiên bao nhiêu thì những kỹ năng ngôn ngữ đó ở trẻ càng phát triển tốt hơn và nhanh hơn bấy nhiêu. Vì vậy, hóa ra nói chuyện kiểu parentese lại chính là chất xúc tác xã hội cho ngôn ngữ. Nó khiến trẻ không chỉ lắng nghe mà còn trò chuyện", Patricia Kuhl nhấn mạnh.