Nhận lương 13 triệu, tiết kiệm được 10 triệu

Phương Chi (23 tuổi) đang là nhân viên văn phòng tại Bắc Ninh, nhận lương 13 triệu/tháng. Cứ mỗi khi nhận lương, cô nàng sẽ dành 5 triệu gửi tiết kiệm, 5 triệu để mua vàng. Còn lại khoảng 3 triệu/tháng là chi phí sinh hoạt, được Phương Chi phân bổ thành từng khoản nhỏ như sau:

- Tiền nhà: 1,3 triệu.

- Tiền ăn: 700 ngàn, bao gồm tiền mua đồ ăn vặt khi đi làm cùng đồng nghiệp và ăn uống cùng bạn bè vào thời gian rảnh. Phương Chi cho hay, do được công ty hỗ trợ 2 bữa sáng và trưa nên cô nàng hầu như không tốn chi phí mua thực phẩm hàng ngày.

- Tiền xăng xe: 300 ngàn.

- Tiền mua đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt: 700 ngàn.

Khi được hỏi "chỉ tiêu 3 triệu/tháng thì có khó sống không", cô nàng cho hay: "Mình không phải là người theo chủ nghĩa tiêu dùng, không có nhu cầu mua sắm hay mua đồ để làm vui bản thân.

Cũng vì thế, mình không thấy áp lực và stress gì. Mình vẫn mua quần áo cơ bản, đi ăn uống cùng bạn bè và đồng nghiệp. Ngoài ra, cá nhân mình cũng có nhiều khoản chi tiêu tiết kiệm được, đó là được công ty bao ăn và thuê nhà trọ giá rẻ của người quen. Đây là những yếu tố mà một số bạn trẻ khác ở thành phố không có được. Mình muốn tận dụng khoảng thời gian này để có quỹ tiết kiệm lớn một chút, chẳng may nay mai có việc cần dùng đến".

Thay đổi vài thói quen, 3 cô gái tiết kiệm thêm vài triệu mỗi tháng, dư tiền mang mua vàng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thay đổi 1 thói quen, tiết kiệm thêm vài triệu đồng/tháng

Như Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, tổng thu nhập của cô là 15 triệu đồng/tháng. Lúc trước, cô chủ yếu không xài tiền mặt, mà dùng quẹt thẻ để thanh toán. Dù phương thức này thuận tiện nhưng Như Ngọc không tiết kiệm được đồng nào vì thường xuyên chi tiêu quá mức. Giờ đây, sau khi có lương, cô đều rút một phần tiền mặt để chi tiêu hàng ngày, còn lại bao nhiêu thì giữ lại ở tài khoản ngân hàng để tiết kiệm. Nhờ theo đuổi cách chi tiêu bằng tiền mặt nên Như Ngọc sống tiết kiệm hơn, tình hình tài chính cải thiện rõ rệt.

Như Ngọc tâm sự: "Thời gian đầu chuyển qua xài tiền mặt, mình chỉ tiết kiệm được 1/3 lương thôi. Cụ thể, tháng nào mình cũng đổi 10 triệu tiền mặt, còn lại bao nhiêu thì dành để gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Với 10 triệu này mà mang đi chi tiêu, nếu còn dư thì tốt quá, mà nếu mình lỡ xài hết thì dừng. Sau này, có tháng mình tiết kiệm được nhiều nhất là 2/3 lương cũng bởi cách trên".

Theo cô bạn, việc dùng tiền mặt để thanh toán sẽ hạn chế các khoản mua sắm linh tinh mà đôi khi cả chính chủ cũng không nhớ. Bởi lẽ, so với tiền mặt thì việc quẹt thẻ để thanh toán ít mang lại cảm giác "tiếc tiền", tâm lý muốn chi tiêu thoải mái nhiều hơn.

"Với mình, dùng tiền mặt khá tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Khi mua sắm, bạn không cần nhân viên trả tiền thừa hoặc mất công đăng nhập các app. Nếu trong ví có nhiều tiền mà chi tiêu quá nhiều thì chúng sẽ xẹp xuống, bạn sẽ nhận ra ngay và xót tiền, từ đó giảm chi tiêu liền", cô bạn cho biết.

Thay đổi vài thói quen, 3 cô gái tiết kiệm thêm vài triệu mỗi tháng, dư tiền mang mua vàng- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Không bao giờ dám tiêu hết tiền lương có được

Phương Chi chia sẻ từ khi còn nhỏ, cô được phụ huynh dạy rằng phải nỗ lực học tập, làm việc chăm chỉ để hướng đến độc lập tài chính. Khi có tiền trong tay, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thuận lợi hơn. Tích lũy nhiều, không chỉ để phòng ngừa rủi ro mà còn giúp mỗi bước đi hàng ngày tự tin và suôn sẻ.

"Mẹ luôn bảo với mình rằng có những lúc nếu không có tiền thì sẽ chẳng làm gì được chẳng hạn như ốm đau, hay muốn giúp đỡ gia đình. Không nhất thiết cả cuộc đời phải sống vì tiền, nhưng nếu có tài chính ổn định, mình sẽ tránh được những rắc rối. Cũng vì thế, từ khi đi làm, mình chưa bao giờ tiêu hết số tiền kiếm được, mà cố gắng hàng tháng để dành ít nhất 1-2 triệu", Phương Chi nói.

Một trường hợp khác, Mỹ Duyên (SN 1997) đang làm freelancer trong mảng chăm sóc, tư vấn và sales các sản phẩm du lịch ở TP.HCM. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ không quá giàu có về mặt tài chính, Mỹ Duyên sớm chủ động học cách tự lập và quản lý chi tiêu. Cho đến hiện tại, cô nàng đã luôn duy trì được mục tiêu tiết kiệm 50% trên tổng thu nhập hàng tháng.

Cô nàng chia sẻ: "Mình thường để dành 50% thu nhập vào sổ tiết kiệm, chi 30% cho sinh hoạt cần thiết, 20% để dành cho sở thích cá nhân. Vì công việc của mình là làm tự do nên thu nhập cũng bấp bênh lắm. Tháng nào chăm chỉ thì có thể ở mức 50-80 triệu, nhưng cũng có những tháng kiếm 30-40 triệu thôi. Tháng nào thu nhập kém hơn thì mình sẽ cắt phần chi tiêu cho sở thích xuống để đảm bảo tiết kiệm ít nhất 20 - 40 triệu/tháng trở lên, đồng thời tháng sau sẽ phải cố gắng nhiều hơn để bù lại".

Từng trải qua quãng thời gian khó khăn về tài chính và sau này rút ra được nhiều bài học tiết kiệm cho bản thân, Mỹ Duyên gửi quan điểm đến nhiều bạn trẻ đang muốn học hỏi về quản lý tài chính: "Các bạn trẻ bây giờ thường chạy theo xu hướng và không quan tâm đến việc trong túi mình có bao nhiêu tiền, họ thường chi trước rồi mới tính sau. Mình nghĩ, việc quan trọng nhất trong quá trình quản lý tài chính đó là bạn biết được bạn là ai, đang ở đâu trong xã hội và không chạy theo những thứ vượt quá tầm với thì bạn sẽ biết cách chi tiêu đúng mức".