Có một ranh giới rất mong manh giữa việc chúng ta là một nhân viên thẳng thắn, trung thực với chuyện tọc mạch, vu khống cho người khác. Mặc dù ở môi trường công sở, bạn sẽ được đánh giá cao nếu bản thân biết đứng lên bày tỏ ý kiến của mình để công việc tập thể trở nên tốt hơn, song chính lời nói quá thẳng thắn đôi khi lại là mũi dao làm hại bạn.
Câu chuyện đối xử với đồng nghiệp đang gây tranh cãi MXH mới đây là một ví dụ điển hình cho nhận định trên. Theo đó, một topic được mở ra trên Quora với nội dung: "Khi thấy một người đồng nghiệp đang đi lại trên đường dù họ đã xin phép nghỉ ốm thì có nên "mách" sếp hay không?"
Ngay lập tức, chủ đề thu hút hàng trăm bình luận và hàng ngàn người theo dõi sôi nổi. Có thể nhiều ý kiến sẽ ủng hộ việc báo cáo lại cấp trên về hành vi thiếu trung thực của đồng nghiệp, từ đó văn hóa làm việc, nội bộ toàn công ty sẽ đi lên, song trên thực tế, không phải lúc nào những gì bạn trông thấy cũng phản ánh toàn bộ sự thật.
Hay nói cách khác, nếu chứng kiến đồng nghiệp vẫn nhởn nhơ ngoài đường dù xin nghỉ ốm, thì đừng làm gì cả!
Cùng lắng nghe một vài ý kiến của cư dân mạng để biết vì sao lại như thế nhé!
Karin Taylor: "Tốt nhất đừng chơi xỏ đồng nghiệp mình theo cách này!"
Tình huống này từng xảy ra với tôi rồi. Tôi xin sếp nghỉ ốm và đến gặp bác sĩ để lấy thuốc uống. Trong khoảng thời gian đơn thuốc chuẩn bị, tôi đã bước vào trung tâm thương mại để chờ đợi. Ấy vậy, một vài đồng nghiệp nữ đã thấy điều đó và báo cáo lại cho sếp tôi. Nhưng thực tế là tôi vẫn có ngày giờ rõ ràng ghi trên đơn thuốc kèm chỉ định của bác sĩ. Do đó sếp không hề sát phạt tôi mà gọi chính những cô nàng tọc mạch trên đến và mắng họ, cũng như chỉ ra sai lầm khi tự suy diễn mọi thứ.
Lần khác, tôi thấy một chàng công sở cũng đang ở siêu thị Walmart trong khi đáng lý anh ta đang phải ở văn phòng. Tuy tôi không nói một lời gì cả nhưng anh ấy nhìn thấy tôi khi tôi cũng liếc mắt vào anh ta. Bạn biết không, anh ta đã quay lại văn phòng và làm loạn với sếp. Đặc biệt là bịa đặt tôi không thích anh ta nên đã tố cáo chuyện anh ta đi siêu thị trong giờ làm. Nhưng thực sự là tôi chưa hề nói gì cả!
Và đó là lý do vì sao anh ta bị sếp tặng cho một bài học. Một điều nực cười là tôi không ưa anh ta lắm song tôi giữ một thái độ khách quan, nghĩ rằng chắc hẳn sự xuất hiện của người này ở siêu thị là vì sếp nhờ vả hoặc đã xin phép từ trước. Vậy nên, tình huống này anh ta đã rất sai lầm khi tự tố cáo chính mình. Tôi chỉ đơn giản là không quan tâm, can thiệp quá sâu vì đó chẳng phải chuyện của tôi!
Tốt hơn hết, đừng chơi xỏ đồng nghiệp mình theo cách này. Có thể họ đã phải trải qua một ngày xui xẻo và gặp vô số chuyện tồi tệ, và ai cũng có cơ hội được giải trí, nghỉ ngơi mà! Do đó chẳng việc gì mà phải đơm đặt, lên án người ta cả.
Gwyneth Greyborne: "Nếu là sếp, tôi sẽ chất vấn lại kẻ mách lẻo!"
Khi một nhân viên cấp dưới nào đó tố cáo với tôi chuyện nhìn thấy đồng nghiệp xin nghỉ mà lại đi chơi, tôi sẽ chất vấn ngược lại họ: "Tại sao bạn lại quan tâm tới việc người khác đang làm thế?". Tôi tin rằng, kiểu nhân viên hay để ý quá mọi thứ như vậy thường là những người làm việc kém hiệu quả nhất!
Vậy đó, đôi khi thẳng thắn quá chưa chắc đã giúp ích cho công việc hay làm hình ảnh của bạn trở nên tốt đẹp trong mắt cấp trên. Điều quan trọng là bạn cần phân tích một sự việc dưới nhiều góc độ để không ác cảm tức thời với hành động của một ai đó. Nhưng suy cho cùng, chúng ta vẫn không nên để ý những chuyện chẳng liên quan tới bản thân. Chỉ cần tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình là bạn đã có thể trở thành nhân viên xuất sắc rồi đấy!
Còn chị em thì sao, bạn có nghĩ mình sẽ "mách" sếp nếu thấy đồng nghiệp đi chơi dù xin nghỉ ốm?