Khủng hoảng từ lời xin lỗi

Nguồn cơn mọi chuyện bắt đầu từ bài đăng trên Facebook cá nhân của tác giả Đặng Hoàng Giang thông báo ngừng hợp tác với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

Lý do dừng hợp tác không được tác giả tiết lộ cụ thể, tuy nhiên, độc giả, người hâm mộ ông ngầm hiểu phần nào nguyên do của việc này, bởi nhiều thông tin về những hành vi quấy rối của ông Nguyễn Nhật Anh được chia sẻ ở một số hội nhóm trên mạng xã hội.

Theo đó, nhiều độc giả tỏ ra bất bình, phẫn nộ trước thông tin, ông Nguyễn Nhật Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - có hành vi quấy rối đồng nghiệp nữ. Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao mạng xã hội, nhiều khán giả tức giận, khẳng định quay lưng với công ty nếu không có lời giải thích, xử lý phù hợp.

Thấy gì từ khủng hoảng truyền thông ở vụ ồn ào quấy rối của Tổng giám đốc Nhã Nam? - Ảnh 1.

Bài đăng mới nhất trên Facebook của công ty Nhã Nam về ồn ào của Tổng giám đốc Nguyễn Nhật Anh.

Rạng sáng ngày 18/4, ông Nguyễn Nhật Anh chính thức lên tiếng. Theo đó, ông Nhật Anh gửi lời xin lỗi đến nạn nhân của vụ việc này. Lý do xin lỗi được đưa ra là ông Nhật Anh có "một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với nữ nhân viên".

"Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy. Tôi cũng muốn xin lỗi đồng nghiệp, bạn bè, các đối tác thân thiết, các độc giả yêu sách Nhã Nam vì đã bị làm phiền bởi rất nhiều tin đồn sai lệch trên mạng về câu chuyện trên...", Nguyễn Nhật Anh viết.

Tuy nhiên, lời xin lỗi của ông Nhật Anh lại khiến công chúng tức giận hơn nữa bởi bài đăng xin lỗi được đăng tải trên trang Facebook chính thức của Nhã Nam, đăng tải vào nửa đêm.

Nhiều độc giả nhận định hành động xin lỗi này chỉ là “cho có”, một lời xin lỗi có mà như không. Đứng trước làn sóng tẩy chay của nhiều độc giả, đến chiều ngày 18/4, công ty Nhã Nam mới đưa ra thông báo chính thức.

Thấy gì từ khủng hoảng truyền thông ở vụ ồn ào quấy rối của Tổng giám đốc Nhã Nam? - Ảnh 2.

Trong thông báo chính thức ngày 18/4, ông Nguyễn Nhật Anh tạm thời ngừng công tác tại vị trí Tổng giám đốc.

Ông Dương Hoài Thanh - Phó tổng giám đốc - thay mặt Ban Giám đốc thông tin đến độc giả. Đại diện Nhã Nam xin lỗi bạn đọc về những thông tin tiêu cực được lan truyền có liên quan đến công ty trong thời gian vừa qua “vì đã không làm rõ sự việc một cách nhanh chóng và rốt ráo”.

“Chúng tôi xin lỗi vì những sự việc đã xảy ra, cũng như sự yếu kém của đội ngũ trong tiếp nhận thông tin và không có cách xử lý vấn đề thỏa đáng và kịp thời, khiến bạn đọc và các bên liên quan cảm thấy bất bình”, đại diện Ban Giám đốc viết.

Liên quan đến những thông tin, cáo buộc liên quan đến môi trường làm việc tại công ty Nhã Nam và ông Nguyễn Nhật Anh (Tổng giám đốc), công ty Nhã Nam quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của ông Nguyễn Nhật Anh tại công ty.

Thấy gì từ khủng hoảng truyền thông ở vụ ồn ào quấy rối của Tổng giám đốc Nhã Nam? - Ảnh 3.

Làn sóng tẩy chay sẽ tiếp diễn nếu Nhã Nam không có hành động dứt khoát, thực chất khi giải quyết khủng hoảng lần này.

Bên cạnh đó, đại diện công ty Nhã Nam khẳng định sẽ làm việc với cơ quan có thẩm quyền và ông Nguyễn Nhật Anh để xác minh và làm rõ những sự việc, thông tin có liên quan, xác định tính chất và mức độ của vụ việc, xác định mức độ gây tổn hại đối với bên liên quan và đối với công ty Nhã Nam. Từ đó, công ty sẽ có những biện pháp xử lý và kỷ luật thỏa đáng đối với ông Nguyễn Nhật Anh tại công ty Nhã Nam.

Công ty Nhã Nam cũng gửi lời xin lỗi tới nữ nhân viên trong câu chuyện, toàn bộ tác giả và các đối tác đã và đang cộng tác với Nhã Nam, toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty Nhã Nam. Đến nay, lời xin lỗi do cá nhân ông Nguyễn Nhật Anh đăng trên trang Facebook của công ty đã được gỡ bỏ.

Bài học xử lý khủng hoảng

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết mỗi doanh nghiệp khi gặp khủng hoảng sẽ có cách giải quyết khác nhau. Tuy nhiên, cách giải quyết của công ty Nhã Nam thông qua bài đăng rạng sáng ngày 18/4 là không hợp lý. Vị chuyên gia này cũng phân tích các hướng giải quyết một cuộc khủng truyền thông.

Khi gặp khủng hoảng, đơn vị, doanh nghiệp cần xác định hậu quả của cuộc khủng hoảng, nó ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, đối tác. Chuyên gia Ngọc Long nhấn mạnh không thể giải quyết khủng hoảng bằng cách dùng truyền thông dập đi. Bản chất các cuộc khủng hoảng cần xử lý thực chất ngoài đời, sau đó mới đưa kết quả lên truyền thông.

Thấy gì từ khủng hoảng truyền thông ở vụ ồn ào quấy rối của Tổng giám đốc Nhã Nam? - Ảnh 4.

Các chuyên gia khẳng định, độc giả không dễ dàng bỏ qua cho Nhã Nam chỉ với vài dòng thông báo và một chương trình giảm giá “sập sàn” đầu hè.

“Muốn giải quyết khủng hoảng cần xác định rõ ai là nạn nhân, ai là người chịu ảnh hưởng từ việc doanh nghiệp, đơn vị làm sai. Trong vụ việc của Nhã Nam, người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là CEO của Nhã Nam, sau đó, tập thể cán bộ, công nhân viên của công ty, tiếp đó là những chuyên gia, tác giả, đối tác đã và đang hợp tác với Nhã Nam. Bên cạnh đó, những đơn vị trao thưởng, trao giải cho cá nhân hoặc công ty Nhã Nam cũng bị ảnh hưởng”, chuyên gia truyền thông Ngọc Long nêu.

Chuyên gia cho rằng sau khi xác định được nạn nhân, cần có những đối xử, xử lý phù hợp. Những hành động sau đó của Nhã Nam được cho là kịp thời, thể hiện sự “thật lòng” của đơn vị trong câu chuyện lần này.

Thấy gì từ khủng hoảng truyền thông ở vụ ồn ào quấy rối của Tổng giám đốc Nhã Nam? - Ảnh 5.

Nhã Nam cần tiếp tục đưa ra cách giải quyết thực chất mà không chỉ đưa thông tin lên truyền thông hòng dập tắt dư luận.

Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động xử lý trên mạng xã hội , truyền thông, để thực sự xử lý ngọn ngành sự việc, dập tắt được cơn khủng hoảng này, công ty Nhã Nam cần tiếp tục có những hành động cụ thể ngoài đời một cách nhanh chóng và chân thành nhất. Ông Ngọc Long nhấn mạnh độc giả không dễ dàng bỏ qua cho Nhã Nam chỉ với vài dòng thông báo và một chương trình giảm giá “sập sàn” đầu hè.

Nhà văn Lynh Miêu cũng nêu quan điểm trên trang cá nhân. Chị khẳng định bên cạnh một quy trình xử khủng hoảng hay một quy trình để thông suốt về mặt thông tin, điều quan trọng hơn nữa là tạo quy trình, đào tạo lại nhân sự để không ai mắc phải sai lầm này, lần thứ hai.

“Một quy trình sẽ không thể chạy tốt nếu từng nhân viên trong tổ chức không hiểu được giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đang đại diện và bảo vệ cho những giá trị gì? Và mạch ngầm để thông suốt quy trình ấy, không phải là những con chữ khô khan chỉ viết trên văn bản hay in ra trên giấy tờ. Đó chính là giá trị nhân văn, đạo đức và tình người”, nhà văn Lynh Miêu nhấn mạnh.

Thấy gì từ khủng hoảng truyền thông ở vụ ồn ào quấy rối của Tổng giám đốc Nhã Nam? - Ảnh 6.

Nhà văn Lynh Miêu cho rằng các nhà lãnh đạo, quản lý và trả lời được câu hỏi: Liệu bạn có sẵn sàng “sa thải” chính mình hay ai đó để bảo vệ thương hiệu và công sức của tập thể không?

Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo cần ngồi lại với nhau để làm rõ và nhìn nhận những thiếu sót, không thể “bình thường hóa” những thứ không bình thường như những lời trêu đùa về giới tính, cân nặng, màu da… chỉ đổi lấy những “tiếng cười” và “sự hài hước”.

“Việc duy trì uy tín của một tổ chức bằng uy tín của từng cá nhân - sự trách nhiệm với công việc, nâng cao năng lực chuyên môn mỗi ngày và giữ sự tôn trọng hay đặt ra các ranh giới nhất định với các đồng nghiệp. Lãnh đạo từ tâm, là người cần truyền đạt được cho từng nhân viên và xây dựng được một môi trường làm việc với những bộ quy chuẩn như thế”, nhà văn Lynh Miêu nêu.

Về câu chuyện của Nhã Nam, chuyên gia nhấn mạnh không có chuyện độc giả hay công chúng “rồi sẽ quên ngay thôi”, bởi thời đại này đã khác. "Giữ tư tưởng lỗi thời và có phần trịch thượng đó, bạn sẽ có ngày chôn công ty của mình dưới đáy làn sóng phẫn nộ của dư luận”, nhà văn Lynh Miêu nêu quan điểm.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh một quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, các doanh nghiệp, công ty cũng cần xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp, các cá nhân trong nội bộ công ty cần thống nhất tinh thần thế nào để giữ được hình ảnh của thương hiệu...